Cung đường tử thần ở Bình Thuận

Thứ Hai, 30/05/2016, 09:46
Trên 50km quốc lộ này thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào rạng sáng 22-5 làm 13 người chết và 39 người bị thương, khiến cả nước bàng hoàng. Ngoài lỗi do người điều khiển phương tiện, thì kết cấu hạ tầng yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân.

Bình Thuận là địa phương có tuyến quốc lộ 1A đi qua dài nhất cả nước với 178,5km. Năm ngoái, đoạn phía Bắc qua Bình Thuận đã hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp. Tuy nhiên, còn gần 50km ở phía Nam vẫn chưa được mở rộng do nằm trong quy hoạch chờ dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Khúc cua nguy hiểm đổ dốc cầu Phú Sung tại Km 1721, huyện Hàm Thuận Nam.

Từ Km 1720+800 (thôn Phú Sung, xã Hàm Cường) trở vào, có thể nhận thấy rõ sự khác biệt. Mặt đường chỉ rộng 12m thay vì 20m. Vào giờ cao điểm, các phương tiện nối đuôi nhau lưu thông. Đáng sợ nhất là tình trạng ôtô vượt ẩu gây mất an toàn cho các phương tiện ngược chiều, kể cả cùng chiều.

Tại Km 1731 thuộc thị trấn Thuận Nam, cách hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 22-5 khoảng 700m là một đoạn cua ngặt. Khúc cua này có mặt đường hẹp lại nối với ngã ba vào trung tâm hành chính huyện Hàm Thuận Nam, nên nơi đây cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Ông Ngô Văn Toàn, người dân khu phố Nam Tân sống ở khu vực này cho biết: “Dân ở đây thấy lưu lượng xe chạy thường đông nhất cỡ từ 2h - 4h sáng. Ở đoạn này không có dải phân cách, nên xe tranh nhau chạy. Ngã ba này có cái cua gấp nên xảy ra tai nạn thường xuyên”.

Từ Hàm Thuận Nam vào Hàm Tân, quốc lộ 1 đã hẹp, lại không có dải phân cách cứng và có nhiều khúc cua đổ dốc nguy hiểm. Với cánh lái xe, đây quả thực lại cung đường tử thần, họ không mấy an tâm khi đi trên cung đường này, nhất là vào ban đêm và những lúc thời tiết xấu.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, trú tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, lái xe ôtô tải chở thanh long hằng ngày đi qua đây chia sẻ: “Đoạn đường từ cây số 17 vào đến hết Hàm Tân chưa có dải phân cách ở giữa, đó là đoạn đường rất chi là nguy hiểm. Tôi mong muốn Bộ Giao thông Vận tải cần làm thêm làn đường để xe cộ chạy phân luồng theo một làn đường nhất định, cố định và an toàn”.

Qua khảo sát thực tế, Sở Giao thông Vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận đề nghị phương án đầu tư mở rộng mặt đường đồng bộ với các đoạn đã mở rộng ở phía Bắc tỉnh. Cùng với đó, việc lắp đặt dải phân cách là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn. 

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận nói: “Chúng tôi đề xuất phải lắp đặt dải phân cách ở giữa, dải phân cách cứng trên đầu 47km còn lại. Trước nhất là giảm được khả năng đối đầu giữa các xe. Thứ hai, đảm bảo thông suốt an toàn trên đoạn quốc lộ còn lại đi qua địa bàn tỉnh. Sau khi khảo sát xong, chúng tôi sẽ có kiến nghị UBND tỉnh trình Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai việc đầu tư này”.

Việt Quốc
.
.
.