Nhiều bất thường từ con đường chuyên dụng ở Đồng Nai

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:56
Theo ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, dự án BOT tuyến đường chuyên dụng vận chuyển vật liệu xây dựng từ khu vực mỏ đá tại các xã Phước Tân và Tam Phước ra quốc lộ 1A hiện đã được điều chỉnh.

Sở GTVT Đồng Nai đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND cho phép điều chỉnh quy hoạch tiếp tục cho triển khai giai đoạn 2. 

Về chi phí ngân sách đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính lập lại hồ sơ, xem xét đưa chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án để triển khai giai đoạn tiếp theo. 

Lý do đến nay tuyến đường chuyên dụng này dù đã hoàn thành nhưng không đáp ứng nhu cầu sử dụng, trạm thu phí BOT không thể hoạt động, đại diện một DN khai thác mỏ đá ở đây cho biết, khu vực này có đến 8-9 mỏ được cấp phép cho DN khai thác. Hàng ngày có trên 10 ngàn lượt xe tải, xe ben chở đất đá ra vào các mỏ. 

Lượng xe lưu thông rất lớn như vậy đem chia cho thời gian làm việc 8 giờ mỗi ngày, thì bình quân một phút sẽ có 20 xe qua trạm. Đường chuyên dụng lại chỉ rộng có 2 làn xe, nên không thể đáp ứng nhu cầu lưu thông cho phương tiện ra vào cụm vận chuyển vật liệu xây dựng cung cấp cho cả khu vực từ cụm mỏ đá này. 

Tuyến BOT chuyên dụng chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông rất lớn của xe chở đá.

Tình trạng đường BOT chuyên dụng vừa làm xong đã không đáp ứng nhu cầu lưu thông không chỉ khiến DN khai thác đá tại cụm mỏ đá này bức xúc, mà người dân sống trên tuyến đường Đinh Quang Ân cũng lo lắng trước tình trạng xe chở đá vẫn tiếp tục hoành hành khu dân cư do đoạn đấu nối vào tuyến Võ Nguyên Giáp chưa được thực hiện; xe của một số mỏ đá vẫn cứ phải chạy vào một đoạn đường Đinh Quang Ân.  

Dù xác định đây là dự án BOT, được giao cho đơn vị tư nhân là HTX An Phát làm chủ đầu tư, nhưng vào tháng 4-2013, bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản gửi Sở GTVT, Sở KH - ĐT, Sở Tài chính cùng UBND TP Biên Hòa và HTX An Phát chấp thuận việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh và yêu cầu các cơ quan này cân đối vốn để chi trả toàn bộ phần tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án theo đề nghị của Sở GTVT. 

Tại văn bản này, sau khi thống nhất việc tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dụng thành dự án độc lập và giao cho UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư. 

Bà Thanh cũng đề nghị HTX An Phát khẩn trương hoàn thành phương án tài chính của dự án BOT đường chuyên dụng để Sở GTVT phối hợp với các sở ngành và UBND TP Biên Hòa trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. 

Theo chứng nhận đầu tư được cấp cho HTX An Phát vào tháng 9-2015, tuyến đường chuyên dụng này chỉ có chiều dài 7,419km, trong đó phần tuyến chính dài 7,084km và phần nhánh phụ rẽ vào mỏ đá của công ty 610 có chiều dài 335m. 

Ở tuyến chính, nền đường rộng 9,5m, mặt đường chỉ rộng 7,5m; phần nhánh phụ, nền đường rộng 8m, mặt đường là 6m. Nếu không tính phần kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng ngân sách tỉnh Đồng Nai đã bỏ ra khoảng vài chục tỷ đồng, tổng mức đầu tư cho dự án này chỉ có hơn 130,5 tỷ. 

Trong khi đó, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai vào tháng 12-2014, mức phí xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn phải trả cho trạm thu phí BOT đặt trên tuyến đường chuyên dụng này trong năm đầu là 40 ngàn đồng/lượt; năm thứ 4 mức phí tăng lên gấp đôi. Với xe từ 18 tấn trở lên, năm đầu sẽ thu 80 ngàn đồng/lượt; năm thứ 3 là 160 ngàn đồng. 

Thời gian cho phép thu phí để hoàn vốn dự án có tổng mức đầu tư hơn trăm tỷ đồng trên kéo dài gần 12 năm 5 tháng. Đã vậy, chủ xe chở vật liệu xây dựng qua lại đây chỉ được trả phí theo lượt trong ngày chứ trạm không bán vé tháng hoặc vé quý với lý do để “đảm bảo tính khả thi của dự án”.

Phản ứng về mức thu trên, trong một văn bản gửi đến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ngành liên quan, đại diện 5 DN khai thác mỏ tại đây đã chỉ rõ: Chưa tính số lượng xe chở lớp đất phủ và đá phong hóa, với tổng trữ lượng được cấp phép khai thác, chế biến đá xây dựng hàng năm tại cụm mỏ, số lượng xe phải lưu thông trên tuyến đường chuyên dụng lên đến hơn 2,189 triệu lượt. 

Do vậy, ngay trong năm thứ nhất, trạm BOT trên tuyến chuyên dụng này đã có thể thu được hơn 175 tỷ đồng. Còn nếu tính theo mức giá trung bình trong suốt thời gian trạm BOT hoạt động là 120 ngàn đồng/chuyến, thì số tiền thu phí một năm sẽ ở mức 262 tỷ đồng và trong cả thời gian được phép thu phí, chủ đầu tư sẽ thu về 3.269 tỷ đồng; tổng lợi nhuận của chủ đầu tư dự án này là hơn 3.000 tỷ đồng. 

Đây chính là lý do tại sao bà Phan Thị Mỹ Thanh đã bất chấp, dù lĩnh vực không được giao cho mình phụ trách nhưng vẫn ký giao cho HTX An Phát, do ông Đỗ Tịnh là chồng bà Thanh làm chủ đầu tư dự án. 

Cách xử lý hậu quả từ việc quyết đem tiền ngân sách để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án BOT chuyên dụng trên do Sở GTVT Đồng Nai đề xuất xem ra đang nhằm phủ lấp trách nhiệm về sai phạm của người đã ra quyết định chi tiền. 

Nhưng điều khiến người dân, DN bức xúc là giai đoạn 2 của dự án sẽ được giao cho ai làm chủ đầu tư; việc kiểm soát vốn đầu tư dự án BOT chuyên dụng thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và không làm đội giá vật liệu xây dựng chủ lực đang cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phía Nam.

Bảo Sơn
.
.
.