Giảm tải cho Tân Sơn Nhất, máy bay sẽ “đậu” qua đêm ở Cần Thơ:

Có làm khó thêm cho các hãng hàng không?

Thứ Sáu, 30/12/2016, 09:59
Cục Hàng không Việt Nam mới đây đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco sớm triển khai kế hoạch đưa máy bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ nhằm giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Các hãng báo cáo việc thực hiện trước ngày 30-1-2017.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, để thực hiện yêu cầu trên không hề đơn giản vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chi phí và bảo dưỡng máy bay. Một chuyến bay thông thường từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ có chi phí khoảng 150-200 triệu đồng, nếu bay “đậu” qua đêm thôi thì sẽ rất lãng phí. Mặt khác là vấn đề bảo dưỡng máy bay.

Do cơ sở vật chất bảo dưỡng tại Cần Thơ chưa có nên nếu xảy ra vấn đề gì về kỹ thuật máy bay thì rất khó  khắc phục. Đấy là chưa kể đến vấn đề lốp và càng của máy bay, tính theo số lần cất hạ cánh. 

Nếu chỉ bay rỗng về “đậu” tại Cần Thơ, thay vì 2 tháng phải thay lốp và càng thì có thể 1 tháng phải thay một lần, như thế cũng là rất lãng phí. Còn trong trường hợp Cục yêu cầu sắp xếp chuyến bay cuối ngày cũng không khả thi vì thị trường miền Tây chưa đủ lớn, hiện Jetstar chưa tính đến phương án mở đường bay này.

Nhiều người cho rằng, việc điều chuyển máy bay xuống đỗ tại Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất là khó khả thi.

"Tôi hiểu là Cục Hàng không khuyến khích các hãng đưa máy bay về Cần Thơ để giảm tải cho Tân Sơn Nhất chứ không phải là mệnh lệnh hành chính bắt buộc. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lịch bay hay mở đường bay mới của các hãng phải dựa trên nhu cầu của hành khách", đại diện Jetstar Pacific nói.

Bên cạnh đó, khi được hỏi, đại diện của hàng không VietJet lại cho biết, không có ý kiến gì về đề xuất trên của Cục Hàng không Việt Nam. Không chỉ có hãng hàng không thấy “bất ổn”, chuyên gia giao thông Phạm Sanh thì cho rằng, quá tải hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất là quá tải đường lăn và đường cất/hạ cánh. Vì vậy, nếu cho máy bay bay xuống Cần Thơ thì còn kẹt hơn nữa. Để giải quyết quá tải chỗ đậu máy bay thì ngành hàng không có thể tận dụng những chỗ còn trống trong khu vực sân bay hoặc xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để đậu máy bay.

Đứng về phía Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường (Phó cục trưởng Cục Hàng không) giải thích: Yêu cầu trên không phải là dồn máy bay từ Tân Sơn Nhất đến sân bay Cần Thơ đậu qua đêm, rồi sáng mai quay lại TP Hồ Chí Minh đón khách.

"Thực hiện yêu cầu này, hãng hàng không phải sắp xếp lại lịch bay, các chuyến bay trong khuôn khổ Tân Sơn Nhất điều phối được vẫn đến sân bay này bình thường. Còn lại thì bố trí các chuyến bay cuối ngày về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm, sáng hôm sau sẽ khởi hành đi các tỉnh phía Bắc tại đây, chứ không phải khởi hành từ Tân Sơn Nhất", ông Cường nói.

Theo ông Cường, ngoài Cần Thơ, các hãng hàng không cũng đã chọn nhiều sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng, Cát Bi làm chỗ đỗ máy bay qua đêm để giảm tải cho Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trên thực tế, kế hoạch đưa máy bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ nhằm giảm tải cho Tân Sơn Nhất có thực hiện được hay không, có hợp tình, hợp lý không thì câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Vì từ nay cho đến 30-1-2017, các hãng hàng không sẽ phải gửi phản hồi lên Cục Hàng không Việt Nam. Sau ngày này, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Được biết, cho đến thời điểm này, số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt Nam đang tăng mạnh. Cụ thể, năm 2016, đội máy bay là 147 chiếc, tăng 14 chiếc so với năm 2015. Đến hết năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm 5 máy bay.

Buôn lậu qua đường hàng không cuối năm phức tạp, tinh vi

Công an TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay Việt Nam (VAECO) tăng cường kiểm tra, kiểm soát an ninh, rà soát, tuyển chọn, quản lý nhân viên phục vụ trong khu vực sân bay và trên các chuyến bay. Tính từ đầu năm đến thời điểm này có tới 16 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, hàng cấm vận chuyển qua đường hàng không như ma tuý, vàng, ngà voi, tiền giả, điện thoại, mỹ phẩm…, chủ yếu do hành khách gửi qua đường hàng hoá, hành lý và giấu trong người.

Thừa nhận hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn xảy ra tại cảng hàng không, sân bay, đặc biệt tại một số cảng hàng không quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết: Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát an ninh hàng không, phát hiện, ngăn chặn, tiến tới loại bỏ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không.

“Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành các cán bộ, nhân viên hàng không vi phạm quy định” – ông Sơn khẳng định. 

Đặng Nhật
.
.
.