Quốc lộ 1 chưa có đường gom đã cho khai thác tốc độ tối đa 100km/h:

Tiềm ẩn mất an toàn giao thông

Thứ Tư, 11/05/2016, 09:08
Việc khai thác sử dụng QL1 theo tiêu chuẩn của đường cao tốc (vận tốc thiết kế là 100km/h) là không hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT.

Quốc lộ 1 Hà Nội đi Bắc Giang dài 46km được nâng cấp theo hình thức BOT. Điều khiến dư luận những ngày qua phản ứng chính là đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 20,5km với 7 cầu vượt, 38 điểm đấu nối nhưng không bố trí thêm làn cho phương tiện môtô, xe máy và cũng không xây dựng đường gom trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến là rất lớn, cho khai thác với vận tốc tối đa 100km/h lưu thông hỗn hợp xe thô sơ với xe cơ giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.

Cao tốc hỗn hợp phương tiện

Ngày 7-5, có mặt trên tuyến QL1 từ Hà Nội đi Bắc Ninh và ngược lại, chúng tôi thấy tuyến đường đã cho thay mới toàn bộ hệ thống biển báo với tốc độ tối đa lên tới 100km/h. Các biển báo này đều cho thấy, làn trong cùng có tốc độ 100km/h, làn giữa là 80km/h và làn dành cho xe máy có tốc độ 60km/h. 

Thử làm cuộc hành trình với tốc độ biển báo mới vào lúc 9h45 phút ở làn giành cho xe cơ giới có tốc độ 100km/h, rất ít quãng đường chúng tôi đi được 70km/h, còn lại là 60km/h, thậm chí có đoạn phương tiện đông chỉ đi được 50km/h. 

Anh Phạm Hữu Tài, một lái xe lâu năm ở Bắc Ninh cho biết: “Xe tôi 16 chỗ nhưng chỉ chạy được tốc độ 70km/h, nếu vào giờ cao điểm thì không được tốc độ đó. Đường cao tốc mà lại cho giao thông hỗn hợp, trộn dòng rất nguy hiểm”.

Tương tự anh Tài, anh Nguyễn Mạnh Trung đi ôtô từ Bắc Ninh về Hà Nội đến đoạn chuẩn bị lối rẽ vào thị xã Từ Sơn đã ngơ ngác khi thấy tấm biển báo tốc độ “100km/h, 80km/h” bị gạch dấu nhân. 

Anh Trung cho biết: “Đường có nhiều điểm rẽ, có điểm chỉ cách nhau 800m, không thể chạy theo tốc độ biển báo được. Vào giờ sáng và chiều, lưu lượng giao thông trên tuyến rất đông, xe máy, ô tô hỗn hợp, chỉ chạy được hơn 50km/h, không đủ tiêu chuẩn là đường cao tốc”.

Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh đang lưu thông dòng xe hỗn hợp.

Quả thật, dù có thực tế và cố gắng đi theo biển báo giao thông, chúng tôi cũng không thể chấp hành đi đúng tốc độ cho phép bởi phương tiện đông, các xe ôtô chở khách dừng đỗ tùy tiện ở chân các cầu vượt bắt khách rất nguy hiểm đến TTATGT.

Một người dân ở TP Bắc Ninh chia sẻ: “Công việc của tôi phải thường xuyên đi tuyến cao tốc này, sau này phương tiện xe máy sẽ phải đi vào đường trong làng, nếu thế thì rất khó khăn bởi không phải ai cũng thuộc đường”.

Cần sớm khắc phục tồn tại

Trung tá Đặng Thanh Phong, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: “QL1 đoạn đi qua Bắc Ninh dài khoảng 20,5km, với 7 cầu vượt, trong đó có những cầu vượt như Khả Lễ và Bồ Sơn cách nhau chưa đầy 1km và 38 điểm đấu nối. 

Dự án BOT thực hiện việc cải tạo, nâng cấp trên nền đường cũ, chỉ dải thêm bê tông nhựa, không mở rộng, không bố trí thêm làn cho phương tiện môtô, xe máy và cũng không xây dựng đường gom trong khi đó lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến là rất lớn và ngày càng gia tăng. Do đó, việc khai thác sử dụng QL1 theo tiêu chuẩn của đường cao tốc (vận tốc thiết kế là 100km/h) là không hợp lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT”.

Bày tỏ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm: “Hiện tuyến đường chưa có hệ thống đường gom dành riêng cho xe môtô, xe máy và xe thô sơ. Theo nhà đầu tư BOT thì sẽ cấm các phương tiện môtô, xe máy lưu thông trên QL1 và dự kiến cho xe môtô, xe gắn máy từ Hà Nội về Bắc Ninh bắt buộc ra khỏi QL1 tại nút giao đê Phù Đổng rồi đi theo hướng đê Phù Đổng qua TL227, qua đường trục khu công nghiệp VSIP về huyện Tiên Du, Phật Tích ra QL38, qua đường giao thông nông thôn ra QL18… 

Ngoài ra, các phương tiện có thể đi theo hướng đê Phù Đổng qua cống chui dưới QL1 qua đê Phù Đổng hoặc đường khu Ninh Hiệp về TL.295B về Bắc Ninh. Việc dự kiến đi theo chiều như trên là không hợp lý bởi tuyến tỉnh lộ 295B đang nâng cấp sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông”.

Lo ngại về vấn đề này, Trung tá Đặng Thanh Phong băn khoăn: “Đến như tôi mà đi còn nhầm đường chứ không nói người dân. Hơn nữa, khu công nghiệp Samsung Bắc Ninh có 50.000 công nhân (trong đó 17.000 công nhân đi môtô) và hàng nghìn người dân tham gia giao thông, nếu khai thác tốc độ 100km/h, giao thông hỗn hợp, không có đường gom thì các phương tiện này không biết đi như thế nào để vào được khu công nghiệp ven QL1 bởi QL18 không có đường đấu nối xuống các khu công nghiệp, sẽ gia tăng TNGT, trách nhiệm này thuộc về ai? Việc cần nhất là phải hoàn thành đường gom thì mới khai thác đoạn tuyến này như cao tốc được”. 

Hiện, QL1 đoạn qua Bắc Ninh đang thu phí thử và theo phản ánh vào giờ cao điểm đã gây ùn ứ, tốc độ các phương tiện chỉ chạy được 50 đến 60km/h. 

“Nếu cắm biển tốc độ tối thiểu 60km/h mà đường thường xuyên ùn ứ, không đi được với tốc độ tối thiểu quy định, đương nhiên lái xe vi phạm. Khi đó CSGT mà xử phạt thì sẽ gây phản cảm”, Trung tá Đặng Thanh Phong nêu ý kiến.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về những bất cập nêu trên, ông Ngô Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang cho biết: “Tuyến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đoạn qua Bắc Ninh tạm thời cho phép môtô và xe gắn máy lưu thông hỗn hợp với ôtô. Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Bắc Ninh, Bộ GTVT đã cho ý kiến thẩm tra và đưa ra phương án cắm biển báo làn trong cùng tốc độ là 100km/h, làn giữa 80km/h và làn xe là 60km/h. Như vậy, Bộ GTVT đã cho hạ tốc độ tối đa ở làn giữa xuống 80km/h. Tới đây sẽ bỏ không giới hạn tốc độ tối thiểu 60km/h nữa”.

Cũng theo ông Long thì hiện tuyến QL1 đoạn qua Bắc Ninh đang thực hiện việc thu phí thử với giá vé dự kiến 35.000đ/xe ôtô con theo Thông tư 28 của Bộ Tài chính ngày 22-2-2016 ban hành riêng mức thu phí cho Trạm km152+080. Việc thu phí dự kiến tiến hành trong tháng 5 nhưng chưa có ngày chính thức.

“Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản ánh của báo chí và các địa phương, công ty sẽ đưa ra phương án tổ chức giao thông để đảm bảo TTATGT trên toàn tuyến”, ông Long khẳng định.

Để đảm bảo TTATGT, thiết nghĩ Bộ Giao thông vận tải cần nhanh chóng chỉ đạo giải quyết những bất cập nêu trên, đặc biệt là khảo sát xây dựng các điểm dừng đỗ, đón trả khách để đảm bảo an toàn.

Trần Hằng
.
.
.