Kiểm toán Nhà nước chuyển 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Thứ Sáu, 20/10/2017, 07:43
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2017 của Kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Cơ quan này đã gửi hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem sang Bộ Công an để điều tra, làm rõ.


Tăng thêm hơn 6.370 tỷ đồng qua kiểm toán định giá 4 DNNN

Đến hết tháng 9, toàn ngành đã triển khai thực hiện 185/252 cuộc kiểm toán (đạt 73,4% kế hoạch), kết thúc 164 đoàn, xét duyệt 144/277 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 90 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng (thu về NSNN 11.017 tỷ đồng, giảm chi NSNN 6.783 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng), riêng tăng thu về NSNN gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 40 văn bản nhằm bịt chỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, nổi bật là: Việc định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: Qua kiểm toán tại 4 doanh nghiệp KTNN xác định các khoản phải nộp NSNN tăng thêm 491,5 tỷ đồng (Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 tăng thêm 1.504,4 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng thêm 4.586,5 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Thanh Lễ tăng thêm 72,8 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng Công ty sản xuất XNK Bình Dương tăng thêm 211 tỷ đồng); xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm 6.374,7 tỷ đồng; giá trị thực tế doanh nghiệp tăng 7.172,3 tỷ đồng.

Qua kiểm toán 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, KTNN đã phát hiện nhiều tồn tại, sai sót, trong công tác quản lý tài chính, tài sản công như: Khai thác tài nguyên, khoáng sản khi chưa được cấp giấy phép, giấy phép hết hạn hoặc khai thác vượt công suất; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lợi nhuận sau thuế vào NSNN theo quy định; để phát sinh nợ phải thu khó đòi, hàng hóa tồn kho, ứ đọng, kém, mất phẩm chất với giá lớn; hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ra nước ngoài hiệu quả thấp; xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu, giá trị thực tế tài sản cố định, giá trị các khoản đầu tư tài chính không đầy đủ hoặc bàn giao tài sản không đúng thực tế dẫn đến xác định thiếu giá trị doanh  nghiệp khi cổ phần hóa; quản lý đất đai lỏng lẻo, thiếu hồ sơ pháp lý, bị lấn chiếm. Phần lớn doanh nghiệp hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí còn sai sót; nhiều doanh nghiệp có bộ máy tổ chức cồng kềnh, năng suất lao động thấp.

Một trong 3 ngân hàng 0 đồng được NHNN mua lại

Ngoài ra, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế trong việc cấp quyền khai thác khoáng sản, điều hành giá xăng dầu, xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng thuốc lá, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, chuyển nhượng đất thuê Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp…

Chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra

Kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KTNN đã có nhiều phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả ngân sách trung ương 1.133 tỷ đồng; ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục, trong đó 9/23 địa phương tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay...

Thông qua kết quả kiểm toán (2 tháng cuối năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017), KTNN đã kiến nghị xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm được phát hiện tại các báo cáo kiểm toán; chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, gồm: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ dầu khí Hoàng Ngân (đề nghị Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty về việc phát sinh một số giao dịch mua bán lớn (hàng tỷ đồng) bất thường, đáng ngờ, có dấu hiệu của việc mua bán hóa đơn); và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình đầu tư, xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) số 2 – đề nghị làm rõ các sai phạm trong việc phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư; quản lý đầu tư, nghiệm thu thanh toán; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; gây lãng phí vốn đầu tư. 

Dự án đạm DAP số 2 Lào Cai, một trong số 9 dự án được dư luận xã hội quan tâm cần tập trung thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm trong Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Đối với vụ việc này, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 10102/VPCP-V.I ngày 23-11-2016 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo thực hiện theo đề nghị của KTNN, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 


Vũ Hân
.
.
.