“Bắt bệnh” tắc nghẽn nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất

Chủ Nhật, 21/08/2016, 07:57
Để giảm ùn tắc cho tuyến đường Trường Sơn và các tuyến khác đấu nối vào trục đường này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng đã thông tin, thành phố đang xem xét, tính toán việc xây dựng nhiều hạng mục.

Bài 2: Giải bài toán tắc nghẽn bằng cách nào?

Cụ thể là việc xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm; xây dựng cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà; cải tạo nút giao thông Lăng Cha Cả và cải tạo kích thước hình học tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ. Cùng lúc với việc tiến hành việc cấm, hạn chế xe ôtô ở những tuyến đường xung quanh để giảm lưu lượng xe lưu thông trên tuyến độc đạo kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).

Song đây đều là những phương án tốn kém, mất nhiều thời gian hoặc cưỡng bức đối với dòng phương tiện lưu chuyến ở các tuyến tiếp cận đường Trường Sơn. Trong khi chuyện quá tải ở sân bay TSN đang bức bách từng ngày, từng giờ.

Tăng năng lực quản lý

Cho rằng ngay cả khi sân bay TSN đạt công suất 56 triệu hành khách/năm cũng không ảnh hưởng đáng kể đến tuyến đường Trường Sơn, Chủ tịch Hội Hascon - TS Nguyễn Bách Phúc đưa ra lý do là lượng khách vào sân bay từ đường Cộng Hòa và đường Trường Chinh chỉ chiếm một phần nhỏ. Mà tuyến chính vào sân bay TSN hiện nay là đường Trường Sơn. Do đó, khi nói đến kẹt xe do TSN thì chỉ cần giải quyết chuyện kẹt xe của tuyến đường Trường Sơn và một số tuyến kết nối vào trục đường này.

Nhiều lần tiến hành đo đếm số lượng ôtô và xe máy trên một chiều của đường Trường Sơn; đếm 5 lần trong ngày vào các giờ cao điểm và không cao điểm, TS Phúc đưa ra kết quả: Vào giờ cao điểm, lượng ôtô lưu thông trên tuyến này trong 1 giờ là 2.111 xe, giờ thấp điểm chỉ có 740 xe; giờ cao điểm tuyến này có 21.940 xe máy và giờ thấp điểm là 9.040 xe. Bình quân mỗi ôtô ngoài lái xe sẽ chở 2 khách và cứ 2 xe máy có 1 xe chở người phía sau, lượng khách lưu thông trên tuyến bình quân giờ cao điểm đạt 37.132 người/giờ và lúc bình thường là 15.040 người/giờ. Con số này còn cách khá xa so năng lực thông xe tối đa của đường Trường Sơn có thể đạt tới 85.000 người/giờ.

Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến tiếp cận sân bay là Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa. 

Trong khi đó, với năng lực 56 triệu khách/năm và mỗi ngày sân bay này chỉ cần bay được 29 chuyến/giờ, thì lượng hành khách đi máy bay vào TSN qua đường Trường Sơn trên cả 2 chiều đường cũng chỉ có 6.409 người/giờ. Tính thêm mỗi khách đi máy bay có 2 người đón tiễn, lượng khách trên một chiều đường Trường Sơn cũng chỉ có 9.615 người/giờ, bằng gần 44% năng lực thông xe của đường Trường Sơn.

Thực tế tuyến tiếp cận sân bay duy nhất này hiếm khi xảy ra kẹt xe, mà áp lực gây ùn ứ giao thông chỉ xảy ra ở điểm đầu, điểm cuối của đường Trường Sơn tại các nút giao với các tuyến trục chính khác hoặc lối rẽ vào sân bay TSN tại trục đường này.  

Nhìn nhận về tình trạng kẹt xe trên tuyến cửa ngõ TSN, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không này cho hay, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là việc thông tuyến đường Phạm Văn Đồng dẫn vào sân bay khiến mật độ xe lưu thông qua đường Trường Sơn ngày càng đông. Nhưng do hầu hết các chuyến bay nội địa đều chỉ tập trung khai thác vào những khung giờ nhất định, từ lúc 5 giờ sáng đến khoảng 11 giờ đêm. Khách tập trung ra sân bay trong khung giờ này, càng tạo áp lực cho việc làm thủ tục, hoạt động vận chuyển và khiến mật độ các chuyến bay ở khung giờ này thêm dày.

Nhưng phi công Mai Trọng Tuấn, người đã từng có nhiều năm làm cơ trưởng ở TSN lại cho rằng, thời gian ban đêm khi các chuyến bay nội địa nghỉ, sân bay bớt nhộn nhịp, gần như dành trọn cho việc khai thác các chuyến bay quốc tế đông khách sẽ càng tốt hơn. Do đó cần phải tập trung khai thác các chuyến bay quốc tế trong khoảng thời gian giãn cách ban đêm này để tăng công suất cho TSN và giảm tải cho các giờ cao điểm ban ngày.

Để giảm tải cho khu vực nhà ga sân bay TSN, cảng hàng không TSN chỉ cho phép xe hơi, taxi, ôtô khách được dừng, đậu lên xuống khách không quá 5 phút trước cửa nhà ga là buộc phải dời đi. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một khâu góp phần giảm tải phía ngoài sân ga. Phía trong nhà ga tình trạng khách xếp hàng cả tiếng đồng hồ chờ đến lượt check - in hoặc làm thủ tục kiểm tra an ninh diễn ra suốt thời gian qua đã khiến không ít người đi máy bay phải lên tiếng than phiền.

Để giải quyết chuyện quá tải, kỹ sư hàng không Nguyễn Phụng Tâm chia sẻ kinh nghiệm, các sân bay quốc tế trong khu vực cũng chỉ có diện tích như TSN. Nhưng do họ hết sức chú trọng đến khâu giải tỏa lượng khách đến và đi càng nhanh càng tốt nên không cần mở rộng thêm diện tích sân bay vẫn có thể lưu chuyển được một lượng khách lớn qua sân bay hàng năm.

Để giảm tải cho sân bay TSN, trước hết cần tăng năng lực quản lý hàng không, không lưu, khai thác dịch vụ… từ đó có thể tăng năng lực cất hạ cánh, sử dụng nhà ga bãi đỗ hiệu quả hơn.

Ngược lại, việc quy định giờ hạ cánh, giờ sử dụng sân bay hiệu quả sẽ giúp tăng năng lực cho nhà ga và bãi đỗ. Đồng thời khi cung cấp các tiện ích để hành khách tự thao tác như tự check - in, check - in qua mạng, tự xuất nhập cảnh cho người có hộ chiếu trong nước, thường trú nhân tại Việt Nam, khách đến từ khu vực ASEAN… kèm theo việc sử dụng thiết bị an ninh hiện đại, bố trí thêm nhiều cửa kiểm tra an ninh, thông quan dễ dàng sẽ nhanh chóng giải tỏa lượng khách đến và đi.      

Đức Thắng
.
.
.