Cơ hội vàng để sửa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Thứ Tư, 08/04/2020, 08:40
Đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã xuống cấp ở mức độ báo động về an toàn. Tuy nhiên thời gian qua, việc sửa chữa đường bằng nguồn vốn nào còn nhiều tranh luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm ngành hàng không đang “tạm nghỉ” vì dịch COVID-19 chính là thời điểm vàng để thực hiện việc sửa chữa này.


Cấp bách nhưng nhiều vướng mắc

Bộ GTVT từ đầu năm 2018 - 2020 đã nhiều lần có văn bản khẩn cấp đề nghị Chính phủ bố trí vốn để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng (cất hạ cánh), đường lăn tại cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Lý do, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 CHK này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông…

Đặc biệt, việc tiếp nhận nhiều máy bay thế hệ mới với tải trọng và áp suất bánh hơi lớn như: A350-900, B787-9 khiến từ năm 2017 đến nay, hệ thống sân đường khu bay Tân Sơn Nhất bị xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Tương tự, đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối bằng bê tông xi măng Nội Bài cũng đã bị quá tải và hư hỏng nặng. Dù đơn vị đang quản lý, khai thác là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tự bỏ kinh phí để khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.

Theo ACV, nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn, sẽ làm tăng nguy cơ mất an toàn khi khai thác, thậm chí phải đóng cửa đường băng. Mới nhất, tháng 1-2020, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị Thủ tướng xem xét, bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950 tỉ đồng, phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.202 tỉ đồng.

Dự án được xem là cấp bách này đã kéo dài hơn 2 năm vẫn chưa được xem xét bố trí vốn. Lý do, đề xuất của ACV sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp từ chênh lệch thu - chi trong khai thác hạ tầng khu bay không được Bộ Tài chính đồng thuận, vì vướng mắc nhiều luật hiện hành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công…

Trước thực trạng trên, mới đây Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đồng ý đầu tư 2 dự án nâng cấp đường băng, đường lăn tại CHK quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bằng nguồn vốn đầu tư công. Đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, sau khi xác định dùng vốn đầu tư công cho 2 dự án, về nguyên tắc, phải lập chủ trương đầu tư. Sau khi được phê duyệt chủ trương mới bố trí kế hoạch vốn.

Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT), ngoài việc đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án, mời các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp… đi khảo sát, đánh giá, thẩm định tính cấp bách của dự án.

Thời điểm sân bay vắng lặng vì dịch COVID-19 là cơ hội vàng để đẩy nhanh việc sửa chữa.

Linh động để tận dụng cơ hội vàng

Theo một số chuyên gia hàng không, nếu 2 dự án được triển khai ngay đồng thời được áp dụng giao thầu theo lệnh khẩn cấp, các thủ tục có thể hoàn thành rất sớm để khởi công dự án ngay trong năm nay và hoàn thành vào cuối năm 2021. Trường hợp ngược lại, nếu phải đấu thầu, nhanh nhất cũng phải cuối 2020, đầu 2021 mới khởi công được dự án và hoàn thành vào cuối năm 2022.

Cụ thể hơn, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam - TS. Trần Quang Châu - nhận định, hiện các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa được đồng bộ, nên khi phân chia ra trách nhiệm ra thì nhiều ý kiến trái chiều nhau. Do đó, cần thay đổi cơ chế và cách suy nghĩ để sửa các văn bản mang tính chất pháp quy để gỡ.

Cụ thể tại hai đường cất và hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất do khai thác vượt tần suất thiết kế dẫn đến việc hư hỏng đang ở mức 40-45%, hiện mỗi ngày có trên 500 chuyến cất hạ cánh nhưng thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 270 chuyến bay cất hạ cánh mỗi ngày. Đây là cơ hội vàng để thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh này, nếu chần trừ sẽ mất cơ hội. Do đó, cần có sự linh động khi thực hiện các quy định của văn bản pháp luật.

Cùng đó, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải) cũng cho rằng, vốn đầu tư công không chỉ sử dụng trong một giai đoạn mà còn sử dụng trong nhiều giai đoạn khác. Tại giai đoạn này do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông ít (khoảng 50%) từ đường bộ, hàng không, đường sắt và hàng hải.

Hiện cả xã hội đang bị ngừng trệ do dịch COVID-19, nhưng đây lại là cơ hội vàng cho ngành GTVT để sửa chữa, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hay xây dựng mới các tuyến đường đô thị, hay tuyến đường có lưu lượng phương tiện cao thì nên động viên người lao động sử dụng bảo hộ chống dịch triển khai mạnh mẽ hơn tranh thủ thời gian để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Việc duy tu bảo dưỡng đường sá nhất là các đường cao tốc, đường cất hạ cánh của sân bay Nội Bài và sân bay Long Thành...

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với CHK quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là gần 2.300 tỷ đồng.
Phạm Huyền
.
.
.