Bộ GTVT họp khẩn, nhận trách nhiệm về tai nạn đường sắt liên tiếp trong 4 ngày

Thứ Hai, 28/05/2018, 20:51
Với 4 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong 4 ngày, chiều ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. 


Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: Hạ tầng đường sắt, toa xe đang lạc hâu, công nghệ chưa ứng dụng tốt nhất, chưa hiện đại. Vận tải đường sắt so với lĩnh vực khác đang yếu kém, nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ thì ai dùng đường sắt. 

Mặc dù Bộ liên tục chỉ đạo, nhưng 3-4 tháng nay, tình hình diễn biến phức tạp, chỉ trong vòng 4 ngày xảy ra liên tục 4 vụ tương đối nghiêm trọng. Đây là lỗi chủ quan của ngành đường sắt. 

Vụ tai nạn lật tàu.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khách quan của tai nạn là vi phạm ATGT phức tạp, số lượng lối đi tự mở nhiều 5.719 giao cắt đồng mức trong đó có 1.519 hợp pháp (654 có biển báo) còn lại là 4200 lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Còn nguyên nhân chủ quan là vi phạm không thực hiện quy trình tác nghiệp…

Không hài lòng với lý giải của ông Minh, Bộ trưởng gợi ý trước tiên cần làm đó là ổn định tâm lý cán bộ công nhân viên có lo ngại khi tàu tới và ra khỏi ga mới yên tâm hết trách nhiệm.

Sửa chữa các vị trí xung yếu của hạ tầng; trách nhiệm nội bộ điều tra ra sao, chọn 1 số vụ việc làm tới nơi tới chốn; tăng cường kiểm tra để nâng cao tinh thần trách nhiệm làm việc của cán bộ công nhân viên. 

Sau chỉ đạo của Bộ trưởng, ông Vũ Anh Minh cũng cho hay: “Ngày mai đơn vị sẽ đình chỉ các cá nhân liên quan trực hay gián tiếp đến các sự cố và xin nhận trách nhiệm, chịu mọi hình thức kỷ luật với Bộ trưởng Bộ GTVT”.

Hai tàu hàng đâm nhau ở ga Núi Thành (Quảng Nam)

Trong khi đó, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam lại cho rằng: Ở một số doanh nghiệp đường sắt xuất hiện người lao động thực hiện nhiệm vụ gác chắn đường ngang thu nhập thấp, nhưng trách nhiệm cao, do đó cần nâng lương cho họ. Bên cạnh đó, cần  rà soát các trung tâm cứu hộ cứu nạn đường sắt để đảm bảo tính chuyên môn hóa. Nói là vậy, song khi Bộ trưởng truy hỏi  hiện có bao nhiêu trung tâm đầu mối cứu hộ cứu nạn, ông Khôi lại không nắm được. 

Về phía Uỷ ban ATGT Quốc Gia, ông Khuất Việt Hùng nêu vấn đề: Hiện chúng ta có 60 người làm công tác thanh tra Cục Đường sắt là không ít.  Nếu trách nhiệm và không chịu ràng buộc thì sẽ triển khai làm tốt. Ngoài ra, nếu thực hiện gắn camera trên đầu máy thì phải đưa về trung tâm đó để giám sát, tại sao gắn camera rồi mà không phát hiện cụ thể chỉ rõ địa chỉ vụ việc vừa rồi xảy ra là lỗi ở khâu nào? 

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đặt câu hỏi: TNGT đường sắt vẫn xảy ra, nguyên nhân chủ quan nhưng chủ quan ở đầu thì vẫn chưa có câu trả lời. Luật Đường sắt tập trung thống nhất và đường sắt phải chịu trách nhiệm cao nhưng đang bị mòn đi, kỷ luật kỷ cương chưa tốt. Nếu không xử lý nghiêm thì chắc chắn sẽ còn tai nạn.

Vụ tai nạn tàu hoả đâm xe bồn xảy ra chiều ngày 27-5

Kết luân buổi họp, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm nội bộ từ Chủ tịch Hội đồng thành viên đến cán bộ, công nhân viên ngành đặc biệt liên quan các vụ tai nạn đường sắt vừa qua đồng thời rà soát kiểm tra kỹ các nguyên nhân dẫn đến tai nạn. 

“Vi phạm thì nguyên nhân vì sao, có phản ứng kịp thời không, những vụ nào công an vào cuộc thì chờ kết luận điều tra còn nội bộ Tổng công ty Đường sắt cần làm khẩn trương, trước mắt tạm đình chỉ công tác cá nhân liên quan để có thời gian suy ngẫm về trách nhiệm công việc thời gian qua và giám sát thực hiện nghiêm túc,” ông Thể yêu cầu. 

Nhấn mạnh tình hình tai nạn giao thông đường sắt kéo dài thì uy tín Tổng công ty Đường sắt sẽ bị ảnh hưởng, do đó, theo Bộ trưởng Thể, các cá nhân phải có trách nhiệm với Nhà nước và xã hội, mọi hoạt động phải đi vào khuôn khổ.   

“Bộ Giao thông Vận tải không bao che cho các đồng chí không làm tròn trách nhiệm, vi phạm và không hoàn thành nhiệm vụ,” Bộ trưởng quả quyết.


Phạm Huyền
.
.
.