Giành lại vỉa hè cho người đi bộ: Ồn ào và lặng lẽ

Thứ Ba, 07/03/2017, 09:13
Dù cách làm ồn ào hay lặng lẽ thì việc giành lại vỉa hè là đúng và cần thiết. Chúng ta hy vọng vào một ngày không xa, Hà Nội và TP HCM sẽ vừa trật tự, văn minh vừa có “quán cóc liêu xiêu một câu thơ…” bởi cách làm có tầm, có tâm.


Trong cấu trúc của hệ thống giao thông đô thị, vỉa hè là để cho người đi bộ. Thế nhưng, tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, suốt một thời gian dài, người đi bộ bị… đẩy xuống lòng đường. Việc người đi bộ bị “cưỡng bức” vi phạm Luật Giao thông đường bộ thật là vô lý. 

Thế mà đã có lúc để nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp của người đi bộ, người ta đã thí điểm xử phạt họ. Trong một xã hội pháp trị, sai bị xử phạt là đương nhiên. Nhưng đằng sau câu chuyện xử phạt người đi bộ có cái gì đó gờn gợn… Và hôm nay, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ đang dần hóa giải cái gờn gợn đó.

Những điểm lấn chiếm được lực lượng chức năng quận 1 xử lý.

TP Hồ Chí Minh mà tâm điểm là quận 1 “nổ phát súng đầu tiên”. Ai từng đến thành phố này hoặc quan tâm đến nơi đây đều biết câu, “ăn quận 5, ngủ quận 3, xa hoa quận 1…”. Thương hiệu của quận 1 không chỉ là quận trung tâm mà còn là linh hồn của hòn ngọc viễn đông một thời. 

Cái cách mà quận 1 đang làm để giành lại vỉa hè vừa nóng bỏng, vừa quyết liệt. Nó lập tức hứng chịu hai luồng dư luận. Số ủng hộ thì cho rằng, cái cách “dám làm, dám chịu” là đáng hoan nghênh. Nhưng số không ủng hộ thì cho rằng, chưa bài bản và kín kẽ. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực thì thấy rõ rằng, việc có người dám đương đầu trước một vấn đề đã tồn tại lưu cữu, gai góc là rất đáng hoan nghênh.

Chẳng thế mà những ngày qua, tên tuổi và hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 rất được quan tâm và… hâm mộ. Điều này không chỉ thấy trên các trang báo chính thống mà trên mạng xã hội, có rất nhiều “tút” (status) bày tỏ sự đồng lòng với cách làm của ông. Không chỉ vậy, có những người còn lập nhóm ủng hộ ông Hải trên mạng xã hội.

Tại Hà Nội, ngày 10-3, các quận, huyện mới đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, những thông tin về “cuộc chiến” này bắt đầu nóng từ ngày 4-3, khi Chủ tịch UBND thành phố công bố tình trạng những người có chức, có quyền “chống lưng” cho các quán bia hơi vỉa hè, các điểm trông giữ xe... Dư luận hoan nghênh khi Chủ tịch UBND thành phố thẳng thắn nêu ra con số hơn 180 quán bia thì có tới 150 quán có người “chống lưng”. 

Không chỉ dừng lại ở đây, chính Chủ tịch Nguyễn Đức Chung còn thẳng thắn tuyên bố sẽ chỉ ra vị Chủ tịch, Bí thư nào đứng sau các bãi trông xe, các khu vực nóng quanh bến xe... Việc biết rõ từng chi tiết như mỗi phường có bao nhiêu quán nước, hàng sửa xe, quán bia, điểm trông xe… đến việc chỉ rõ vai trò của Trưởng Công an, Chủ tịch cấp phường, quận cho thấy người đứng đầu thành phố biết rõ bệnh và cách trị bệnh.

Hà Nội đã 3 năm liên tục thực hiện năm văn minh đô thị và kết quả là… chưa văn minh. Việc lập lại trật tự đô thị không phải chỉ là sự hô hào, phát động chung chung mà cần hành động. Trước áp lực về bài toán giao thông ở nội đô tại các thành phố lớn, việc lập lại trật tự đô thị là một trong những giải pháp cần thiết để hóa giải. Cùng với việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ, bài toán về mưu sinh cho người nghèo đô thị cũng cần quan tâm. 

Ý kiến của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư TP Hội An (Quảng Nam) khi cho rằng, ban ngày vỉa hè dành cho giao thông nhưng vào ban đêm, vỉa hè vẫn được sử dụng để kinh doanh hay ở trên vỉa hè vẫn cho tồn tại những gánh hàng rong có lẽ khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Dù cách làm ồn ào hay lặng lẽ thì việc giành lại vỉa hè là đúng và cần thiết. Chúng ta hy vọng vào một ngày không xa, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ vừa trật tự, văn minh vừa có “quán cóc liêu xiêu một câu thơ…”  bởi cách làm có tầm, có tâm.

Cao Hồng
.
.
.