Dự án đường Cao tốc Bắc-Nam:

Nhà đầu tư chờ gỡ nút thắt về vốn tín dụng dự án cao tốc Bắc - Nam

Thứ Hai, 21/10/2019, 07:44
Là đơn vị mở bán hồ sơ mời sơ tuyển hai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 thông tin, thời gian mở bán kéo dài trong một tháng nhưng những ngày đầu tiên (ngày 16 và 17-10) đã bán được 8 bộ hồ sơ và dự kiến sẽ tiếp tục thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến mua hồ sơ...


Sau khi Bộ Giao thông Vận tải hủy đấu thầu quốc tế 8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc-Nam và có sự thay đổi khi hạ bớt các tiêu chí phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, nhiều nhà đầu tư đã mua hồ sơ đấu thấu và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2-2020. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước sẽ khó vay vốn ngân hàng khi triển khai cao tốc Bắc-Nam và vẫn đang trông chờ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước “giải cứu” nút thắt về vốn tín dụng.

Là đơn vị mở bán hồ sơ mời sơ tuyển hai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 thông tin, thời gian mở bán kéo dài trong một tháng nhưng những ngày đầu tiên (ngày 16 và 17-10) đã bán được 8 bộ hồ sơ và dự kiến sẽ tiếp tục thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến mua hồ sơ.

Đoạn cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Ban Quản lý dự án 2 đã nhận được 4 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư quan tâm ngay trong ngày đầu tiên. Trong báo cáo về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc-Nam vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày, thời gian thẩm định, phê duyệt khoảng 40 ngày.

Đã có nhiều nới lỏng cho nhà đầu tư tham gia dự án đường cao tốc Bắc-Nam.

Dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 2-2020. “Dự kiến tháng 4-2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày. Trong trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11-2020”, Bộ trưởng Thể nhìn nhận.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành Tranconsin cho rằng, những điều chỉnh của Bộ Giao thông Vận tải trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc-Nam là rất tích cực và phù hợp với thực tiễn để nhiều đầu tư trong nước có thể tham gia đầu tư các dự án. Với sự nới lỏng này, Công ty Phương Thành cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu để tham gia đầu tư một số dự án cao tốc Bắc-Nam phù hợp với khả năng của doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Oánh, trong hồ sơ mời sơ tuyển đã bỏ quy định khống chế vốn góp của nhà đầu tư trong liên danh, giúp các doanh nghiệp có năng lực thi công nhưng ít vốn có thể liên kết với những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính để cùng nhau đầu tư dự án. “Nguồn tiền của nhà đầu tư đã rót vào dự án khác nên sẽ không có đồng tiền nhàn rỗi.

Trong khi đó, các dự án cao tốc Bắc-Nam có thời gian thu phí kéo dài, lại không được bảo lãnh doanh thu, cộng với việc các ngân hàng đang “e dè” cho vay vốn dẫn đến những nhà đầu tư “ăn đong” sẽ không dám tham gia dự án BOT”, ông Oánh đánh giá. Từ đó, ông đưa ra giải pháp, trong khi chưa có Luật PPP, trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cần phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực và kinh nghiệm dự báo, kiểm tra, rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án tài chính, lưu lượng xe của các dự án để hạn chế rủi ro thấp nhất cho các nhà đầu tư.

“Dự án cao tốc Bắc-Nam hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia nhưng thực tế về tài chính phải trông chờ việc ngân hàng cho vay đến đâu. Công ty Phương Thành sẽ tham gia với điều kiện thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn, thậm chí sẵn sàng thế chấp doanh thu trạm thu phí”, ông Oánh quả quyết.

Phân tích việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, Bộ trưởng Thể cho rằng, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

“Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1-1-2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới”, người đứng đầu ngành Giao thông thừa nhận những khó khăn, vướng mắc về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, theo Bộ trưởng Thể, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.

Trước đó, vào đầu tháng 10, trả lời câu hỏi của báo chí về việc khả năng cung ứng vốn của ngành Ngân hàng đối với các dự án BOT của cao tốc Bắc - Nam, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với các dự án cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…

Ông Tú cũng nhấn mạnh thêm, quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng.Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì "cũng là một bài toán khó", đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.

Đặng Nhật
.
.
.