Muốn bay giờ đẹp, phải chịu phí cao

Thứ Năm, 16/03/2017, 08:48
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không. Theo đó, Cục Hàng không sẽ “áp giá cất hạ cánh theo khung giờ”.

Trong lần đề xuất này, Cục Hàng không đưa ra phương án: đối với các cảng hàng không nhóm A, B, với giờ bình thường sẽ áp dụng mức giá dịch vụ tăng 15% so với mức hiện hành. 

Mức giá này tại giờ cao điểm (là khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 90% trở lên so với giới hạn khai thác của cảng hàng không) sẽ được tăng lên 15% và giảm 15% vào giờ thấp điểm (là các khung giờ có số chuyến bay thực tế từ 0 – 30% so với giới hạn khai thác của cảng hàng không). Các cảng hàng không nhóm C sẽ áp mức giá bằng 60% mức quy định của đối với cảng hàng không nhóm B trong giờ cao điểm.

Để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất lộ trình điều chỉnh. Cụ thể, giai đoạn 1 từ 1-7-2017, tăng 5%. Tiếp đó, từ 1-1-2018, tiếp tục tăng thêm 10% nữa so với giá hiện hành. 

Như vậy, trong giờ cao điểm, mức giá hạ cất cánh áp dụng từ 1-7-2017 với tàu bay ATR 70 là 698 nghìn đồng/lần, tàu A320, A321 là hơn 1,5 triệu đồng/lần, tàu A350, B787, B777, A330 khoảng hơn 5,8 triệu đồng/lần. 

Lý giải về đề xuất trên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết: “Việc quá tải vào các giờ cao điểm tại một số cảng hàng không hiện nay chủ yếu do sản lượng và tốc độ tăng trưởng quá lớn của chuyến bay quốc nội”. 

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng chính sách giá cất hạ cánh với chuyến bay quốc nội theo khung giờ nhằm tác động để các hãng hàng không nội địa điều chỉnh giờ bay, đảm bảo phù hợp với năng lực khai thác của các cảng hàng không. 

Cũng theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, mức giá một số dịch vụ hàng không sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới. Cụ thể, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với quốc tế (hiện tại là 1,5 USD) và 18.181 VND/khách đối với quốc nội (hiện tại là 9.090 VND). 

Về mức giá dịch vụ an ninh hàng không hiện hành, phía ACV cho biết mức thu hiện nay của Việt Nam thấp hơn so với khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đang áp mức 6 USD/khách, Myanmar 6,5 USD/khách, Campuchia 3 USD/khách và Trung Quốc là 2 USD khách (cả quốc nội và quốc tế)...

Trước đó, ông Bùi Á Đông, Phụ trách ban Tài chính – Kế toán ACV cho biết, nếu đề xuất này được Bộ GTVT chấp thuận, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/HK (chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay).

“Tỷ lệ quá nhỏ này không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay” – ông Đông khẳng định.  

Phía hành khách, chi phí tăng không quá cao, chỉ 40.000 đồng đối khách bay đến cảng hàng không nhóm A (chiếm tỷ lệ 0,8% giá vé máy bay) và tăng 20.000 đồng/khách bay đến cảng hàng không nhóm B (chiếm tỷ lệ 0,5% giá vé máy bay).

An ninh mạng hàng không còn yếu kém

Chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống mạng, website của ngành Hàng không liên tiếp bị hacker tấn công. Dù chưa gây hậu quả nặng nề nhưng cũng đã cho thấy lỗ hổng trong lĩnh vực an ninh mạng của ngành. 

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không phải nâng cao bảo mật bởi hệ thống website của các cảng nằm ngoài lĩnh vực quản lý nhà nước về hàng không. 

Đại diện Cục Hàng không cho rằng: “Các website này là doanh nghiệp thuê của các nhà cung cấp nên việc đảm bảo an toàn mạng phải do các nhà mạng phụ trách”. 

Nhìn nhận về sự cố lần này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho rằng, những sự cố trong lĩnh vực hàng không xảy ra vừa qua cho thấy việc đảm bảo an ninh mạng cho ngành Hàng không vẫn còn yếu kém và việc đầu tư chưa tương xứng với tầm quan trọng của hệ thống. 

Để đảm bảo an toàn cho hệ thống, các cơ quan tổ chức nên tiến hành đào tạo, củng cố, tăng cường kiến thức về lập trình an toàn. Khi tiến hành code website, các kĩ sư phải phân tích kĩ càng, lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra để tránh tạo lỗ hổng website.

Phạm Huyền

Đặng Nhật
.
.
.