Không chủ quan với tai nạn giao thông mùa lễ hội

Chủ Nhật, 25/02/2018, 09:17
Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, mặc dù số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong dịp Tết Nguyên đán 2018 có giảm so với năm 2017, thế nhưng, TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết vẫn ở mức cao...


Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong dịp lễ hội chúng ta không thể lơ là, chủ quan, nếu không TNGT có thể xảy ra và gia tăng bất kỳ lúc nào.

Tới đây CSGT và các lực lượng chức năng cần xử lý mạnh tay các hành vi lái xe vi phạm phổ biến như: Uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách...

Ông Khuất Việt Hùng cho biết, nguyên nhân TNGT tăng cao trong dịp lễ, Tết do nhu cầu đi lại của người dân tăng. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu khiến TNGT trong dịp Tết diễn biến phức tạp và khó kiểm soát là tình trạng sử dụng rượu bia. Điển hình như vụ TNGT liên hoàn giữa 2 ôtô và xe máy xảy ra trên QL1 đoạn qua xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngày 3 Tết khiến 9 người bị thương, hay nhiều vụ khác mà sau khi vào viện, qua xét nghiệm máu bác sĩ đã phát hiện dương tính với chất cồn.

Cán bộ CSGT đang kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.

Tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết, cộng với tâm lý “Tết mà” của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên, ở các địa bàn nông thôn, đã khiến cho người điều khiển phương tiện dễ dàng vi phạm các quy tắc về ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, quá tốc độ, chở quá số người quy định.

“Trong mấy ngày Tết vừa qua, tôi trực tiếp thực địa một số tuyến giao thông ở các địa phương và nhận thấy tình trạng phổ biến là người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng rượu bia, đi xe máy không đội MBH, chở quá số người cho phép. Thật buồn khi số nạn nhân TNGT được cấp cứu tại một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tăng hơn nhiều so với Tết năm trước”, ông Hùng chia sẻ.

Qua xét nghiệm máu của 130 nạn nhân TNGT tại Bệnh viện Việt Đức, có đến 55 trường hợp dương tính với chất cồn, với nồng độ cao hơn mức cho phép, trong đó có cả nữ giới. Con số này cũng chưa phản ánh đúng thực tế, bởi có những nạn nhân từ địa phương xa chuyển đến, cấp cứu không kịp thời, rất lâu sau khi tai nạn xảy ra mới lấy máu xét nghiệm nên khó xét nghiệm được chất cồn.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc nhiều người tham gia giao thông kém ý thức chấp hành pháp luật giao thông, còn có nguyên nhân do lực lượng chức năng còn tâm lý nể nang, xuê xoa nên không kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông trong mấy ngày Tết.

Để đảm bảo ATGT sau Tết, nhất là trong mùa lễ hội, theo ông Khuất Việt Hùng, chúng ta phải đảm bảo hoạt động vận tải phục vụ người dân tại các đô thị đi về các vùng quê đảm bảo ATGT. Phải kiện toàn, chỉnh trang lại hạ tầng giao thông biển báo, vạch sơn, chiếu sáng phải đầy đủ. Thứ nữa, là phải đảm bảo công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, không chỉ tập trung ở thành phố mà cả khu vực nông thôn.

Ngày Tết ở thành phố rất vắng còn vùng nông thôn lại đông, giao thông phức tạp, cho nên Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường lực lượng cấp tỉnh, huyện, xã để làm sao đảm bảo lực lượng khép kín địa bàn, người dân thấy hoạt động kiểm tra, kiểm soát thì ý thức tốt hơn.

Cùng đó, tới đây phải tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật  đặc biệt là tuyên truyền người dân khi đã uống rượu bia thì không lái xe. Trên thực tế, nhiều người vi phạm nghĩ phải uống nhiều rượu bia mới có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Thế nhưng, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10 gram cồn. Một đơn vị này tương đương một ly rượu mạnh (40 độ, 30ml); một ly rượu vang (13,5 độ, 100ml); một vại bia hơi (330ml); 2/3 chai (lon) bia (330ml).

Như vậy, mỗi người chỉ được uống từ một đến một lon rưỡi bia trước khi tham gia giao thông để tránh bị phạt. Tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu/hơi thở còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của mỗi người. Trao đổi với phóng viên, lực lượng CSGT cho biết, theo quy định: Với người điều khiển ôtô, khi bị kiểm tra, nếu nồng độ cồn từ 50 đến 80 miligam/100 mililít máu (hoặc quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở), người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt 7 - 8 triệu đồng, treo bằng lái 3 - 5 tháng.

Đặc biệt, nếu người lái xe ôtô có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc cao hơn 0,4 miligam/lít khí thở) sẽ bị phạt 16 - 18 triệu đồng, tước bằng lái 4 - 6 tháng. Với người điều khiển xe máy: Người lái xe máy sẽ bị phạt tiền từ một triệu đồng đến 2 triệu đồng, nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở), hình phạt bổ sung là tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng. Phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng đối với người đi xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu (hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở), đồng thời bị thu bằng lái xe từ 3 đến 5 tháng.

Phạm Huyền
.
.
.