Từ Hỏa xa Sài Gòn đến Metro số 1

Thứ Hai, 02/05/2016, 12:22
Trong dân gian lưu truyền câu: "Mười giờ tàu đến Bến Thành/ Súp-lê vội thổi bộ hành lao xao"… Cơn bão kinh khiếp năm Giáp Thìn đã từng quật ngã nhào đoàn tàu lửa chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho: “Xe lửa chạy tới Tân An/ Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào"…


Nha Hỏa xa Sài Gòn ngày xưa là tòa nhà nằm ở góc đường Hàm Nghi và Huỳnh Thúc Kháng, trước cửa chợ Bến Thành. Sau  năm 1975, ga xe lửa Sài Gòn dời về Hòa Hưng (quận 3) nhưng đi dọc ngang thành phố vẫn còn gặp nhiều dấu vết về đường ray xe lửa và những ga, trạm hỏa xa cũ. Rất nhiều người dân Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh sống ở thế kỷ 20 không thể nào quên sự kiện “bão lụt năm Thìn 1904” gắn với sự kiện nhà cầm quyền Pháp tổ chức trọng thể lễ khánh thành đường xe lửa từ Nha Hỏa xa Sài Gòn (Bến Thành) nối Gò Vấp. 

Trong dân gian lưu truyền câu: "Mười giờ tàu đến Bến Thành/ Súp-lê vội thổi bộ hành lao xao"… Cơn bão kinh khiếp năm Giáp Thìn đã từng quật ngã nhào đoàn tàu lửa chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho: “Xe lửa chạy tới Tân An/ Tốp máy chẳng kịp ngã ngang té nhào"…

1. Cuối thế kỷ 19, người Pháp bắt đầu thực hiện tham vọng khai thác thuộc địa, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn đi Mỹ Tho, dự kiến sẽ nối Vĩnh Long - Cần Thơ và nối kết với TP Phnôm Pênh (Campuchia). Đến đầu năm 1881, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho dài hơn 70km được khởi công xây dựng với tổng cộng 17 nhà ga, mỗi ga cách nhau khoảng 4km. Đây cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương với tổng kinh phí gần 12 triệu frăng. Toàn bộ vật liệu đều chở bằng tàu thủy từ Pháp sang, hơn 11.000 lao động bản địa và nhiều sĩ quan công binh, kỹ sư từ Pháp sang khẩn trương thi công.

Ngày 20-7-1885, chuyến tàu lửa đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây bằng phà, đến ga cuối tại vườn hoa Lạc Hồng, ngay bờ sông Tiền, trung tâm TP Mỹ Tho ngày nay, đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam, trong lúc xã hội phong kiến bao đời nay chỉ tồn tại loại hình giao thông bằng xuồng ghe và xe ngựa. Tháng 6-1886, hai cầu sắt Bến Lức và Tân An xây dựng xong, xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho mới chạy liền một mạch.

Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho hồi đầu thế kỷ XX.

Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” đã miêu tả rất hài hước: “Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Villers vừa ho vừa khạc ra khói, vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tụt xuống, lên dốc không nổi… trối kể, xe cập bến cũng còi, cũng “xả hơi” ồn ào oai vệ khiếp”.

Ngày đó, người dân Sài Gòn về miền Tây và người miền Tây đi ngược lại muốn xem “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu…” rất hả hê khi đi xe lửa từ Sài Gòn đến Mỹ Tho và ngược lại chỉ vài ba giờ, vừa nhanh lại vừa sang trọng. Ước tính từ khi đưa vào khai thác, tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho lãi rất lớn, có khi lên tới 4 triệu frăng/năm. Cho đến những năm 50 thế kỷ trước, công nghiệp ôtô phát triển mạnh, cùng với hệ thống đường bộ xây dựng khắp nơi phục vụ cho chiến tranh nên giao thông bằng xe lửa trở nên chậm chạp, bất tiện, ít người đi lại. Đến năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm cấm đường xe lửa này hoạt động.

Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho gắn với rất nhiều sự kiện của lịch sử đất nước, xã hội thời Pháp thuộc, đồng thời cũng đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa cộng đồng rất lớn. Người dân các tỉnh cũng đi xe lửa Mỹ Tho kéo nhau về vườn Ông Thượng (Tao Đàn) để dự lễ mừng Độc lập đầu tiên 2-9-1945…

2. Thế kỷ 21, gần 10 triệu dân, TP Hồ Chí Minh đang nghẹt thở với giao thông yếu kém hạ tầng, tăng chóng mặt số lượng phương tiện giao thông, gây cảnh thường xuyên ùn tắc.

Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) có tổng vốn 2,49 tỷ USD, khởi công vào tháng 8-2012 nay đã thành hình, chạy song song với Xa lộ Hà Nội ngày nay, với hơn 1.000 dầm đúc đã lắp liền nhau và các công trình ngầm, nhà ga ngầm đang hoàn thành nhiều hạng mục.  Trong số 20km chiều dài, sẽ có 2,6 km đi ngầm dưới đất với 3 nhà ga và hơn 17km trên cao với 17 nhà ga nổi sẽ đi ngang qua các quận 1, 2 , 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và Dĩ An (Bình Dương). Trong 17,1km Metro trên cao, sẽ xây dựng 5 cây cầu đặc biệt gồm: cầu Metro Sài Gòn, Rạch Chiếc, Điện Biên Phủ, Văn Thánh và cầu vượt Xa lộ Hà Nội.

Dù mới chỉ thành hình Metro số 1, nhưng theo quy hoạch tổng thể các đô thị kết nối vùng, thì 8 tuyến metro Sài Gòn sẽ kết nối các đô thị vùng kinh tế trọng điểm như: TP Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Tân An (Long An)… Trước mắt, tỉnh Bình Dương đã khảo sát thực hiện dự án xe buýt cao tốc (BRT) nối Thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên chạy dọc đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Dự tính đầu tư cho dự án này lên đến 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Tỉnh Bình Dương kỳ vọng khi đưa vào hoạt động, dự án xe buýt cao tốc này sẽ vận chuyển hàng vạn lượt khách mỗi ngày trong lúc chờ triển khai Metro kết nối Bình Dương.

3. Đi trên Xa lộ Hà Nội, ông Trịnh Long Tuấn – một Việt kiều về từ Hà Lan sau hơn 12 năm đã không khỏi ngạc nhiên: "Tôi không thể hình dung ra điều này đã có ở nước mình…". Hai chữ “nước mình” của ông Tuấn có chút gì đó cứ nghèn nghẹn, tự hào pha lẫn ngạc nhiên… Những trụ cầu chạy dài như sóng lượn và nhiều dầm đúc, mỗi nhịp dầm dài 350m, nặng 42 tấn đã được các loại máy móc, thiết bị hiện đại nâng, cẩu, ghép nối liền.

Có người không hiểu chuyện, cứ cho là không cần thiết phải xây dựng Metro số 1 với kinh phí quá lớn, trong khi quãng đường di chuyển chỉ 20km…Nhưng thử nghĩ đến tương lai gần của năm 2018-2020, Metro số 1 sẽ giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến giao thông công cộng, góp phần giải quyết nạn ùn tắc, nạn kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông cho thành phố hơn 10 triệu dân. Khi đó, các trường đại học, cao đẳng với hàng trăm ngàn sinh viên, các khu đô thị mới, các KCN, cả Bến xe Miền Đông mới, ga xe buýt Bình Dương, xe buýt TP Hồ Chí Minh, xe lửa cao tốc… và sẽ nối dài thêm 4,7km Metro số 1 tới Ngã Ba Vũng Tàu (giao lộ QL51- QL1A) theo đề xuất của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và tương lai có thể còn dài đến sân bay Quốc tế Long Thành…

Metro số 1 kết nối với TP Biên Hòa (Đồng Nai), nơi có trên 30 KCN, hơn nửa triệu công nhân, người lao động, chuyên gia và hành khách thường ngày ra vào trung tâm thành phố. Tất cả hành khách, công nhân, sinh viên học sinh từ các nơi dồn về trung tâm tại khu vực Suối Tiên, sau đó sẽ vào trung tâm TP Hồ Chí Minh bằng Metro số 1 và các phương tiện khác.

Cầu vượt Metro Sài Gòn đang được gấp rút thi công.

Cửa ngõ phía Đông thành phố sẽ không còn nguy cơ ùn ứ, kẹt xe như hiện nay. Metro được xây dựng bởi liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Cienco 6 (Việt Nam) và các gói thầu tư vấn, giám sát cùng nhiều gói thầu đặc biệt tại các ga ngầm, khu phố ngầm…sẽ do các chuyên gia, kỹ sư người Nhật nhiều kinh nghiệm đảm trách.     

Theo tính toán của các chuyên gia, trong 11 nhà ga trên cao của Metro số 1, thì nhà ga Tân Cảng là nơi đón lượng hành khách nhiều nhất với hơn 154.000 lượt hành khách/ngày, tiếp đến là ga Suối Tiên đón gần 147.000 lượt khách/ngày, ga Rạch Chiếc là gần 107.000 lượt hành khách/ngày…

Cùng với sự hình thành của tuyến Metro số 1, diện mạo giao thông cũng như diện mạo đô thị mới của TP Hồ Chí Minh bắt đầu hình thành.

8 tuyến Metro TP Hồ Chí Minh:

1 – Tuyến metro số 1: Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9) dài 19,7km. Nghiên cứu trong tương lai sẽ nối dài tới Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

2 – Tuyến metro số 2: Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi) – QL22 – B ến xe An Sương – Trường Chinh – nhánh nối vào depot Tham Lương – Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Bến Thành – Thủ Thiêm (Q.2) dài 48km.

3 – Tuyến Metro số 3a: Bến Thành (Q.1) – Phạm Ngũ Lão – Ngã sáu Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – depot Tân Kiên – ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) chiều dài khoảng 19,6km. Nghiên cứu trong tương lai kéo dài kết nối Tân An (tỉnh Long An).

4 – Tuyến số 3b: Ngã sáu Cộng Hòa (Q.3 – Q.10) – Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – QL13 – Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) dài khoảng 12,1km. Nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).

5 – Tuyến metro số 4: Thạnh Xuân (Q.12) – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành – Nguyễn Thái Học – Tôn Đản – Nguyễn Hữu Thọ – khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè), dài 36,2km.

6 – Tuyến metro số 4b: Ga Công viên Gia Định (Q.Gò Vấp) – kết nối với tuyến số 4 – Nguyễn Thái Sơn – Hồng Hà – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Trường Sơn –Công viên Hoàng Văn Thụ – ga Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) – kết nối với tuyến metro số 5, chiều dài 5,2km.

7 – Tuyến metro số 5: Bến xe Cần Giuộc mới (Q.8) – QL50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) – kết nối với tuyến metro số 1, dài 25km.

8 – Tuyến metro số 6: Bà Quẹo (Q.Tân Bình) – Âu Cơ – Lũy Bán Bích – Tân Hòa Đông –Vòng xoay Phú Lâm (Q.6) dài 5,6km. Tuyến này kết nối giữa hai tuyến metro số 2 và số 3a.

Hoàng Châu
.
.
.