Hàng không Việt Nam: Áp lực hạ tầng vẫn là bài toán khó

Thứ Năm, 12/12/2019, 07:18
Ngày 11-12, Bộ GTVT đã tổ chức buổi toạ đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” với sự tham gia của các hãng hàng không, cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia kinh tế đến từ trong và ngoài nước.

Một trong những vấn đề được mọi người quan tâm là liệu hàng không Việt Nam đang phát triển “nóng” thì vấn đề an toàn liệu có được đảm bảo? Trong khi hạ tầng chưa đáp ứng được thì việc ra đời của các hãng hàng không mới có là cần thiết?

90 triệu dân, mới có 200 máy bay

Trước câu hỏi hàng không Việt Nam có phát triển “nóng” không, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - chia sẻ, về thị trường, từ 2008 - 2019 chúng ta tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyển của chúng ta tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. 

Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần. Tốc độ tăng trưởng như vậy là nhanh nhưng hợp lý. Đi đôi với tăng trưởng, công tác đảm bảo an ninh an toàn giữ vững. Chúng ta đang bước sang năm thứ 24 an toàn tuyệt đối, không nhiều quốc gia có chỉ số tốt như chúng ta.

Về phía hãng hàng không, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc VietJet cho biết, đất nước ta hiện có gần 100 triệu dân, máy bay 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 máy bay, so sánh với Malaysia, Thái Lan, số này còn rất khiêm tốn, nghĩa là nhu cầu tăng trưởng còn rất nhiều. “Vấn đề đặt ra chỉ là làm thế nào chúng ta duy trì được tăng trưởng bền vững, an toàn, lành mạnh”, ông Phương nêu.

Ở góc độ khác, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định: “Thực trạng tăng trưởng cao chắc chắn đã và đang tạo ra khó khăn, đặc biệt áp lực về hạ tầng. Tốc độ tăng trưởng cao khiến chuyến bay kéo dài, ảnh hưởng tới chất lượng và chi phí kinh tế. Do đó, chúng tôi mong muốn hạ tầng đáp ứng kịp tốc độ phát triển. 

Những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ phát triển hàng không có thể lên tới 30-40% nhưng trên nền tảng xuất phát thấp. Còn hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo người lái cũng phải mất 5-6 năm/người, nhanh nhất cũng phải mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí”.

Một phần sân bay Nội Bài.

Sân bay Tân Sơn Nhất không thể “nóng” hơn được nữa

Trước áp lực về hạ tầng, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - ACV bày tỏ: “Chúng tôi nhận thức rõ, không được phép để thị trường chạy theo năng lực, mà năng lực phải đi trước đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm nay, năng lực để cấp cho các hãng bay thêm ở Tân Sơn Nhất chỉ tăng 2 - 3%. Do đó, tăng trưởng của Tân Sơn Nhất chỉ khoảng 5%. Rất tiếc Tân Sơn Nhất không thể nóng hơn được nữa vì vấn đề hạ tầng, vấn đề kiểm soát an toàn khai thác. 

Từ năm 2012 đến nay, công suất thiết kế toàn hệ thống mạng cảng là 45 triệu khách/năm, đến 2019 là thành 112 triệu/khách năm. Sản lượng hành khách thông qua năm 2012 là 38 triệu, năm 2019 dự báo khoảng 115,8 triệu lượt hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không. Bên cạnh đó, như Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói là chúng ta đạt được an ninh an toàn tuyệt đối. Như vậy có nghĩa là nóng nhưng trong tầm kiểm soát”.

Giải quyết bài toán hạ tầng, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế thì hạ tầng là vấn đề nhà nước cần giải quyết. Và để giải quyết, chúng ta cần chỉ rõ điểm nghẽn là gì, chung chung không được. Hạ tầng hàng không hiện đang tắc nghẽn ở đâu, chủ yếu là ở Tân Sơn Nhất. Chúng ta đã có kế hoạch 3-4 năm mở rộng ra, điểm nghẽn này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của hàng không mà ảnh hưởng đến tăng trưởng du lịch và từ đó sẽ kéo theo nhiều thứ khác. Như điểm nghẽn Tân Sơn Nhất, tại sao 3 năm rồi chúng ta không làm được gì? Nếu cần giải quyết nhanh thì có thể không thể dùng giải pháp truyền thống, cần có giải pháp phi truyền thống”. 

Cùng tham dự buổi toạ đàm, GS Nawal Taneja - một chuyên gia hàng không đến từ Mỹ - chia sẻ: “Theo tôi nghiên cứu thì hàng không Việt Nam ba năm gần đây có tiềm năng to lớn, tốc độ tăng trưởng cực kỳ nhanh”. Liên quan đến các áp lực về hạ tầng, GS Nawal nhấn mạnh, các hãng bay “vẫn phải xoay xở cải thiện cho đến khi hạ tầng cải thiện”.

Phạm Huyền
.
.
.