Trò chuyện Chủ nhật

Đấu thầu cao tốc Bắc-Nam: Doanh nghiệp tham gia cần tiềm lực và năng lực

Chủ Nhật, 29/09/2019, 07:21
Do thay đổi mục tiêu dự án nhằm phát huy nội lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nên Bộ Giao thông Vận tải quyết định hủy đấu thầu quốc tế đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam.

Thông tin này đang nhận được sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế, giao thông cho rằng, đây có thể là cơ hội, là mảnh đất màu mỡ để các chủ đầu tư trong nước “bứt phá”.

Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều băn khoăn liên quan đến cơ chế, chính sách và nguồn vốn. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - Bộ Giao thông Vận tải. 

Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP - Bộ GTVT.

PV: Thưa ông, Bộ GTVT có gặp khó khăn gì trong việc hủy đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam để chuyển sang đấu thầu trong nước? Với các hồ sơ mời thầu đã bán ra trước đó, Bộ có phải đền bù hay không?

Ông Nguyễn Viết Huy: Khoản 2, Điều 17 của Luật Đấu thầu năm 2013 quy định rõ các trường hợp hủy thầu do thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, việc hủy đấu thầu quốc tế là do thay đổi mục tiêu của Dự án. 

Hiện nay hành lang pháp lý còn bất cập, chưa có luật PPP, hành lang cao nhất chưa được ban hành, việc chia sẻ rủi ro bảo lãnh dự án là chưa có nên không hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế. Cùng đó, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, có 4 dự án không có nhà đầu tư tham gia, 2 dự án có 1 nhà đầu tư, 1 dự án có 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư tham gia. Con số này không tạo được sự cạnh tranh công bằng. 

Cùng với đó, để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư Dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. 

Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Còn về việc đền bù, ngay trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP) bao gồm cả bản tiếng Việt và tiếng Anh đều đã ghi rõ điều khoản: “Bên mời thầu có quyền hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư mà không phải nêu bất cứ lý do gì”. Do vậy, việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế đối với các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng như các ban quản lý dự án không bị ảnh hưởng gì về mặt pháp lý vì trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư đã ghi điều khoản rõ ràng.

PV: Rõ ràng ai cũng nhận thấy đây là một cơ hội lớn đối với các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, người ta cũng lại lo ngại chuyện “doanh nghiệp sân sau” trúng thầu. Vậy Bộ GTVT sẽ có cơ chế như thế nào để các dự án được thực hiện một cách minh bạch nhất? 

Ông Nguyễn Viết Huy: Dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước và chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia thi công dự án. Đó là những nhà đầu tư được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, có pháp nhân và trụ sở tại Việt Nam... Theo quy định, quy trình, thủ tục đấu thầu trong nước không khác gì đấu thầu quốc tế, nhưng tư cách nhà đầu tư thay đổi. 

Về năng lực, chất lượng của nhà đầu tư nội cũng được quy định rõ. Theo đó, những tiêu chí hàng đầu được quan tâm là các nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể, như vốn chủ sở hữu đúng quy định, nhà đầu tư phải đủ kinh nghiệm số năm bảo trì dự án, chất lượng dự án đã thực hiện... Như vậy sẽ ngăn được tình trạng mà người dân lo ngại là dự án rơi vào tay các nhà đầu tư “tay không bắt giặc”.

PV: Có hai vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thứ nhất, phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Thứ hai là phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông. Liệu ông có thể cho biết, hiện ở Việt Nam có khoảng bao nhiêu nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được điều kiện này?

Ông Nguyễn Viết Huy: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí xét năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư theo Thông tư 15 rất cao nên nhiều nhà đầu tư không đáp ứng được và vô hình trung sẽ hạn chế nhà đầu tư tham gia. Vì vậy, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT có những điều chỉnh phù hợp nhằm tăng cạnh tranh, số lượng nhà đầu tư tham gia đấu thầu Dự án. 

Trước đó, trong hai tháng sơ tuyển quốc tế nhà đầu tư từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7-2019, các Ban QLDA thuộc Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển. Trong đó, có 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam; 31 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và 14 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Có ý kiến nhà đầu tư cho rằng, các dự án được tư vấn lập ra với những con số “hoàn hảo” trong việc hoàn vốn thu phí để làm đẹp hồ sơ. Họ mong muốn nếu sau này những con số theo hồ sơ đơn vị tư vấn đưa ra mà không đúng thì tư vấn phải chịu trách nhiệm đền bù hoặc nhà nước đứng ra bảo lãnh doanh thu. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Viết Huy: Khi các chủ đầu tư đã tham gia đấu thầu thì phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, không bảo lãnh doanh thu và khoản vay. Nói cách khác, khi tham gia vào đấu thầu, doanh nghiệp chắc chắn phải tìm hiểu về dự án đó và sẽ có những con số phân tích xem phù hợp với khả năng của mình hay không. Khi đã quyết tham gia thì sẽ là “lời ăn, lỗ chịu”. 

Còn lo ngại về “những con số đẹp” trong hồ sơ mời thầu thì cũng có dự án tăng trưởng đúng như dự báo hoặc nhiều hơn, song cũng có dự án thì ngược lại. Lần này, Bộ GTVT đã thuê hai đơn vị tư vấn độc lập từ nước ngoài để giám sát lại dự báo của tư vấn trong nước. Trách nhiệm tư vấn làm trên cơ sở khoa học và được thẩm định. Nếu cố tình đưa con số không khoa học, lọt qua cơ quan thẩm tra của cơ quan Nhà nước thì sẽ xem xét trách nhiệm. Quy định theo thông lệ của thế giới, tư vấn chỉ chịu phạt mức độ nào đó.

PV: Trong trường hợp đề bài mời thầu không thay đổi, có những Dự án không có nhà đầu tư tham gia thầu thì Bộ GTVT có tính đến tình huống quay lại xin cơ chế chỉ định thầu hay chia nhỏ dự án?

Ông Nguyễn Viết Huy: Nghị quyết 52 đã xác định 11 dự án thuộc đại dự án cao tốc Bắc Nam nhánh phía Đông (trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP). Các dự án đã chốt điểm đầu cuối, nếu thay đổi sẽ kéo dài thời gian, chặng thu phí cũng đã được tính toán để hoàn vốn. Lý do về pháp lý, cơ sở kỹ thuật kinh tế nên không phân bổ giá trị gói thầu.

Còn việc có chỉ định thầu không? Kịch bản này không phải là mới, đã được Quốc hội xem xét và nêu rõ: trong trường hợp giả định không có nhà đầu tư thì Bộ GTVT sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội chuyển sang đầu tư công để kết nối các tuyến với nhau, chứ không có chỉ định nhà đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.