Nghiêm khắc xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thứ Sáu, 21/12/2018, 07:12
Những nguy cơ và cảnh báo về uống rượu bia tham gia giao thông đã liên tục được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, hậu quả từ việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thảm khốc, kéo theo sự mất mát đau thương của nhiều gia đình đã trở thành những bài học nhãn tiền không của riêng ai...


Chỉ trong hai tháng đã xảy ra 2 vụ nữ tài xế say rượu đâm xe liên hoàn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, làm bị thương nhiều người khiến dư luận không khỏi bất bình. Vụ nữ tài xế xe Lexus say rượu đâm liên hoàn vào 7 xe máy, 2 ôtô khiến ít nhất 6 người bị thương phải nhập viện, trong đó có 2 người bị thương nặng vào chiều tối 18-12 tại đường Trích Sài, quận Tây Hồ (Hà Nội) báo động tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông bất chấp hậu quả, nhất là dịp giáp Tết.

Say rượu vẫn lái xe, bất chấp hậu quả

Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra vào 18h ngày 18-12, chúng tôi được nghe nhiều nhân chứng kể lại, sau khi gây tai nạn liên hoàn, người phụ nữ điều khiển xe ôtô Lexus BKS 29A–742.75 xuống xe có biểu hiện say rượu.

Khi chiếc xe xuất phát từ hướng chùa Tĩnh Lâu về Bệnh viện Medlatec đã có dấu hiệu không bình thường. Đến quán ốc ở số 85 phố Trích Sài, chiếc xe lao lên vỉa hè đâm vào 3 người đi bộ và xe ôtô biển xanh, 2 xe máy rồi lao tiếp sang phía bên kia đường đâm vào xe taxi đi ngược chiều. Người dân hoảng sợ hét lên thì chiếc xe ngay sau đó chồm lên đâm liên tiếp vào 5 chiếc xe máy mới ngừng lại.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do lái xe Nguyễn Thu Trang gây ra tối 18-12.

Vụ tai nạn nghiêm trọng làm 6 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương rất nặng. Theo người dân thì trong 2 nạn nhân bị thương rất nặng có một học sinh lớp 11 đang trên đường đi học về. Chiếc xe máy của nạn nhân bị cuốn vào gầm ôtô. Đến 20h30 Đội CSGT số 2 mới kéo được xe ôtô gây tai nạn ra khỏi hiện trường để đưa về xử lý. Tại hiện trường là 7 chiếc xe máy vỡ nát, có xe đâm vào gốc cây làm biến dạng.

Tài xế “xe điên” là Nguyễn Thu Trang, 29 tuổi, trú tại 31 Lò Sũ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. CSGT kiểm tra nồng độ cồn của nữ tài xế thì thấy vi phạm trên 0,7mg/1 lít khí thở. Say rượu vẫn lái xe là hiểm họa đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT ở nước ta là người điều khiển giao thông có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Vụ nữ tài xế Nguyễn Thị Nga gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh xảy ra cách đây 2 tháng là hồi chuông báo động nhưng tiếc rằng chưa cảnh tỉnh được cho nhiều người. Có người say xỉn nhưng vẫn điều khiển xe, thậm chí về tới nhà cũng không nhớ mình đã đi như thế nào.

Ở một số nước trên thế giới đã cấm “đã uống rượu bia là không lái xe”, nhưng nước ta vẫn quy định nồng độ cồn cho phép nên nhiều người lách luật, biết là nguy hiểm nhưng vẫn không sợ.

Tăng cường kiểm tra, xử lý - tăng mức xử phạt

Theo luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty luật hợp danh Bình An (Hà Nội) với những thông tin ban đầu thì lái xe Nguyễn Thu Trang có sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện, nồng độ cồn đo được là trên 0,7mg/1 lít khí thở, căn cứ theo Điều 260 - “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lái xe Nguyễn Thu Trang có thể bị khởi tố theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự (phạt tù từ 3 năm đến 10 năm).

Ngoài ra, lái xe Nguyễn Thu Trang còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Ở góc độ xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Lê Văn Quý cũng phân tích, theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải, phạt tiền từ 16 triệu đồng - 18 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ về nồng độ cồn.

Hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 4-6 tháng. Có thể thấy, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe còn thấp và chưa có tính răn đe mạnh dẫn đến rất nhiều tài xế chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi uống rượu, bia tham gia giao thông.

Vì vậy, việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe là cần thiết nhằm tác động mạnh tới ý thức chấp hành của người tham gia giao thông để hạn chế tối đa các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Những nguy cơ và cảnh báo về uống rượu bia tham gia giao thông đã liên tục được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, hậu quả từ việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn thảm khốc, kéo theo sự mất mát đau thương của nhiều gia đình đã trở thành những bài học nhãn tiền không của riêng ai. Thế nhưng, không ít người điều khiển phương tiện vẫn cố tình sử dụng rượu bia rồi lái xe bất chấp hậu quả.

Cuối năm là thời điểm thường diễn ra các hoạt động liên hoan, gặp mặt… nên tình trạng uống rượu bia chắc chắn sẽ gia tăng. Công an các địa phương trên cả nước đã ra quân triển khai đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo TTATGT Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Từ nay đến Tết, áp lực phương tiện lên hạ tầng giao thông rất lớn, đặc biệt ở các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và trong nội đô các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tình hình TNGT gia tăng, đặc biệt là tình trạng uống rượu bia tham gia giao thông và gây TNGT diễn biến phức tạp. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tập trung kiểm tra mạnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phòng ngừa và hạn chế TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.

Tr.Hằng - Ng. Hương
.
.
.