Kiểm toán BOT Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng:

Kiến nghị giảm 8 năm 16 ngày thu phí

Thứ Tư, 10/01/2018, 09:52
Kiểm toán Nhà nước mới đây đã có thông báo kết quả hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 38, đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng theo hình thức hợp đồng BOT. Hàng loạt sai sót liên quan đến khối lượng, đơn giá, việc chấp hành pháp luật, chính sách đã được kiểm toán “điểm danh”.


Năm 2014,  để xin chủ trương đầu tư xây dựng quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của tuyến đường cũ “có mật độ phương tiện giao thông tăng và sự quá tải của xe tải trọng nặng dẫn tới tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn giao thông tăng cao”. 

Nhưng tại thời điểm này, Bộ Tài chính lại xác định “đoạn đường này chưa bị xuống cấp nghiêm trọng và quá tải” và có ý kiến: “Trường hợp cho phép đầu tư tuyến đường theo hình thức Hợp đồng BOT như đề xuất của Bộ GTVT sẽ làm tăng mức phí mà người dân phải chi trả trong khi vẫn phải nộp phí sử dụng đường bộ; điều này có thể gây ra bức xúc, không đồng thuận của người dân. Do vậy, chưa nên đầu tư xây dựng dự án”. 

Trạm thu phí cầu Yên Lệnh.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định Nhà đầu tư (Liên danh Tổng Công ty Thăng Long và Tổng Công ty Công trình giao thông 4) thực hiện dự án khi chưa có đánh giá về năng lực và ý kiến đồng ý thực hiện dự án của nhà đầu tư. 

Thậm chí, trong quyết định phê duyệt dự án đầu tư còn một số nội dung chưa phù hợp và bất cập với quy định như: Suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án cao hơn so với suất đầu tư do Bộ Xây dựng công bố với tổng tiền là 70.444 triệu đồng; một số nội dung trong chi phí xây dựng còn áp dụng định mức, đơn giá và khối lượng chưa phù hợp dẫn đến các chi phí tính theo tỷ lệ phần trăm của chi phí xây dựng sai, làm tăng tổng mức đầu tư số tiền 10.835 triệu đồng; phê duyệt đầu tư xây mới 8/10,2km chưa hoàn toàn phù hợp với ý kiến cải tạo, nâng cấp của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, Kiểm toán cũng chỉ ra nhiều lỗi của dự án này.

Trước hàng loạt sai sót trên, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu, đối với doanh nghiệp dự án-Công ty TNHH BOT Cầu Yên Lệnh xử lý tài chính số tiền lên tới hơn 44 tỷ đồng, trong đó thu hồi hoàn trả nhà đầu tư 2,2 tỷ đồng; giảm số phải trả 17,6 tỷ đồng do thanh toán khối lượng và đơn giá (bao gồm cả lãi vay) chưa phù hợp; xử lý tài chính khác số tiền là 24,3 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư phối hợp với Hội đồng giải phóng măt bằng huyện Duy Tiên và thành phố Hưng Yên giải quyết dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên tuyến để hoàn thành khối lượng còn lại theo đúng thiết kế bản vẽ thi công.  

Đối với Bộ GTVT, Kiếm toán nhà nước yêu cầu làm rõ khối lượng thanh toán vượt giá trị hợp đồng số tiền là 125 triệu đồng làm cơ sở thanh toán, quyết toán theo quy định đối với gói thầu số 1 thanh toán vượt giá trị hợp đồng. 

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ GTVT thương thảo điều chỉnh giám giá vé hoặc thời gian thu phí từ 15 năm 6 tháng (nếu theo Phụ lục hợp đồng sau đó là 10 năm 3 tháng 8 ngày) xuống còn 7 năm 5 tháng 14 ngày, giảm tương ứng 8 năm 16 ngày theo số liệu cập nhật lại một số chỉ tiêu, điều chỉnh một số chỉ tiêu không có trong quy định và loại khỏi quyết toán một số chi phí chưa phù hợp được Kiểm toán Nhà nước xác định. 

Bộ GTVT cần xem xét thương thảo, xử lý sai lệch số liệu trong phương án tài chính với điều khoản thoả thuận của hợp đồng đối với nội dung  lợi nhuận của nhà đầu tư làm sai lệch số tiền là 184 tỷ đồng và lãi vay trong quá trình khai thác sai lệch số tiền 951 tỷ đồng để đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên tham gia hợp đồng.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoa yêu cầu Bộ GTVT chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt mở mới dự án không phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ; không làm rõ nhận định và ý kiến tham gia của Bộ Tài chính… Mọi kết quả điều chỉnh  báo cáo về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 31-3-2018.

Gần 1.800 phương tiện được miễn, giảm phí qua Trạm BOT Điện Bàn

Ngày 9-1, ông Nguyễn Nho Toàn, Trạm trưởng Trạm thu phí BOT Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cho biết, từ ngày 1-2-2018, có gần 1.800 phương tiện sẽ được miễn, giảm phí qua trạm theo quy định. 

Cụ thể, có 852 xe được miễn 100% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các xe dưới 12 ghế ngồi; xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của các cá nhân, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn 3 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, thuộc thị xã Điện Bàn; xe ôtô của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và của thị xã Điện Bàn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm. 

Bên cạnh đó, 926 xe được giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn của các cá nhân, hộ gia đình có hộ khẩu thường trú trên địa bàn thị xã Điện Bàn, ngoài phạm vi 3 xã trên. (N.THI)

Trạm BOT Sóc Trăng đóng - mở liên tục

Ngày 9-1, tại trạm BOT Sóc Trăng, tình trạng căng thẳng tiếp tục diễn ra khi trạm thu phí trở lại. Nhiều xe tải, xe ôtô con đã phá giải phân cách, chiếm làn xe máy để lưu thông. 

Theo đó, khi trạm BOT Sóc Trăng thu phí trở lại, các tài xế lại phản đối, tình trạng kẹt xe đã diễn ra. Nhiều người đi xe máy phải “vọt” lên lề tìm cách qua trạm. Có lúc trạm BOT Sóc Trăng đóng 1 làn xe và thu phí các làn xe khác. 

Đến 13h30 trưa cùng ngày, trạm BOT Sóc Trăng lại phải xả trạm. (Đ.Văn)

Đặng Nhật
.
.
.