Không cổ súy hành vi cố tình trả tiền lẻ, tiền xu để phản ứng với trạm BOT của tài xế

Thứ Năm, 14/09/2017, 08:30
Việc phản ứng của nhiều tài xế đối với trạm thu phí BOT Biên Hòa đặt trên địa bàn huyện Trảng Bom, Đồng Nai bằng cách trả tiền lẻ, tiền xu khi mua vé diễn ra liên tiếp những ngày gần đây đã gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội.

Việc này lại được thực hiện vào đúng những khung giờ cao điểm buổi sáng và chiều càng khiến nhiều người dân bị ảnh hưởng đến công việc, giờ giấc đi làm, đi học.

Đặc biệt là tình trạng tài xế dùng tiền lẻ, tiền xu để trả phí qua lại trên cả 2 hướng của trạm BOT Biên Hòa vào 6 giờ sáng 12-9 đã dẫn tới kẹt xe kéo dài gần 2km, trong đó không chỉ có xe tải, mà hàng ngàn công nhân, học sinh cũng phải hứng chịu cảnh kẹt xe cả tiếng đồng hồ.

Kẹt xe nghiêm trọng trại trạm thu phí BOT Biên Hòa do tài xê dùng tiền lẻ.

Anh Trung, một công nhân làm việc huyện Trảng Bom, người đã phải hứng chịu cảnh kẹt xe ngày 12-9 bức xúc: “Phản ứng là việc của tài xế với chủ trạm BOT, sao bắt chúng tôi phải chịu vạ lây? Do đó xã hội cần phải lên án, tẩy chay hành động này.

Chị Nguyễn Thị Hằng, quê Thanh Hoá, là công nhân làm việc tại một KCN tại huyện Trảng Bom chia sẻ, thời gian qua chị có nghe tình trạng phản ứng của tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT tại một số địa phương. Nhưng khi phải chứng kiến cảnh này tại Đồng Nai mới cảm thấy quá ngán ngẩm. Bởi tình trạng này khiến chị và nhiều công nhân khác trễ giờ làm và bị công ty trừ tiền chuyên cần A, B, C cũng như tiền thưởng cuối năm.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Vân, một học sinh lớp 6 tại huyện Trảng Bom đã phải bật khóc khi trạm BOT Biên Hoà bị kẹt xe. Hỏi lý do, em cho biết không muốn vì mình đi học trễ mà cả lớp phải trừ điểm thi đua hằng tuần rồi xếp hạng thấp, cũng như ảnh hưởng tới bài học và bị đánh giá về hạnh kiểm cá nhân không tốt vào cuối học kỳ.

Với đa số người dân, kể cả những người nghèo thì các loại tiền xu, tiền giấy có mệnh giá thấp như 200, 500 đồng từ nhiều năm qua đã không còn xuất hiện trong túi, trong bóp. Dù những loại tiền lẻ này vẫn đang lưu thông, nhưng giá trị không mua nổi bó rau muống nên không còn ai muốn cất giữ.

Từ đó, nhiều năm qua, các loại tiền mệnh giá thấp dần được luân chuyển vào ngân hàng, số lượng còn lưu thông ngoài xã hội ngày càng ít và hiếm dần. Nhưng lợi dụng việc dùng tiền lẻ để trả phí không thể xử lý, một lượng tiền lẻ rất lớn đã bỗng nhiên được các tài xế cầm trong tay. Không gì khác hơn ngoài mục đích dùng tiền lẻ để trả phí khi qua trạm BOT chỉ nhằm kéo dài thời gian qua trạm.

Nhiều tài xế cùng làm việc này trong một thời điểm, kẹt xe xảy ra là điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Song, theo một luật sư ở TP Hồ Chí Minh thì tài xế có nhiều cách để phản ứng với chủ sờ hữu trạm thu phí BOT như khiếu nại, thậm chí là khởi kiện ra tòa về mức phí hoặc những bất hợp lý của trạm thu phí. Chứ không thể dùng cách phản ứng tiêu cực, vì lợi ích cá nhân của mình mà gây cản trở đến kinh tế - xã hội và gây mất ANTT như vậy được.    

Cùng cách nhìn này, ông Nguyễn Văn Huy, một cán bộ hưu trí tại TP Biên Hòa cho hay, chiều 9-9, ông đi từ Biên Hoà về dự đám cưới người bà con tại huyện Trảng Bom. Khi đi qua khu vực trạm thu phí BOT Biên Hoà, gặp phải tình trạng kẹt xe kéo dài và phải mất gần 30 phút ông mới qua được khu vực này. Bản thân ông rất bức xúc khi nghe nói kẹt xe là do tài xế cố tình dùng tiền lẻ, tiền xu loại 200, 500 đồng để thanh toán phí qua trạm.

Theo ông Huy thì đây là cách phản ứng có phần thiếu văn hoá, thiếu đạo đức của nhiều tài xế. Bởi vẫn còn nhiều cách để phản ứng có văn hoá mà không ảnh hưởng tới ai, chứ không phải chỉ có kiểu cố tình dùng tiền lẻ để câu kéo thời gian qua trạm.

Không riêng gì người dân mà chính những tài xế khác cũng tỏ ra sự không đồng tình với việc tài xế phản ứng đặt trạm theo cách trên. Anh Nguyễn Bá Hùng, một tài xế chuyên chở hàng Bắc - Nam cho rằng, tài xế cố tình dùng tiền lẻ thanh toán phí qua trạm đã gây ra những phiền toái đến người khác là không chấp nhận được.

Theo anh Hùng, kẹt xe kéo dài khiến nhiều tài xế phải tốn thêm xăng dầu nổ máy xe đợi chờ, trong khi đã có định mức khoán. Nghiêm trọng hơn là chậm giờ giao hàng khiến nhiều công nhân công ty ngồi chơi vì chưa có nguyên liệu sản xuất… Nhưng lý do kẹt xe là do chính giới tài xế tạo ra thì nhiều tài xế khác cũng thấy xấu hổ lây.

Theo một nhân viên của trạm thu phí, nếu như bình thường mỗi xe qua trạm chỉ mất khoảng 30 giây là có thể hoàn thành các thủ tục trả tiền, lấy vé. Nhưng khi tài xế cố tình dùng tiền lẻ, tiền xu để trả phí, một xe phải mất từ 3 đến 5 phút, thậm chí là nhiều hơn mới có thể cho xe qua trạm. Do nhiều tài xế nối đuôi xe nhau dùng tiền lẻ thanh toán nên chỉ giải quyết được khoảng 10 lượt xe là tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài.

Từ thực tế trên, người dân đề nghị chính quyền cơ sở huy động cả xã hội cùng vào cuộc tẩy chay, lên án hành vi cố tình dùng tiền lẻ để phản ứng với trạm BOT của tài xế. Đồng thời ngân hàng và cơ quan Công an các địa phương cần khẩn trương truy tìm nguồn cung cấp số lượng lớn tiền lẻ từ đâu; người cung cấp, người đổi tiền tiền lẻ và cả người cổ súy, kích động tài xế đồng loạt trả phí bằng loại tiền này vào giờ cao điểm là ai… để làm căn cứ xử lý nghiêm trước pháp luật.

Bảo Sơn
.
.
.