Bộ GTVT chưa được hỏi ý kiến về việc cấm xe máy cũ ở TP HCM

Thứ Tư, 15/08/2012, 16:00
TP HCM vừa xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy đang gây ra tác động đa chiều trong dư luận xã hội. Về phía cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải cấp cao nhất là Bộ GTVT cũng khẳng định đây không phải chuyện muốn là làm được ngay…

Nhằm giảm TNGT và ô nhiễm môi trường, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho các đơn vị chức năng sửa soạn dự thảo quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe môtô hai, ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe điện), sau đó trình UBND TP để kiến nghị Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, khi chủ trương này mới hình thành thì nhiều ý kiến cho rằng, không phải muốn cấm là thực hiện ngay được.

TP Hồ Chí Minh vừa xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy đang gây ra tác động đa chiều trong dư luận xã hội. Về phía cơ quan quản lý ngành giao thông vận tải cấp cao nhất là Bộ GTVT cũng khẳng định đây không phải chuyện muốn là làm được ngay.

Người dân có xe máy cũ lo ngại về chủ trương cấm xe của TP Hồ Chí Minh.

“Bản thân các Vụ, Viện tham mưu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho đến nay vẫn chưa nhận được văn bản nào của TP Hồ Chí Minh hỏi ý kiến Bộ về việc xây dựng quy chế lưu hành và niên hạn lưu hành. TP Hồ Chí Minh giao các sở, ngành chức năng xây dựng dự thảo rồi trình Chính phủ là sai về mặt nguyên tắc” - đại diện Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho biết. Cũng theo vị đại diện này, theo quy trình thì việc trình Chính phủ phải do cơ quan quản lý ngành là Bộ GTVT nên không thể có cơ chế đặc thù như vậy cho TP Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có đặt ra vấn đề quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới  nói chung. Theo đó, Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe cơ giới. Với vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ đang nghiên cứu, kết hợp học tập kinh nghiệm các nước cho phù hợp tình hình của Việt Nam.

“Nước ta hiện nay có hơn 34 triệu xe gắn máy. Nhiều gia đình nghèo sử dụng xe cũ làm phương tiện đi lại, làm ăn nên cần phải tính toán phù hợp. Việc quy định niên hạn sử dụng với xe gắn máy cần phải làm nhưng phải nghiên cứu, kiểm định phương tiện qua đăng kiểm để đánh giá trước khi có những đề xuất cụ thể”- lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận.

Liên quan đến chủ trương xây dựng quy chế tối thiểu lưu hành và niên hạn lưu hành đối với xe máy, ông Trịnh Ngọc Giao - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cũng cho biết mới chỉ nghe nói chứ chưa thấy TP Hồ Chí Minh có ý kiến hỏi Cục về việc này, tuy nhiên ông Giao cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều người nên cần phải bàn kỹ.

Theo ông Giao, nếu TP Hồ Chí Minh ra văn bản quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường là đặt ra vấn đề đúng, nhưng khi giải quyết xử lý như thế nào, quy định tuổi xe bao nhiêu là vấn đề khó. Tuy nhiên, với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân và mới nhất là có thể TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng quy chế tối thiểu lưu hành, niên hạn lưu hành đối với xe máy thì việc thực hiện đăng kiểm với loại phương tiện này có phải là một giải pháp tốt?

Ông Giao cho hay: “Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về kiểm tra khí thải đối với xe máy để bảo vệ môi trường, nhưng lộ trình triển khai cụ thể thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ trình trong năm nay - 2012, trước tiên là kiểm tra khí thải đối với xe máy ở các thành phố lớn và sau đó là các địa phương trên cả nước. Mới đây, sau khi có cháy nổ xe thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng Đề án kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với cả xe máy”.

Cũng theo ông Giao, trước khi làm về niên hạn thì nên có kiểm tra về tiêu chuẩn kỹ thuật để phương tiện dù cũ nhưng đảm bảo an toàn thì vẫn cho lưu hành, phương tiện nào chưa đảm bảo thì yêu cầu sửa chữa, còn nếu không sửa chữa được nữa thì mới quy định loại bỏ.

Đồng tình với chủ trương của TP Hồ Chí Minh là cấm xe cũ để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và ô nhiễm môi trường, TS. Khuất Việt Hùng - Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội nhìn nhận: có thể sự loại bỏ mà TP Hồ Chí Minh muốn hướng đến là những xe cũ, xe cũ nát, xe không thể đi được nữa và cả những xe mới nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cũng trong chủ trương này, TS. Khuất Việt Hùng cho rằng cần phải có sự chia sẻ, xem xét đến đời sống của một bộ phận người dân nghèo phải sử dụng xe cũ để mưu sinh, nhưng mặt khác cũng phải nhìn nhận vấn đề không ai có thể tự cho mình cái quyền được sử dụng phương tiện để kiếm sống mà đe dọa đến sự an toàn cho chính mình và người khác.

“Nếu các phương tiện không đảm bảo điều kiện kỹ thuật tham gia giao thông thì sẽ gây mất an toàn cho chính chủ phương tiện, cho những người khác cùng tham gia giao giao thông, nhưng người chịu trách nhiệm lại là Nhà nước. Bởi vậy, cấm xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật là đúng, nhưng làm sao để biết được xe nào đảm bảo và xe nào không thì chỉ có cách là phải kiểm định phương tiện một cách nghiêm túc” - TS. Khuất Việt Hùng cho hay

Nhóm PV
.
.
.