Nhiều nông dân điêu đứng khi hồ Tả Trạch tích nước

Thứ Hai, 16/01/2017, 08:31
Sau khi hoàn thành việc xây dựng, hồ thủy lợi Tả Trạch tiến hành tích nước (cao trình + 45m) khiến ngập úng, cô lập hàng trăm hécta đất sản xuất, đất rừng của nông dân ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế...

Công trình hồ thủy lợi Tả Trạch được khởi công xây dựng từ tháng 11-2005 do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 4.000 tỷ đồng nhằm mục đích chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, đồng thời cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 35.000ha đất canh tác ở vùng đồng bằng sông Hương.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Hương Sơn (huyện Nam Đông), sau khi việc xây dựng hồ Tả Trạch hoàn thành vào cuối năm 2016, hồ được tích nước đến cao trình + 45m khiến nhiều vùng đất sản xuất của người dân ở các thôn Ta Rung, A2, Ba Ha, xã Hương Sơn vốn được xác định không nằm trong vùng bị ảnh hưởng nay bị ngập, gây cô lập trong lòng hồ suốt gần 1 tháng qua…

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bùn đất lầy lội và phải dừng lại giữa chừng bởi một đoạn đường dài đã bị nước ngập sâu, ông Hồ Văn Tiêu (40 tuổi, trú thôn A2) lo lắng nói: “Đây là tuyến đường duy nhất dẫn vào khu rừng cao su của bà con trong xã, nhưng nay bị hồ Tả Trạch tích nước gây ngập nên không thể đi được nữa. Cũng như các hộ dân khác, gia đình tôi có hơn 1ha cao su và 1ha keo tràm ở phía khu rừng bên kia, song giờ không thể vào thu hoạch mủ cao su, dù cao su vào thời điểm cuối năm được thu mua với giá mỗi ký từ 18.000 - 20.000 đồng”.

Hồ Tả Trạch tích nước khiến đường vào khu vực sản xuất của người dân xã Hương Sơn bị ngập sâu.

Theo ông Tiêu, do đang ở vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu, vì muốn kiếm thu nhập nên nhiều thanh niên trai tráng trong thôn buộc phải trầm mình giữa dòng nước lạnh bơi qua phía bên kia con đường để đến rừng để sản xuất, cạo mủ cao su vận chuyển ra ngoài bán. 

Qua tìm hiểu được biết, việc lòng hồ Tả Trạch tích nước không những gây cô lập mà còn khiến nhiều diện tích đất trồng sắn, cao su của người dân Hương Sơn bị chìm ngập trong nước, cây trồng bị thối rễ và chết.

Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, trong quá trình chủ đầu tư xây dựng công trình hồ thủy lợi Tả Trạch, xã có 85 hộ dân nằm trong danh sách bị ảnh hưởng nhưng hiện chỉ mới có 46 hộ dân được đền bù đất và tài sản trên đất, đồng thời được hỗ trợ tái định cư.

“Ngoài những hộ dân trên, hiện hồ Tả Trạch tích nước ở cao trình +45m đã khiến đất sản xuất của 30 hộ khác bị ngập phát sinh, hơn 300ha cây cao su, keo tràm... bị cô lập không thể vào khai thác. Đặc biệt, việc tích nước gây ngập đường sá còn khiến gần 70 hộ dân ở thôn A2 không thể vào rừng sản xuất, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân”, ông Nghi khẳng định.

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết thêm, hiện huyện đã yêu cầu UBND xã Hương Sơn tiến hành thống kê danh sách hộ dân có diện tích đất bị ngập do hồ Tả Trạch tích nước để có phương án đền bù kịp thời. Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (Bộ NN&PTNT, chủ đầu tư dự án) phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát những điểm cô lập để bố trí nguồn vốn xây dựng cầu, ngầm tràn giúp người dân có thể đi lại vào rừng sản xuất như trước.

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông, dự án hồ Tả Trạch đã gây ảnh hưởng đến người dân ở 3 xã gồm Hương Phú, Hương Sơn, Hương Hòa và thị trấn Khe Tre của huyện. Ngoài số hộ dân đã được đền bù, hiện vẫn còn gần 100ha đất lâm nghiệp của hơn 80 hộ dân ở huyện Nam Đông bị thu hồi theo diện “đất đổi đất”, song vì quỹ đất không đủ nên phải thực hiện đền bù bằng tiền với hơn 5 tỷ đồng. Và hiện công tác đền bù này đang gấp rút được triển khai.

Anh Khoa
.
.
.