Nhiều nhà đầu tư đăng ký rót vốn đường sắt đô thị
- Cảnh cáo Giám đốc nhà thầu, quản lý công trường đường sắt đô thị
- Hà Nội “xin” vay vốn ưu đãi làm 2 tuyến đường sắt đô thị
Nhiều người cho rằng, việc cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực đường sắt sẽ giúp Nhà nước huy động vốn trong bối cảnh ngân sách khó khăn, đồng thời góp phần hoàn thiện sớm hơn diện mạo giao thông của Thủ đô.
Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 372,5km (bao gồm cả các đoạn kéo dài các tuyến đường sắt đô thị trung tâm kết nối với đô thị vệ tinh). Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 700.000 tỷ đồng tương đương 31,42 tỷ USD.
Khi hoàn thành toàn mạng lưới sau năm 2030 dự báo sẽ vận chuyển 3,2 triệu lượt khách/ngày, đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 20% của đô thị ngoại ô. Trong đó, nếu đến năm 2030 hoàn thành “mạng lưới cam kết” gồm 4 tuyến số 1,2,2A và 3 với tổng chiều dài 94km, chiếm 30% tổng chiều dài toàn mạng lưới, dự báo sẽ đạt 1,8 triệu lượt, đảm nhận 25-30% thị phần vận tải hành khách công cộng của đô thị trung tâm và 15% của đô thị ngoại ô.
Với 100.000 tỷ đồng dự kiến “rót vốn” vào lĩnh vực đường sắt, Vingroup đang đề xuất TP Hà Nội cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, ở tuyến số 2, tập đoàn này muốn tham gia đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long. Với tuyến số 3 là đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây. Với tuyến số 5, hai đoạn được đề xuất là đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc. Tuyến số 6 là đoạn Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi. Tuyến số 8 tập đoàn này muốn đầu tư 2 đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. |
Ngoài Vingroup, còn có tập đoàn THAI GROUP, Công ty cổ phần tập đoàn T&T, Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty LICOGI- Cty TNHH tập đoàn MIK GROUP cũng đăng ký tham gia đầu tư ở các tuyến đường sắt số 2, số 3, số 4, số 5, số 6, số 8. Riêng tuyến số 7 chưa có nhà đầu tư đăng ký.
Theo các chuyên gia giao thông, đây là một thông tin rất đáng mừng bởi từ trước đến nay, việc kêu gọi vốn ngoài Nhà nước vào ngành đường sắt tương đối khó khăn. Phân tích cụ thể hơn, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực đường sắt sẽ giúp Nhà nước huy động vốn để thực hiện các dự án lớn. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng cao như hiện nay, việc vay vốn nước ngoài ngày càng áp lực thì việc huy động nguồn vốn tư nhân trong các dự án này là điều rất đáng hoan nghênh và là giải pháp hữu hiệu.
“Tư nhân làm cũng sẽ nhanh hơn, tránh được thất thoát vì tiền của họ bỏ ra thì họ phải tính toán chặt chẽ, tiết kiệm, chất lượng công trình phải đảm bảo. Còn Nhà nước làm thì nhiều khi vẫn xảy ra thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ”, ông Liên nêu. Ông Liên cũng chia sẻ: “Các nước khác khi đầu tư đường sắt đô thị thì tư nhân làm hết, không có đơn vị quốc doanh nào làm. Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần phải đổi mới theo hướng này. Cơ quan nhà nước cần phải có chính sách để thúc đẩy điều này”.
Chiều 29-6, trao đổi với PV Báo CAND, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh cho hay: Theo quy hoạch thì tính kết nối của các dự án sẽ vẫn được đảm bảo với nguyên tắc thứ tự ưu tiên hoàn chỉnh các đoạn tuyến còn lại thuộc tuyến đường sắt đã và đang đầu tư, các tuyến đường sắt kết nối giữa ngoại thành và trung tâm thành phố. Khi các nhà đầu tư theo đoạn tuyến cũng phải theo lộ trình.
Giám đốc Ban quản lý cũng thừa nhận, qua hai dự án đường sắt đô thị đang triển khai, vì là vốn Nhà nước đi vay nước ngoài để đầu tư nên cũng bộc lộ nhiều bất cập. Chính điều này cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, nếu doanh nghiệp trong nước có thể bỏ vốn ra làm, hy vọng sẽ khắc phục được những vấn đề trên.
Để đảm bảo tính khả thi, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội cũng sẽ yêu cầu nhà đầu tư cam kết tập trung nguồn lực của doanh nghiệp để đầu tư đường sắt đô thị Hà Nội theo nguyên tắc nhà đầu tư phải đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến nhất từ bước thiết kế, lập dự án và thi công xây dựng.
Nhà đầu tư phải có luận chứng chứng minh hình thức đầu tư theo hợp đồng BT hiệu quả hơn so với trường hợp đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài (tổng mức đầu tư, đơn giá, suất đầu tư thấp); phương án tài chính đảm bảo tính khả thi (cơ cấu nguồn vốn đầu tư, phương án huy động vốn, nguồn vốn huy động, dự kiến các điều kiện thanh toán).
Nhà đầu tư phải có hồ sơ để chứng minh có năng lực quản trị dự án; phải cam kết thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; đồng thời cam kết tự chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí liên quan đến việc lập hồ sơ đề xuất dự án trong trường hợp không được lựa chọn thực hiện dự án…