Khó xử phạt người đi bộ sai luật
- Hà Nội xử phạt hơn 500 người đi bộ vi phạm Luật giao thông
- Xử phạt 77 người đi bộ mang vác vật cồng kềnh
Báo cáo của Ban An toàn giao thông TP HCM, trong năm 2015, tại thành phố này xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ đi không đúng luật khiến 50 người tử vong. Khi nhìn vào số liệu này mới thấy, việc người đi bộ không đúng luật cũng gây ảnh hưởng rất lớn trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để người dân đi đúng luật cũng thật khó bởi ý thức chấp hành luật của người đi bộ hiện nay quá kém và nếu muốn đi đúng luật người dân cũng khó có thể thực hiện bởi lề đường, lòng đường bị chiếm dụng…
Thực tế mà chúng tôi ghi nhận, tình trạng người đi bộ băng ngang đường vẫn xảy ra hằng ngày. Tại xa lộ Hà Nội (đoạn trước khu du lịch Suối Tiên, quận 9) mặc dù cây cầu bộ hành được xây dựng khang trang nhưng người dân tại khu vực này vẫn chọn cách… băng ngang đường rồi trèo qua con lươn đi sang phía đối diện. Khu vực này có lượng xe tải, xe đầu kéo lưu thông với lưu lượng cao nên khi người đi bộ băng ngang đường, tài xế các phương tiện khó quan sát và dễ dẫn đến tai nạn.
Tài xế Nguyễn Thanh Trung chạy xe đầu kéo thường xuyên trên tuyến đường này cho hay, nhiều khi người đi bộ bất chấp nguy hiểm băng trước đầu xe khiến tài xế khó xử lý vì xe chở nặng, cồng kềnh, có thắng cũng không kịp.
Xe cộ lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. |
Tại tuyến quốc lộ 1, đoạn từ cầu vượt Sóng Thần đến cầu vượt Bình Phước (Thủ Đức) mặc dù dải phân cách đã được rào chắn nhưng nhiều công nhân tại khu vực này vẫn khoét lỗ của hàng rào rồi băng qua đường chui qua hàng rào để về phía đường đối diện.
Cũng tại vị trí này, hồi tháng 2-2015, ông Nguyễn Văn Đức (69 tuổi) đi bộ băng ngang đường bị xe tải tông tử vong. Hay anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1978, quê quán An Giang) vừa nghe điện thoại vừa băng qua đường bị xe tải cán chết. Các vụ tai nạn thiệt hại về người liên tục xảy ra nhưng người đi bộ vẫn bất chấp băng ngang đoạn đường nguy hiểm này.
Mặc dù có hầm chui dành riêng cho hàng chục ngàn công nhân đi bộ lưu thông qua đường nhưng nhiều công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) vẫn chọn cách băng ngang quốc lộ 1 để… rút ngắn khoảng cách. Dãy phân cách cao nghệu nhưng công nhân vẫn tìm khe hở giữa hai đoạn phân cách bằng bê tông để chui qua bất chấp các phương tiện nặng lưu thông qua với tốc độ cao. Có nhiều chỗ người đi bộ bẻ bớt những song sắt của dải phân cách để chui qua.
Ông Trần Văn Hồng, một người chạy xe ôm ở khu vực này cho biết: “Có hầm đi bộ nhưng vì ngại xa nên họ vẫn đi bằng cách này cho tiện. Tui từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông ở đây rồi, chết có, bị thương cũng có. Rút ngắn khoảng cách tiện đâu không thấy chỉ thấy rút ngắn “cuộc sống” lại!”.
Ngay cả trong trung tâm thành phố nhiều người đi bộ vẫn ngang nhiên băng qua đường mặc dù làn đường dành cho người đi bộ chỉ cách họ vài mươi bước chân. Nhiều phương tiện khi lưu thông qua phải thắng gấp hay lách tay lái để tránh khiến chính họ gặp nạn.
Hình ảnh người đi bộ đi sai luật trên đường phố. |
Gặp chị Bùi Thị Thúy Hằng (nhà quận 8) đưa con đi khám dẫn con đi bộ dưới lòng đường Trương Định, quận 1, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao không đi trên lề đường mà đi dưới lòng đường dễ bị tai nạn, chị Hằng lắc đầu chỉ lên vỉa hè: “Muốn đi lên vỉa hè cũng đâu có được. Vỉa hè bị lấn chiếm để xe, buôn bán hết rồi lấy gì mà đi!”.
Tại một số tuyến đường như Lương Hữu Khánh, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Tân Hương (quận Tân Phú) và tại các tuyến đường có nhiều cửa hàng buôn bán thức ăn, đa phần vỉa hè bị lấn chiếm khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, những vụ TNGT do người đi bộ đi không đúng phần đường, sai vị trí, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao bởi họ muốn rút ngắn thời gian nên bất chấp nguy hiểm. Muốn không xảy ra các vụ TNGT trước tiên là phải bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông và chính quyền địa phương phải mạnh tay với việc lấn chiếm lòng lề đường để người có không gian đi bộ đúng luật.