Trò chuyện Chủ Nhật

Nên tính đến giải pháp hạn chế xe cá nhân vào nội đô từ 6h đến 21h hằng ngày

Chủ Nhật, 30/04/2017, 09:46
Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Tuấn, người từng có nhiều đóng góp về các giải pháp thực tiễn cho vấn đề giao thông, đô thị tại thành phố như đưa lực lượng dân quân tự vệ tham gia điều tiết giao thông; giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất… về chủ đề cấm xe cá nhân vào trung tâm.

Trước thực trạng số lượng ôtô, xe máy cá nhân ở TP Hồ Chí Minh tăng nóng trong nhiều năm qua, ngày 20-4, tại hội thảo chuyên đề về vấn đề này, một số chuyên gia đã đề nghị phải có lộ trình cấm hẳn xe máy. Lên tiếng đòi cấm xe máy hoặc bày tỏ đồng thuận với việc này, song cả giới chuyên gia và Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đều không đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu để người dân đi lại trước khi nói chuyện cấm xe máy. Chính vì vậy, vấn đề này đã khiến người dân, dư luận phản ứng gay gắt.

Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Tuấn, người từng có nhiều đóng góp về các giải pháp thực tiễn cho vấn đề giao thông, đô thị tại thành phố như đưa lực lượng dân quân tự vệ tham gia điều tiết giao thông; giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất… về chủ đề cấm xe cá nhân vào trung tâm.

Ông Mai Trọng Tuấn.

PV: Vì sao ông lại cho rằng chỉ cần hạn chế xe cá nhân vào trung tâm?

Ông Mai Trọng Tuấn: Với tốc độ phát triển nóng thời gian qua, phương tiện cá nhân hàng ngày dồn vào các quận nội thành và khu vực trung tâm thành phố theo kiểu càng vào trong càng dày đặc, vón cục lại. Trong khi đó những giải pháp đã được áp dụng để kéo giảm kẹt xe tại thành phố đã tỏ ra không hữu hiệu, ùn tắc ngày càng căng thẳng. Điểm mặt các loại phương tiện phổ biến trên đường hàng ngày là xe hơi, xe máy cá nhân rồi đến xe buýt, xe khách và xe tải nhỏ, thì đối tượng xe cá nhân chiếm số lượng chủ yếu. Khi chưa thể cấm ngay xe hơi, xe máy cá nhân do loại phương tiện này còn phục vụ đến 80- 90% nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân, trước mắt cần tính đến giải pháp hạn chế để hai loại xe cá nhân đang chiếm số đông này không đổ dồn vào trung tâm từ 6h đến 21h.

PV: Mấu chốt trong giải pháp ông đưa ra là gì?

Ông Mai Trọng Tuấn: Chính là sử dụng chính diện tích mặt đường rộng thênh thang ở các tuyến cửa ngõ. Trên các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào trung tâm có bề rộng 60 - 120m như đường Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Đông Tây, đường Kinh Dương Vương, đường Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… thành phố chỉ cần dành một phần để tạm thời cho phép thiết lập các bãi giữ xe máy, hoặc kẻ vạch sơn cho đậu xe hơi có thu phí ngay trên đường. Cùng lúc cho lắp đặt các dàn đậu xe thông minh ven kênh rạch hay ở những nơi còn đất trống, cả vận động người dân có đất, có mặt bằng lập bãi trông giữ xe, số lượng tùy nhu cầu gửi… để làm cơ sở buộc người dân phải gửi lại phương tiện cá nhân tại đây trước khi muốn vào trung tâm.

PV: Phải để xe lại, người dân đi tiếp thế nào?

Ông Mai Trọng Tuấn: Tại những khu vực này, thành phố cho tổ chức những đội xe buýt 16-24 chỗ hoặc xe điện bánh hơi loại 12 chỗ chạy vào trung tâm; đảm bảo phủ kín tất cả những tuyến đường chính và đường nhỏ với tần xuất dày. 

Gần các bãi giữ xe hơi, xe máy còn tổ chức cho thuê xe đạp với mẫu mã, ký hiệu riêng, gắn chíp quản lý để phục vụ những người có nhu cầu di chuyển nhiều ở khu vực trung tâm. Người dân muốn di chuyển vào khu vực trung tâm sẽ có các lựa chọn như đi bộ nếu nơi cần đến ở gần; thuê xe đạp để đi lại hay lên xe buýt, xe điện. Lên phương tiện công cộng, mọi người dân đều bình đẳng, loại bỏ hẳn cách nghĩ tiêu cực lâu nay: Coi xe máy là nguyên nhân gây kẹt xe từ giới đi xe hơi và ngược lại.

PV: Theo ông ai sẽ đứng ra làm việc này?

Ông Mai Trọng Tuấn: Tổ chức cho các lực lượng như Thanh niên xung phong, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… rồi cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí là các phường đấu thầu từng khu vực trông giữ xe; cùng lúc có chính sách  ưu đãi với tổ chức, cá nhân đầu tư làm dàn đậu xe thông minh. Đến thời điểm được quy định trước sẽ thực hiện ngăn xe cá nhân vào trung tâm. Tôi cho rằng, ngay khi việc này được triển khai, sẽ cho hiệu ứng tức thời với nhiều đối tượng hàng ngày đang sử dụng xe cá nhân vì thói quen “lười biếng” hoặc do xe buýt chưa đáp ứng lộ trình đi lại.

PV: Hiệu ứng gì, ông có thể nói rõ hơn?

Ông Mai Trọng Tuấn: Đơn giản là khi áp dụng biện pháp hạn chế xe máy vào trung tâm, sẽ có một lượng lớn đối tượng tự động bỏ hẳn xe máy để đi lại bằng xe buýt, xe điện. Đó là hàng trăm ngàn công chức, viên chức; học sinh, sinh viên; công nhân, lao động trong các khu công nghiệp... những người có lộ trình đi lại, giờ giấc làm việc cố định hàng ngày. Thậm chí là cả những người đang đi lại bằng xe hơi, xe máy cá nhân hàng ngày trên các tuyến xuyên tâm ngang qua khu vực nội thành cũng sẽ tự giác từ bỏ xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng.

Tôi cho rằng khi đã ngăn được hai loại phương tiện cá nhân chủ yếu này, đường phố ở trung tâm sẽ chỉ còn phương tiện công cộng và một số ít loại xe được lưu thông thường xuyên. Do đó sẽ không còn phải lo chuyện quá tải mặt đường ở những tuyến đã phải dành tạm phần diện tích làm chỗ đậu xe. Và không chỉ là chuyện ùn tắc, tai nạn giao thông cũng sẽ được kéo giảm mạnh do các phương tiện cá nhân trên đường giảm đi một lượng rất lớn.

PV: Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh là tiền đâu để đầu tư và hỗ trợ xe buýt, xe điện hoạt động? Không những thế, còn hàng triệu người đang sống ở khu vực trung tâm có xe hơi, xe máy?   

Ông Mai Trọng Tuấn: Giảm được hai loại xe cá nhân chủ yếu, nguy cơ kẹt xe giảm đi nhiều, thành phố có thể dừng hoặc giãn đầu tư mở rộng hạ tầng với nhiều dự án cấp bách để dùng khoản tiền này đầu tư phát triển xe buýt, xe điện nhỏ.

Ngân sách sẽ không phải bù lỗ, chỉ cần hỗ trợ vốn ban đầu, các đoàn xe này sẽ có lãi nếu yêu cầu chủ các bãi giữ xe máy phải đặt cọc một khoản tiền để đóng góp với thành phố trong việc đầu tư cho các loại xe buýt, xe điện. Các chủ bãi giữ xe cũng sẽ phải đóng góp một tỷ lệ nhất định từ tiền thu gửi xe để hỗ trợ lại cho phương tiện công cộng hoạt động. Nói cách khác, Nhà nước sẽ điều tiết thu nhập từ chủ bãi giữ xe, kết hợp với nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ… để đầu tư lại cho xe buýt, xe điện.

Với người sống ở khu vực trung tâm, có hai cách giải quyết, hoặc là quy định phải đưa xe ra khỏi khu vực trung tâm trước 6h và đưa về sau 21h. Bằng không, người dân sẽ được ưu tiên gửi xe thường xuyên tại các bãi giữ xe ở cửa ngõ. Khi muốn sử dụng trong giờ hạn chế, phải đi bằng phương tiện công cộng ra nơi gửi xe. Cách làm này còn giúp hạn chế tình trạng cháy xe gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư khi đa số người dân đậu xe trong nhà.

 PV: Ngăn xe vào, lại buộc phải đưa xe ra, người có nhu cầu đi lại bằng xe hơi ở trung tâm thì xe nào phục vụ?

Ông Mai Trọng Tuấn: Trong giờ hạn chế ôtô, xe máy cá nhân, vẫn sẽ cho một số lượng taxi nhất định vào hoạt động. Nhưng giá cước sẽ cao hơn xe hoạt động ở ngoài trung tâm để ngân sách có thể thu thêm một khoản phí từ taxi được hoạt động trong trung tâm. Thời điểm xe buýt, xe điện bánh hơi ngừng hoạt động, các loại phương tiện cá nhân và vận tải khác được ra vào trung tâm như bình thường và phải ngừng trước 6 giờ sáng.

PV: Đưa ra giải pháp này, ông kỳ vọng thế nào về tính thực tiễn?

Ông Mai Trọng Tuấn: Để giải quyết vấn nạn kẹt xe ở thành phố hiện nay, không có một giải pháp nào là hoàn hảo, không nảy sinh hạn chế, khó khăn phức tạp. Hạn chế để đi đến cấm hẳn xe máy di chuyển ở nội đô là xu thế tất yếu trong tương lai ở một đô thị phát triển. Nhưng để có thể làm được một “cuộc cách mạng” về thói quen đi lại của người dân, trước hết thành phố phải chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng vận tải công cộng và giao thông tĩnh. Chỉ khi nào đáp ứng được cơ bản nhu cầu di chuyển của người dân mới có thể nói chuyện hạn chế hay cấm đoán xe cá nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Thắng (thực hiện)
.
.
.