Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc xử lý xe quá tải

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:49
Cho đến thời điểm này, đoàn công tác liên ngành do Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn đang phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Cục Quản lý đường bộ I tiếp tục tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng xe ôtô chở quá tải lưu thông trên các tuyến đường tại một số tỉnh thành.


Một ngày cuối tháng 5, đoàn công tác liên ngành đã có chuyến thực tế tại tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Tại Hải Dương, đoàn công tác tiến hành kiểm các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Kinh Môn, đã phát hiện và kiểm tra đối với 4 xe tải có dấu hiệu vi phạm chở quá tải trọng và cơi nới kích thước thành thùng. 

Trong đó, qua kiểm tra phiếu xuất kho của 2 xe BKS 34C-08205 và 34M-08944 chở đúng tải trọng quy định. Hai xe còn lại là xe mang BKS 34M-0231 do lái xe Hoàng Vă Hoan trú tại xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương điều khiển chở quá tải trọng cho phép hơn 100%; xe 14C-126 31 do lái xe Bùi Văn Nhạt trú tại K1, Trưng Vương, Uông Bí, Quảng Ninh điều khiển, chở quá tải 17% và vi phạm cới nới kích thước thành thùng 1200/900mm. 

CSGT kiểm tra tải trọng xe.

Biết sai phạm, các lái xe đều ký biên bản nhận lỗi. Thế nhưng, khi sang đến tỉnh Hưng Yên. Chỉ trong ít phút, đoàn công tác cũng đã phát hiện và xử lý đối với 5 xe vi phạm chở quá tải trọng cho phép và cơi nới kích thước thành thùng. Cụ thể, xe BKS 89C-09348 chở quá tải 42%; xe BKS 89C-06922 quá tải 210%; xe mang BKS 89C-11185 chở quá tải 100,2%; xe BKS 89C-06674 vi phạm cơi nới kích thước thành thùng 1600/510 mm. 

Đáng nói nhất là trường hợp xe BKS 89C-06284 có dấu hiệu chở quá tải trọng quy định đã cho lực lượng chức năng dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cho xe lên cân để xác định tải trọng thì lái xe Trương Văn Quân trú tại Tân Lập, Yên Mỹ, Hưng Yên là người điều khiển chiếc xe nói trên đã có thái độ chống đối bằng cách không chấp hành hiệu lệnh hướng dẫn cân xe của thanh tra giao thông, cố tình lái xe lăn qua lăn lại trên bàn cân và sau đó đã tự ý đổ hàng trên xe và rời khỏi hiện trường. 

Đối với trường hơp này, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý lỗi không chấp hành kiểm tra tải trọng và tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với đối tượng này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, với nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay, xe vi phạm chở quá tải trọng quy định đã giảm đến 90%. Số lượng xe quá tải chỉ còn trên dưới 10% nhưng số còn lại là các xe chạy nội tỉnh, mỏ đất đá, nhỏ lẻ, cố tình chạy quá tải, hoặc các xe được bảo kê nên ngang nhiên chở quá tải. Nhiều doanh nghiệp vài tháng trước chấp hành rất tốt nhưng thấy lực lượng chức năng chùng xuống liền hàn lại thùng để chạy quá tải. 

Xác định cuộc đấu tranh còn rất phức tạp, gay go nên lực lượng liên ngành giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục C64-Bộ Công an rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện kiểm soát xe quá tải. Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành không có mặt thì các xe đua nhau chạy như “nấm mọc sau mưa” còn khi lực lượng liên ngành tiến hành đi kiểm tra thì các tuyến đường đều vắng bóng xe quá tải. 

Theo ông Hoàng Thế Lực, Vụ phó Vụ Pháp chế Thanh tra cũng thừa nhận, mặc dù các địa phương đều bày tỏ quyết tâm xử nghiêm xe quá tải. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy tại nhiều địa bàn tình trạng xe quá tải vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường. 

Trong việc kiểm soát tải trọng xe, cần nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Nếu các ngành chức năng địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, thì việc xử lý triệt để 10% xe quá tải còn lại sẽ rất khó khăn.

Trước diễn biến phức tạp nói trên, ngày 30-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản vừa yêu cầu các Cục Quản lý Đường bộ, Sở GTVT tăng cường xử lý xe ôtô chở quá tải và cơi nới kích thước thùng hàng của xe ôtô tải tự đổ.  

Văn bản cũng nêu rõ: Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT thành lập đoàn công tác liên ngành yêu cầu chủ xe, lái xe cắt phần thùng xe cơi nới, có xác nhận của trung tâm kiểm định xe cơ giới mới làm thủ tục cho xe hoạt động. 

Những trường hợp tái vi phạm, có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam rút ngắn thời gian kiểm định phương tiện; có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu các công trình, mỏ vật liệu, doanh nghiệp sử dụng xe vi phạm cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải. 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, dự án, nhà thầu thi công, chủ xe và lái xe trên địa bàn trong việc thực hiện cam kết không xếp hàng hóa lên xe quá tải trọng.

Đặng Nhật
.
.
.