Kiến nghị xây sân bay thứ 2 tại Hà Nội: Cần nghiên cứu kỹ để tránh quy hoạch treo

Thứ Bảy, 10/10/2020, 07:43
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã kiến nghị UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa.


Theo kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phương án xây dựng sân bay thứ 2 được đặt ra cùng với việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, việc Hà Nội đề xuất xây dựng thêm sân bay là chưa hợp lý, cần tập trung khai thác hiệu quả công suất của sân bay Nội Bài.

KTS. Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xây dựng sân bay đã từng được đặt trong Quy hoạch tổng thể năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Tại nhiều cuộc họp, hội thảo, một số đại biểu HĐND Hà Nội đã có ý kiến, khu vực chủ trương xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa là nằm trong hành lang thoát nước của Hà Nội, có độ trũng sâu. Nhiều năm qua, khu vực này dành phát triển nông ngư nghiệp, chứ không phải phát triển công nghiệp và đầu mối giao thông.  

Cùng đó, TS Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng - Trường Đại học Việt Nhật (VJU) cho rằng, nhiều thủ đô trên thế giới có 2 sân bay, nhưng đó là những thành phố có quy mô đô thị lớn, hoạt động kinh tế nhộn nhịp với lượng khách lên đến hàng trăm triệu lượt mỗi năm. Trong khi đó, sân bay Nội Bài vẫn còn dư địa phát triển, cùng đó các tỉnh gần Hà Nội đã có sân bay quốc tế như: Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), Thọ Xuân (Thanh Hoá). Do vậy, việc đầu tư thêm một sân bay mới ngay trong vùng Thủ đô là không cần thiết.
Hành khách làm thủ tục bay tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Nhắc đến đề nghị trên, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng: Nếu nhìn trước mắt, Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng, nhưng vẫn cần có thêm một sân bay phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội. Hay nói cách khác, việc đề xuất quy hoạch vị trí sân bay là để phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai, chứ không phải là đầu tư ngay. 

Vị này cũng cho rằng, cần nghiên cứu quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa, bởi vị trí này có nhiều điểm bất lợi như nằm ở đường xuống của máy bay tiếp cận hạ cánh sân bay Nội Bài. Trong khu vực còn có một dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên làm sân bay cũng theo hướng này, đầu ra của máy bay sẽ vòng vào trung tâm Hà Nội, vướng vào vùng cấm bay của TP Hà Nội. Đó là chưa kể đến việc Ứng Hòa là vùng trũng, bị ảnh hưởng lũ sông Đáy và có diện tích đất trồng lúa lớn nên cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối nhiều...

Nhìn lại hoạt động của các sân bay hiện hữu có thể thấy rõ một điều,Việt Nam hiện có 23 sân bay, trong đó Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác 22 sân bay, nhưng hiện chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, còn lại là lỗ. 

Trong bối cảnh này, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM, việc phát triển sân bay phải so sánh với các phương thức giao thông khác là đường sắt, đường thuỷ và đường bộ (đặc biệt là đường cao tốc). Đây là những phương thức giao thông phục vụ nhiều tầng lớp dân cư nhất, thuận tiện nhất khi vận hành và cũng là chi phí thấp hơn đường hàng không. Mặt khác, cần xác định rõ sân bay quốc tế phục vụ đường nào (ngắn, trung và dài), phân ra các đường bay và sân bay để tránh ách tắc. Tương tự như vậy, các đường bay nội địa nếu các quy hoạch hệ thống sân bay có rõ ràng vùng dân cư, vùng địa lý của từng mục tiêu phục vụ thì mới ra hệ thống. 

Câu hỏi đặt ra, hiện sân bay Nội Bài phục vụ đường bay quốc tế dài nhất sẽ phục vụ bao nhiêu triệu dân, nếu như đi đường ngắn hơn, ít dân hơn. Hiện sân bay Nội Bài đang giải quyết 3 vùng là: Nội địa, quốc tế đường trung và quốc tế đường dài, ước tính trong tương lai số gia tăng đó sẽ là bao nhiêu thì mới dự tính được 2050 hay 2070 tốc độ gia tăng sẽ ra sao để tính ra nhu cầu tương quan với sự gia tăng của các sân bay xung quanh như: Cát Bi (Hải Phòng), Thọ Xuân (Thanh Hoá) và Vân Đồn (Quảng Ninh)… để xây dựng các bảng thông số so sánh. Khi mà đường trung và đường dài của Nội Bài tăng thì sân bay Cát Bi có thể mở đường quốc tế đường trung để sang tải bớt cho Nội Bài, phân bố tỉ lệ nhu cầu hành khách trong tương lai nó sẽ tương đối giảm tập trung khách tại Nội Bài. 

Cùng đó, hiện sân bay Cần Thơ chưa khai thác đúng vị trí, trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu long cần phải phát triển các đường bay đi các nước Đông Nam Á tại sân bay này để giảm tải cho Tân Sơn Nhất.

Trước đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, sự cần thiết cho Thủ đô và đất nước với sự tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam trong những năm qua, việc đề xuất thêm một sân bay nữa cũng là có cơ sở. Đầu tư xây dựng một sân bay tại Hà Nội trong điều kiện hiện nay và tương lai là cần thiết. Nhưng cần phải có đề án quy hoạch rõ ràng và có sự tham gia của hàng không dân dụng, quân sự và quy hoạch đô thị, thông qua góp ý của các ngành liên quan như du lịch, logicstic, xuất nhập khẩu… rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chứ không nói bằng cảm tính dẫn đến quy hoạch treo.

Nhật Uyên
.
.
.