Tình trạng đua xe trái phép: Xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục

Thứ Hai, 03/05/2021, 07:24
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ đua xe trái phép, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Không chỉ đua xe, gây rối TTCC trong các đô thị lớn, các đối tượng còn dám chặn cả cao tốc, quốc lộ để thực hiện hành vi đua xe, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đảm bảo TTATGT, gây nguy hiểm cho người tham giao thông và cho chính các đối tượng.


Ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tại một số tỉnh cũng đã xảy ra đua xe trái phép, gây rối TTCC. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này, đảm bảo ATGT, để người dân yên tâm mỗi khi ra đường, phóng viên Báo CAND đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và hướng dẫn điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT.

Phóng viên: Đồng chí nhận định thế nào về tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung và việc thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội kêu gọi đua xe trái phép, thậm chí chặn cả cao tốc, thời gian qua?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và hướng dẫn điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Tình hình TTATGT đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Một bộ phận người tham gia giao thông sẵn sàng vi phạm nếu không có sự giám sát của lực lượng chức năng; nhất là vượt đèn đỏ khi không có CSGT tại ngã ba, ngã tư. Người điều khiển phương tiện còn sử dụng những biển số xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc che biển số ở những nơi có camera giám sát.

Trong khi đó, những lỗi vi phạm của người giao thông thường có nguy cơ rất cao dẫn tới tai nạn, như: đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm về tốc độ; uống rượu bia; sử dụng chất ma túy. Nhiều người vẫn lái xe sau khi uống rượu bia dù mức xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng. 

Gần đây còn rộ lên chuyện một số thanh niên lên mạng kêu gọi, rủ rê nhau tập trung gây rối trật tự công cộng, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép. Trong quý 1-2021, lực lượng chức năng đã phát hiện 326 vụ tụ tập lạng lách. Tình trạng này không chỉ xuất hiện ở phía Bắc, mà hiện đã dịch chuyển vào phía Nam, khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Tối 10/4 vừa qua, hàng trăm đối tượng lên mạng xã hội hẹn nhau đua xe, rạng sáng 11/4, chúng chặn QL1 để đua xe qua địa bàn phường 3, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Lúc này, lực lượng Cảnh sát phục kích nhiều nơi đã ập đến, khống chế và bắt giữ 90 đối tượng cùng 110 xe máy. Một số đối tượng đã bỏ xe và trốn thoát. 

Mới đây nhất, ngày 30/4, Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Phòng CSGT TP Cần Thơ bố trí lực lượng, tổ chức vây bắt được 25 đối tượng đua xe trái phép; tạm giữ 56 xe môtô và xe gắn máy các loại. Cùng ngày, Công an TP Hồng Ngự đã phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp bố trí lực lượng, tổ chức chốt chặn, vây bắt được 26 đối tượng; tạm giữ 34 xe môtô, trong đó có nhiều xe đã thay đối đặc tính, kết cấu. Qua đấu tranh, khai thác, các đối tượng khai nhận đã thống nhất thời gian, địa điểm trước trên các trang mạng xã hội để tụ tập đua xe. 

Phóng viên: Thủ đoạn đua xe trái phép của các đối tượng hiện nay như thế nào, gây khó khăn gì cho việc chặn bắt, xử lý của lực lượng chức năng, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Hiện nay, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nên các đối tượng thường thông qua các ứng dụng mạng xã hội để kêu gọi tụ tập thành từng nhóm nhỏ, không theo quy luật, có thể tụ tập bất kỳ đêm nào trong tuần, phóng nhanh, lạng lách với các nhóm từ 30 - 50 xe và có những nhóm trên 100 xe. Những xe đua trái phép là xe biển số giả, che biển số hoặc không biển số khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xác minh, xử lý. 

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi thực hiện giãn cách xã hội, đường sá ít phương tiện hơn trước nên các đối tượng đua xe trái phép đã hoạt động mạnh. Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, hầu như gia đình nào cũng có một vài chiếc xe máy trong nhà cùng với việc quản lý con cái không chặt chẽ, không có sự giáo dục khiến nạn đua xe rộ lên.

Các đối tượng đua xe trái phép bị lực lượng Công an bắt giữ.

Phóng viên: Mặc dù được tuyên truyền, cảnh báo, tịch thu phương tiện, phạt hành chính mức cao. Thậm chí, cơ quan Công an liên tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng tổ chức đua xe, gây rối TTCC nhưng nhưng tình trạng tụ tập, kêu gọi đua xe trái phép vẫn diễn ra, theo đồng chí đâu là nguyên nhân?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Tình trạng tụ tập, đua xe trái phép có nhiều nguyên nhân, từ gia đình tới cộng đồng. Nguyên nhân nền từ ý thức, thái độ chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đang bị hạn chế - thể hiện họ sẵn sàng vi phạm khi không có lực lượng chức năng, sẵn sàng trốn tránh hành vi vi phạm của mình. Tình trạng đua xe thường tập trung ở giới trẻ, vị thành niên, lứa tuổi có tâm lý muốn thể hiện, lại thường thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Nhiều phụ huynh giao xe mà chưa quản lý được thời gian của con. Một bộ phận giới trẻ sử dụng rượu bia, chất kích thích, dễ bị cuốn vào chuyện thi thố, so kè trên mạng xã hội. Cùng với đó, nhiều cá nhân mở lò “độ, chế” phương tiện, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm, kích động đua xe.

Phóng viên: Đồng chí cho biết, lực lượng CSGT có những biện pháp gì để phát hiện, đấu tranh với các đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe trái phép?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Lực lượng CSGT sẽ tham mưu để lực lượng Công an toàn quốc tăng cường chủ động các biện pháp giám sát, nắm bắt thông tin về các đối tượng, từ việc kêu gọi tụ tập đến địa điểm, thời gian. Bên cạnh việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt, chúng tôi có sử dụng các ứng dụng của mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, từ hệ thống camera giám sát và qua tin báo của người dân… để phát hiện, điều động lực lượng ngăn chặn kịp thời. 

Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tiến hành rà soát các đối tượng đang có biểu hiện hoạt động hoặc đã có tiền án, tiền sự về đua xe trái phép để tiến hành các biện pháp quản lý hiệu quả.Thông qua hoạt động nghiệp vụ kịp thời phát hiện các đối tượng cầm đầu, lôi kéo tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp ngăn chặn; bố trí lực lượng ghi hình các vụ đua xe trái phép, các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ... để xử lý theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Thời gian tới, lực lượng CSGT có những giải pháp nào để xử lý tình trạng tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Bộ Công an đã hành kế hoạch cương quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép. Trong đó, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Công an kết hợp với các cấp chính quyền cơ sở, quần chúng nhân dân để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với những đối tượng càn quấy.  Theo đó, CSGT là lực lượng thường trực, phối hợp với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh, Cảnh sát hình sự, Công an cơ sở... tổ chức lực lượngthường xuyên và đột xuất tuần tra lưu động trên những tuyến đường hoặc chốt tại những khu vực trọng điểm theo phương án đã duyệt, kịp thời phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đua xe trái phép. 

Chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng khác để tùy theo tính chất, mức độ từng vụ việc, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ áp dụng luôn các biện pháp tố tụng, để làm sao khẩn trương đưa ra điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng đua xe, tổ chức đua xe trái phép. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những đối tượng lạng lách, gây rối trật tự công cộng. 

Vừa qua, lực lượng Công an đã xử lý rất nghiêm các vụ đua xe trái phép. Điển hình như Công an tỉnh Tiền Giang vừa khởi tố 11 đối tượng có hành vi chặn QL1 để đua xe, gây rối TTCC vào rạng sáng 11/4; 17/4, Phòng CSGT ĐB-ĐS Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Tổ chức đua xe trái phép”, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ nói trên đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức. Ngày 18 và 19/4, Công an TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng  chính tham gia gây rối, chặn đường tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vào rạng sáng 19/3…

Bên cạnh đó, CSGT cũng sẽ cùng gia đình, nhà trường, tổ dân phố có những biện pháp tuyên truyền, vận động, nhất là khuyến nghị gia đình quan tâm tới con em mình. Chúng tôi sẽ đấu tranh, ngăn chặn các lò “độ, chế” xe. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, cần tiếp tục đẩy mạnh việc định hướng cho thanh niên có lối sống lành mạnh, có ước mơ hoài bão, đấu tranh ngăn chặn hiện tượng tụ tập, cổ vũ đua xe trái phép.

Chúng tôi nghĩ cần có sự chung tay, đồng bộ của toàn xã hội đối với những hành vi vi phạm, để người vi phạm thấy ngại, thấy xấu hổ, cảm thấy không muốn, không thể vi phạm. Chúng ta đã từng đấu tranh, ngăn chặn được nạn đua xe trái phép vào thập niên 90 của thế kỷ trước tại Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, không có lý do gì hiện nay chúng ta lại không đấu tranh, ngăn chặn được tình trạng này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.