Mở cửa bầu trời ASEAN, hàng không Việt Nam được lợi gì?

Chủ Nhật, 17/11/2019, 07:21
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội, chủ nhà Việt Nam và các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc hiệp định thư số 3 liên quan đến mở rộng vận tải hàng không. Đại diện các hãng bay của Việt Nam đều có mặt tại sự kiện quan trọng này vì đây là cơ hội cho hàng không Việt "phủ sóng" trên vùng trời rộng lớn của quốc gia đông dân nhất thế giới.


Trao đổi với phóng viên về những mặt tích cực và thách thức sau khi  khối các nước ASEAN “mở cửa bầu trời”, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, năm 2015, ASEAN quyết định thành lập thị trường hàng không chung. Hai nội dung chính của thị trường hàng không chung là mở cửa bầu trời trong các nước ASEAN và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, an toàn, khai thác cảng và điều hành bay.

Trong chiến lược mở cửa bầu trời, ASEAN chú trọng tự do hóa quyền vận chuyển, tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không (sau khi ký hiệp định thư số 11, Việt Nam đã tham gia 9/13 gói dịch vụ vận tải, nằm trong những nước cam kết nhiều nhất). Trung Quốc là đối tác đầu tiên trong 5 đối tác của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU) ký hiệp định khung tự do hóa vận chuyển.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài.

Lần này, sau 2 ngày làm việc, các Bộ trưởng đã ký kết các nghị định thư về dịch vụ vận tải hàng không nhằm tự do hóa các dịch vụ phụ trợ hàng không trong khu vực; nghị định về mở rộng quyền vận chuyển giữa ASEAN - Trung Quốc, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

Có thể nói, nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển (thương quyền) thứ 5 sẽ tăng cường kết nối hàng không giữa ASEAN và Trung Quốc, qua đó thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, đầu tư, kinh tế và xã hội. Với gói cam kết này, các nước ASEAN có quyền bay sang 36 điểm của Trung Quốc và khai thác hành khách, hàng hóa từ Trung Quốc đến các nước thứ 3.

Còn Trung Quốc có quyền bay sang 18 điểm của ASEAN. Giờ đây, máy bay của Vietnam Airlines hay VietJet có thể đưa khách sang 36 điểm của Trung Quốc, sau đó bắt khách từ Trung Quốc đi nước thứ 3, điều mà trước đây rất hạn chế. Theo Cục trưởng Hàng không, đây là cơ hội rất lớn để mở rộng dịch vụ hỗ trợ vận tải. Các quốc gia có thể mở rộng thị trường, tạo thêm nhà cung cấp dịch vụ, qua đó tăng chất lượng, hạ giá thành.

Vị này thông tin thêm, hiện nay, ASEAN coi Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất với số lượng chuyến bay khổng lồ đến nước này. Riêng Việt Nam đã có hàng trăm chuyến mỗi ngày. Đối với chúng ta và các nước  ASEAN, năm 2019 có khoảng 30 triệu hành khách đi lại, chiếm khoảng 38% tổng thị trường của chúng ta.

Hiện Trung Quốc là quốc gia có thị trường hàng không đứng thứ 2 đối với Việt Nam và tổng hành khách của Trung Quốc năm nay dự kiến đạt xấp xỉ khoảng 7 triệu khách. Việc thực hiện được gói cam kết với Trung Quốc sẽ tạo thêm điều kiện rất lớn cho các hãng hàng không bay đến Trung Quốc và mở rộng từ Trung Quốc đi các nước thứ 3.

Trong nghị định này, Việt Nam mới chỉ cho phép các hãng bay của Trung Quốc khai thác Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), chưa cho phép đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Điều này sẽ phần nào giảm áp lực về cơ sở hạ tầng tại 2 sân bay này cũng như sức ép cạnh tranh cho các hãng hàng không trong nước.

"Tất nhiên, việc mở rộng thị trường cũng tạo điều kiện cho các hãng Trung Quốc đến ASEAN và sang các nước thứ 3", ông Đinh Việt Thắng cũng lưu ý việc ký hiệp định thư sẽ tạo ra cơ hội cạnh tranh lớn. Do đó, các hãng hàng không của ASEAN sẽ phải nghiên cứu kỹ, tính toán các lộ trình khai thác thị trường.

"Tôi tin rằng các hãng đã sẵn sàng cho việc này. Hiện nay, 3 hãng của chúng ta có khoảng 260 chuyến bay đến Trung Quốc trong 1 tuần, nhiều hơn 10 hãng của Trung Quốc bay đến Việt Nam", ông Thắng thông tin.

Ngoài thông tin từ cơ quan chức năng, trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Hòa, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), chia sẻ: hãng đã có đường bay bao phủ hầu hết thị trường Trung Quốc, trong đó có 12 điểm thường lệ và 20 điểm thuê chuyến (trung bình 110 chuyến/tuần). Việc ký hiệp định số 3 sẽ tạo điều kiện lớn cho hãng tiếp tục quảng bá tại thị trường trọng điểm Trung Quốc.

Là hãng hàng không ra đời sau, đến nay chưa có cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay trong nước, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - Giám đốc dự án của Vietjet Air bày tỏ sự vui mừng khi đón nhận kết quả của Nghị định thư số 11 về việc mở rộng việc tự do hoá các dịch vụ  cung cấp cho kỹ thuật máy bay.

“Từ trước đến nay VJ đã có hợp tác chặt chẽ với Thái Lan, Singapore, Malaysia trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng sau này chúng tôi sẽ đạt được những thuận lợi hơn nữa trong việc bảo dưỡng đội máy bay ngày càng lớn mạnh của mình”, ông Tùng chia sẻ.

Khi nhắc đến việc VJ sẽ tận dụng cơ hội mở đường bay đến Trung Quốc như thế nào, vị Giám đốc dự án của Vietjet Air đáp: “Với Nghị định thư số 3, chúng tôi đón nhận với tinh thần tích cực vì đối với VJ xác định, Trung Quốc là thị trường hàng không lớn, thị trường chiến lược của mình. Chúng tôi đã triển khai bay thị trường Trung Quốc được 5 năm rồi. Trong 5 năm qua chúng tôi đã bay tới 50 điểm đến của các thành phố của Trung Quốc. Nghị định số 3 về thương quyền 5 này không những mở rộng ra đối với việc bay đến thị trường Trung Quốc mà còn từ Trung Quốc có thể bay tới các điểm khác”.


Phạm Huyền
.
.
.