Hà Nội sẽ hết tắc đường vào năm 2030?

Thứ Bảy, 03/09/2016, 10:00
Theo đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì GTVT trong những năm tới là phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông cho thủ đô, khai thác không gian ngầm, không gian trên cao kết hợp với giao thông đường bộ là một trong những giải pháp nền tảng để giải quyết tổng thể bức tranh giao thông cho thành phố.

Thủ đô Hà Nội hiện có diện tích 3.344km², với 16.132km đường bộ, 400km đường thủy, chưa có đường sắt đô thị mà chỉ có các tuyến đường sắt quốc gia phục vụ giao thông liên tỉnh. Hệ thống hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải của Thủ đô đang bộc lộ nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ phát triển dân cư, kinh tế, xã hội. 

Vì vậy nhiều người dân đang kỳ vọng vào việc phát triển giao thông Hà Nội quy mô hơn, hiện đại hơn, đặc biệt sẽ chấm dứt cảnh ùn tắc sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công bố bản Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sẽ có khoảng 40 cầu, hầm vượt sông

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng 18 công trình đường bộ vượt sông Hồng trong khu vực Hà Nội, trong đó có 6 cầu đã xây dựng. Các cầu, hầm mới sẽ gồm cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (vành đai 4), cầu Thăng Long mới (vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc-QL5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc-Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh), cầu Việt Trì-Ba Vì để kết nối mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ trong khu vực TP Việt Trì. 


Người dân tìm hiểu về quy hoạch giao thông Hà Nội.

Bên cạnh đó, sẽ có 8 cầu qua sông Đuống, trong đó có 4 cầu hiện đang sử dụng, còn các cầu xây mới thêm sẽ gồm cầu Đuống mới (cầu đường bộ), cầu Giang Biên trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên sang Phù Đổng, cầu Mai Lâm (trên tuyến đường kéo dài từ quận Long Biên đến trục trung tâm Cổ Loa), cầu Ngọc Thụy (trên tuyến đường dọc đê tả sông Hồng). 

Đồng thời, với sông Đà, ngoài 3 cầu đang sử dụng thì sẽ có cầu Trung Hà mới trên tuyến cao tốc phía Tây, cầu Đồng Quang. 

Quy hoạch cũng chỉ rõ sẽ xây dựng một loạt cầu qua sông Đáy gồm cầu Thanh Đa (Tây Thăng Long), cầu Phùng (QL32), cầu Sông Đáy (Đại lộ Thăng Long), cầu Mai Lĩnh (QL6), cầu Đồng Hoàng (Hà Đông-Xuân Mai), cầu Hoàng Thanh (trục huyện Thanh Oai), cầu Mỹ Hòa (nối Mỹ Đức-Ứng Hòa), cầu Hòa Viên (nối Ứng Hòa-Chương Mỹ), cầu Sông Đáy (Đỗ Xá-Quan Sơn), cầu trên đường cao tốc Tây Bắc-QL5…

Hạ tầng đường bộ sẽ có thêm nhiều trục đường mới

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ đường giao thông tính trên diện tích đất xây dựng của Hà Nội sẽ đạt 20 - 26% tại đô thị trung tâm, 16 - 23% cho các đô thị vệ tinh, thị trấn; mật độ giao thông 4 - 6,5km/km²; mật độ mạng lưới vận tải đạt 2 - 2,5km/km²; giao thông tĩnh đạt 3 - 4%. Bởi vậy, việc quy hoạch hạ tầng đường bộ dường như được quan tâm hơn cả. Do đó, quy hoạch cũng phân rõ ra mạng đường bộ đối ngoại, mạng lưới đường ngoài đô thị, mạng lưới đường đô thị và các nút giao. 

Cụ thể, mạng đường bộ đối ngoại bao gồm đường cao tốc, quốc lộ và 2 vành đai liên vùng. Trong đó, quy hoạch cũng chỉ rõ sẽ xây dựng các đường cao tốc 4-8 làn xe song hành với các quốc lộ có lưu lượng lớn, theo các hướng: cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn; cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; cao tốc Hà Nội-Lào Cai; cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên; cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; cao tốc Nội Bài-Hạ Long; cao tốc Hà Nội-Hòa Bình; cao tốc Tây Bắc-QL5; đường Hồ Chí Minh. Đại lộ Thăng Long và Pháp Vân-Cầu Giẽ được quy hoạch là cao tốc đô thị. 

Các cao tốc hướng tâm được tính từ đường vành đai 3 trở ra. Các quốc lộ hướng tâm được tính từ đường vành đai 4 trở ra. Các đoạn từ vành đai 4 trở vào đô thị trung tâm được xác định là các trục chính đô thị. 

Bên cạnh đó, các đường vành đai giao thông liên vùng sẽ gồm xây dựng mới đường vành đai 4 với chiều dài khoảng 148km. Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ xây dựng đường vành đai 5 gồm các đoạn đi mới và các đoạn đi chung đường hiện tại với tổng chiều dài khoảng 375km, quy mô tối thiểu 4 làn xe, qua các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. 

Ngoài ra, quy hoạch cũng chỉ rõ sẽ xây dựng mới các trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với tổng chiều dài khoảng 90km, bao gồm các trục: trục Tây Thăng Long đoạn từ vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây khoảng 20km; trục Hồ Tây-Ba Vì đoạn từ vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc  khoảng 25km; trục Hà Đông-Xuân Mai đoạn từ vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai khoảng 20km; và trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên đoạn từ vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên khoảng 25km. 

Không dừng lại ở những tuyến cao tốc, đồ án quy hoạch cũng nhắc đến việc sẽ cải tạo và xây dựng mới 185 nút giao khác mức giữa các đường cao tốc, đường trục chính đô thị với đường ngang.

Với hệ thống đường sắt, Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt vành đai, đường sắt hướng tâm; tổ chức tuyến đường sắt nội vùng (sử dụng chung hạ tầng với đường sắt quốc gia) để kết nối với các đô thị có bán kính cách trung tâm Hà Nội 50-70km. Mạng lưới đường sắt đô thị có chín tuyến và sẽ được kéo dài tuyến để kết nối với đô thị vệ tinh. 

Các bến xe liên tỉnh dịch chuyển ra ngoài vành đai 3, xây dựng thêm nhiều bến mới để giải quyết tình trạng quá tải. Các bến trong nội đô sẽ được cải tạo, nâng cấp để phục vụ vận tải khách công cộng nội đô. Phát triển hệ thống giao thông thông minh…

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI là đơn vị lập đồ án quy hoạch, đột phá của giao thông vận tải trong những năm tới được đề cập đến trong quy hoạch này là phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông cho thủ đô. 

Theo ông Sơn, việc khai thác không gian ngầm, không gian trên cao kết hợp với giao thông đường bộ hiện tại là một trong những giải pháp nền tảng để giải quyết tổng thể bức tranh giao thông cho thành phố.

Người dân tìm hiểu về quy hoạch giao thông Hà Nội.
Phạm Huyền
.
.
.