Nguy hiểm ghe máy vượt hồ Tả Trạch không đảm bảo an toàn

Thứ Hai, 17/02/2020, 08:27
Công trình hồ chứa nước Tả Trạch được khởi công xây dựng từ tháng 11-2005 do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng, với mục đích chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, đồng thời cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 35.000ha đất canh tác ở vùng đồng bằng sông Hương.


Tuy nhiên, khi hồ Tả Trạch tích nước, nhiều diện tích rừng sản xuất của người dân ở các xã Hương Phú, Hương Sơn, Hương Hòa và thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) bị cô lập.

Tại nhiều vị trí như khu vực sông La Ma đoạn qua lòng hồ Tả Trạch (thuộc địa phận xã Hương Phú) có đoạn sâu từ 10-15m, hằng ngày người dân sử dụng ghe có gắn máy cole để vượt lòng hồ đi vào rừng sản xuất, hoặc khai thác gỗ keo, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn đường thủy.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân tại hồ Tả Trạch.

Ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, cho biết, ngoài số diện tích đất lâm nghiệp trồng cây keo lá tràm bị chia cắt, cô lập, xã còn có gần 40ha đất nông nghiệp và đất ở của 124 hộ dân bị ảnh hưởng khi hồ Tả Trạch tích nước từ cao trình +45 đến +53m.

Đáng nói, dù cơ quan chức năng đã nhắc nhở và khuyến cáo người dân khi đi ghe máy qua lòng hồ cần mặc áo phao, không được chở quá nhiều người, song vì chủ quan nên đã dẫn đến một số vụ chìm ghe chết người thương tâm. Mới đây nhất, sáng 15-2, một nhóm 12 người dân ở xã Hương Phú và thị trấn Khe Tre cùng đi trên 1 chiếc ghe máy vượt hồ để vào rừng, đến giữa hồ thì bất ngờ bị lật chìm ghe.

Lúc này, 9 người đi trên đò tự bơi được vào bờ, riêng vợ chồng ông Lê Hói (52 tuổi) và bà Huỳnh Thị Lý (48 tuổi), ở thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, cùng anh Trần Đình Minh (32 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Hương Phú) bị đuối nước mất tích.

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cử lực lượng đến hiện trường cùng Công an huyện Nam Đông, chính quyền, người dân địa phương sử dụng phương tiện tìm kiếm, đến hơn 16h cùng ngày, mới tìm thấy 3 thi thể nạn nhân.

Anh Trần Đình Dũng là anh ruột anh Minh, cùng đi ghe may mắn thoát chết, chưa hết bàng hoàng kể rằng, khi ghe bị chìm, anh đã cố hết sức bơi dìu Minh và vợ Minh là Đoàn Thị Tuyết (29 tuổi) vào bờ. Nhưng bơi được một đoạn thì đuối sức. Thấy vậy, Minh bảo anh cố gắng đưa Tuyết vào bờ còn Minh tự bơi.

Khi anh đưa được em dâu vào bờ, quay lại thì Minh đã mất tích trên sông. Minh chết để lại người vợ trẻ và 2 đứa con dại (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) rất đáng thương. Còn vợ chồng ông Hói, bà Lý, vì cuộc sống khó khăn nên đi khai thác gỗ keo thuê. Ghe chìm, ông Hói bơi vào đến gần bờ, nhưng rồi quay ra cứu vợ và cả 2 vợ chồng đều bị đuối nước…

Sau vụ tai nạn, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân và trao số tiền hỗ trợ hơn 12 triệu đồng/nạn nhân. UBND huyện Nam Đông cũng trích ngân sách hỗ trợ 5,4 triệu đồng cho mỗi trường hợp tử vong theo chế độ mai táng phí để gia đình các nạn nhân lo hậu sự.

Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiểm tra các phương tiện đường thủy lưu thông trên lòng hồ Tả Trạch và các con sông, suối khác thuộc địa bàn.

Những trường hợp ghe đò, thuyền máy vi phạm về chở quá số người quy định, không trang bị áo phao để đảm bảo an toàn, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm nhằm không để xảy ra các vụ tai nạn đường thủy đau lòng như trên…

Anh Khoa
.
.
.