Nhiều sai phạm tại hai dự án của ngành giao thông

Thứ Tư, 21/02/2018, 08:37
Hàng loạt tồn tại đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ như thanh toán vượt khối lượng thi công, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án chưa rõ ràng trong các dự án của nghành giao thông.

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng phía Bắc thứ hai - nâng cấp quốc lộ 217, tỉnh Thanh Hóa giai đoạn I (quốc lộ 217) và Dự án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long - Hợp phần A (Dự án WB5 - Hợp phần A). 

Hàng loạt tồn tại đã được chỉ rõ như thanh toán vượt khối lượng thi công, công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án chưa rõ ràng…

Điều đáng chú ý, cả hai dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, trong đó Dự án WB5 - Hợp phần A có tổng mức đầu tư 122,9 triệu USD để nâng cấp các quốc lộ 53, 54; 91; Dự án quốc lộ 217 có tổng mức đầu tư  97,4 triệu USD (vốn vay ADB là 75 triệu USD) để nâng cấp quốc lộ 217 đoạn km104 + 475 đến km195 + 600 (nối quốc lộ 15 đến cửa khẩu Na Mèo). 

Cho đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (tháng 10-2017), cả 2 dự án đã cơ bản hoàn thành và đang tiến hành các thủ tục quyết toán. Điều đáng nói là, dù được triển khai ở những địa bàn khác nhau, nguồn vốn vay khác nhau, nhưng cả hai dự án lại có chung khá nhiều tồn tại.

Cụ thể, sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước ghi nhận tại 2 dự án liên quan các khâu lập thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư Dự án WB5 không có khoản mục thuế GTGT là không phù hợp với Luật Thuế giá trị gia tăng. 

Tiếp đó là công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán. Trong Thông báo kết luận, Kiểm toán Nhà nước không nêu cụ thể sai sót xuất hiện ở khâu nào, nhưng tại Dự án WB5, sai sót bị phát hiện, kiến nghị giảm trừ lên tới 61 tỷ đồng; con số này tại Dự án quốc lộ 217 là 43,8 tỷ đồng. 

Tồn tại khác tại 2 dự án là thời gian thực hiện công tác đấu thầu thương thảo hợp đồng đều có độ trễ đáng kể so với kế hoạch do Bộ GTVT phê duyệt. Cụ thể, thời gian lựa chọn nhà thầu tại Dự án quốc lộ 217 được ấn định là phải hoàn thành trong quý I-2013, nhưng trên thực tế, việc đấu thầu gói thầu số 9 - gói thầu xây lắp chính bị kéo đến giữa tháng 5-2013. 

Điều đáng nói là, tại Dự án WB5, PMU Thăng Long còn không thực hiện đăng tải thông tin về kế hoạch đấu thầu theo quy định; thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu còn chậm so với quy định. 

Tình trạng chậm trễ dắt dây sang cả công tác quản lý tiến độ các gói thầu ở cả 2 dự án. Tại Dự án quốc lộ 217 tiến độ chậm 5 tháng so với kế hoạch được phê duyệt; Dự án WB5 thậm chí bị chậm tới 2 năm 1 tháng.

Quốc lộ 271 sau khi được nâng cấp.

Liên quan đến công tác quản lý chất lượng, Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm tra hiện trường, Dự án quốc lộ 217 còn nhiều vị trí bị sạt lở ta - luy âm gây lún nứt vai đường chủ yếu do ảnh hưởng mưa lũ; một số điểm bị hư hỏng rãnh dọc.

Điều đáng nói là, qua công tác kiểm định chất lượng của đơn vị tư vấn độc lập, chất lượng nền, mặt đường tại quốc lộ 217 có một số chỉ tiêu không đảm bảo yêu cầu. 

Hiện tổng kinh phí để khắc phục hậu quả mưa lũ, kiên cố hóa để đảm bảo giao thông thông suốt trên quốc lộ 217 ước lên tới gần 8 triệu USD. Để có vốn cho hạng mục bổ sung này, Bộ GTVT đang phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không đầu tư xây dựng 5km tuyến tránh qua Thành Nhà Hồ vốn từng dự kiến lấy từ phần vốn dư của Dự án. 

“Đối với các vị trí sụt trượt, lún nứt mặt đường quốc lộ 217, PMU Thăng Long khẩn trương kết hợp với các đơn vị liên quan, xác định rõ nguyên nhân để sớm xử lý dứt điểm để đảm bảo ATGT”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nêu rõ.

Trước hàng loạt các tồn tại nói trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long, tại Dự án QL217, phải thu hồi nộp ngân sách 756 triệu đồng; giảm thanh toán 309 triệu đồng; xử lý khác là 38,6 tỷ đồng. 

Tại Dự án WB5, thu hồi về Ngân sách Nhà nước do thanh toán quá giá trị quyết toán tại gói thầu NH53-2 là 658 triệu đồng, kiến nghị giảm giá trị hợp đồng còn lại là 71,3 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, phải kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các tồn tại trong thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán; trong việc thanh toán chưa đúng khối lượng, định mức, đơn giá, thanh toán vượt giá trị hoàn thành. 

Đồng thời, đàm phám, thương thảo hợp đồng với đơn vị kiểm toán độc lập về việc không thực hiện kiểm toán lại đối với các nội dung đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán để tiết kiệm chi phí cho dự án. 

Đối với Bộ GTVT, kết luận kiểm toán cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện quản lý các dự án ODA đấu thầu quốc tế rộng rãi nếu nhà thầu trong nước trúng thầu khi thương thảo ký kết hợp đồng nên quy về đồng nội tệ để thanh toán theo đúng quy định và phù hợp với quy định của Nhà tài trợ.

Đặng Nhật
.
.
.