'Grab và Uber taxi có nhiều ưu điểm, thuận lợi hơn'

Thứ Tư, 25/11/2015, 09:33
"Grab và Uber taxi có nhiều ưu điểm, thuận lợi hơn" là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ tại buổi tọa đàm “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” vào ngày 24-11. 


Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, qua hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thì sự quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn, giúp giảm chi phí trung gian không cần thiết, tạo lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp, đảm bảo trật tự ATGT…

Cạnh tranh khốc liệt nhưng phải đảm bảo lành mạnh

Thẳng thắn đi vào vấn đề, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải như Grab, Uber taxi cũng có nhiều ưu điểm, như giảm thời gian, giảm chi phí trung gian, giảm giá cước và khiến việc đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải có những bất cập nhất định. 

Cụ thể với loại hình taxi thì đối tượng phải là tổ chức, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, phục vụ hành khách tốt nhất, an toàn nhất. Ở đây thì chưa đáp ứng điều kiện đó, mà một số xe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn trong vấn đề kinh doanh, tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Việc đón trả khách không đúng quy định cũng gây ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm ở một số thành phố lớn. 

Để mở rộng mạng lưới, Grab taxi đã hợp tác với 14 hãng taxi tại Hà Nội.

Tháng 7-2015, Công ty Grab taxi có một văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép ứng dụng phần mềm này để thực hiện vấn đề kết nối giữa hành khách và các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực taxi, lĩnh vực kinh doanh theo hợp đồng. 

Tháng 10-2015, Chính phủ đã có văn bản chính thức để cho công ty này thực hiện thí điểm. Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức triển khai, nhưng để thực hiện được việc này cần lên kế hoạch tổ chức triển khai, giám sát chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của địa phương, của các đơn vị. Bộ GTVT đã giao cho các cơ quan chức năng của Bộ kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vấn đề này, làm sao thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực GTVT hành khách. 

Trước câu hỏi việc Chính phủ đồng ý cho Grab taxi thực hiện đề án thí điểm liệu có tạo sự bất bình đẳng cho các đơn vị khác? 

Thứ trưởng Thọ cho rằng, vấn đề ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải taxi lâu nay không ai nghĩ, không ai làm, đến nay mới có Grab đề xuất kiến nghị làm. Từ thực tiễn vừa qua, để áp dụng đồng bộ và vì đây là cái mới nên cần thí điểm để đánh giá kỹ lưỡng xem chúng ta được gì, chưa được gì. 

“Tôi nhắc lại, đã là kinh doanh vận tải hành khách phải có điều kiện, có tổ chức. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt nhưng phải đảm bảo lành mạnh, hiệu quả hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

“Không có chuyện tự ý tăng giá được”

Liên quan đến việc quản lý giá cước của Grab taxi hay Uber, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Trong trường hợp này cần phân biệt rõ, có sự quản lý giá của Nhà nước với taxi và xe hợp đồng. Theo Thông tư 152 kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải kê khai giá cước. Tuy việc định giá cước là quyền của DN, nhưng trong thời gian 5 ngày DN phải có hồ sơ giá cước và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý và sau 5 ngày không có phản hồi, mới được áp dụng. Vì vậy, nếu như phần mềm sử dụng đối với taxi như Uber mà thay đổi giá xoành xoạch là vi phạm Thông tư 152. 

Cho nên có những trường hợp như Grab sử dụng phần mềm đưa vào taxi đã đăng ký kinh doanh vận tải, có đủ điều kiện, xe có phù hiệu, lái xe có đủ bằng cấp, khi thực hiện kết nối xong, họ hoàn thành xong nhiệm vụ. Sau đó, hành khách đi xe vẫn nhìn đồng hồ tính tiền và trả tiền mặt như thế mới đúng. Như vậy, không có chuyện tự ý tăng giá được vì muốn tăng thì phải kê khai với cơ quan quản lý nhà nước và 5 ngày sau mới được thực hiện. 

Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì khác. Thông tư 152 lại quy định việc DN có phải kê khai giá hay không là do UBND tỉnh, thành đó có thấy cần thiết hay không. Vì vậy, khi đã không kê khai giá, Grab đưa phần mềm của họ vào DN vận tải theo ngày, theo mùa là quyền của họ, nhưng khi Grab điều chỉnh mức lên xuống đó, không phải do Grab mà do chính các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh, vì đây là quyền của đơn vị kinh doanh vận tải. Người ta chỉ thông qua phần mềm của Grab để thể hiện giá đó thôi. Về hợp đồng, không phải người lái xe ký hợp đồng với Grab mà họ đang đăng ký thông qua phần mềm với đơn vị kinh doanh vận tải. Đó là điều rất khác nhau. 

Ngoài vấn đề quản lý giá, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT nêu ý kiến: "Hiện chúng tôi không có căn cứ xác định khi triển khai Grab taxi thì gây ùn tắc, không  có gì cho thấy khi áp dụng 1 phần mềm ứng dụng thì nhu cầu taxi sẽ tăng lên để có thể gây ùn tắc. Đây chỉ là phần mềm các doanh nghiệp áp dụng để kinh doanh, không có căn cứ chứng minh số lượng phương tiện tăng lên. Bởi bản tính khách hàng của chúng ta hiện nay bắt xe dọc đường rất nhiều, taxi đứng giữa đường tạt ngang tạt ngửa gây ùn tắc. Dùng phần mềm Grab có lộ trình cụ thể, điểm đón cụ thể, thuận lợi cho người sử dụng. Chúng ta cần nhân rộng ứng dụng này cho các hãng taxi truyền thống để tạo nên hệ thống vận tải thông minh như các nước hiện nay".

Chốt lại vấn đề, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ: "Ứng dụng CNTT trong kinh doanh taxi là xu thế mới. Từ đánh giá kết quả và thấy rằng đây là hướng đi đúng, thì dứt khoát các đơn vị kinh doanh taxi, hợp đồng hay các đơn vị kinh doanh vận tải khác sẽ chuyển đổi mô hình quản lý và phải ứng dụng các CNTT vào quản lý. Xu thế này sẽ kéo mô hình taxi truyền thống có sự chuyển đổi nhanh. Tôi tin thời gian tới các đơn vị, các doanh nghiệp, HTX sẽ quan tâm hơn và đổi mới phương thức kinh doanh vận tải của họ, tạo sự hài lòng, sự an toàn của người dân và giảm được chi phí trung gian".

Trước câu hỏi, khi tai nạn xảy ra, liệu Grabtaxi hay Grabcar có chịu trách nhiệm gì với hành khách hay không? 

Đại diện của đơn vị này cho hay, theo quy định ký kết với đơn vị kinh doanh vận tải (chủ xe), thì Grab không chịu trách nhiệm. Đơn vị vận tải sẽ phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật, bao gồm bảo đảm an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp cho hành khách, chất lượng xe, biển hiệu và phù hiệu xe, chất lượng lái xe, chất lượng dịch vụ vận tải (Nghị định 86 và Thông tư 63). 

Grab taxi là một công ty công nghệ thông tin, cung cấp các giải pháp “vận tải thông minh” giúp kết nối khách hàng và đơn vị vận tải, do đó, sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng phần mềm kết nối và có nghĩa vụ phối hợp với đơn vị vận tải giải quyết các khiếu nại của khách hàng thuộc trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định của pháp luật.

Phạm Huyền
.
.
.