Chưa mặn mà với thi giấy phép lái xe số tự động

Thứ Bảy, 02/04/2016, 07:54
Theo Thông tư 58/2015/TT - BGTVT mới được Bộ GTVT ban hành, từ 1-4, việc học và thi giấy phép lái xe ôtô các hạng B1, B2, D và E… sẽ có phần khó và phức tạp hơn. Cụ thể, người thi giấy phép lái xe ôtô các hạng B1, B2, D và E sẽ bổ sung thêm phần thi mới. Cũng từ thời gian này, giấy phép lái xe số tự động cũng được đưa vào sát hạch. Thế nhưng theo phản ánh của một số trung tâm, đến nay chưa nhiều học viên mặn mà.


Nhiều điểm mới trong sát hạch giấy phép lái xe

Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, từ 1-4-2016, học viên học và thi sát hạch giấy phép lái xe ôtô hạng B1, B2 sẽ phải thi 11 bài (trước đây là 10 bài). 

Trong đó, bài thi thứ 11 (mới bổ sung) là bài ghép xe ngang. Hình ghép xe ngang có chiều dài 6,45m và rộng 2,2m. Hình ghép xe ngang tượng trưng cho việc người điều khiển xe tiến, lùi xe tấp vào lề đường để đậu trong khi khoảng giữa còn trống và hai bên đầu đã có xe đậu, hoặc vật cản. Toàn bộ 11 bài thi sát hạch bằng B1, B2 sẽ thêm 3 phút, từ 15 phút lên 18 phút. Tuy nhiên, tổng điểm sát hạch để đỗ vẫn giữ nguyên là 80 điểm. 

Nhiều người vẫn chưa hưởng ứng giấy phép lái xe số tự động. Ảnh CTV.

Ngoài ra, một trong những điểm mới trong việc sát hạch giấy phép lái xe là đưa hạng B1 số tự động vào sát hạch. Cụ thể, loại bằng này cấp cho người lái xe ôtô số tự động đến 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 3,5 tấn số tự động, không hành nghề lái xe. Người có bằng B1 số tự động không được lái ôtô số sàn, nếu muốn sử dụng ôtô số sàn cần phải học bổ sung và sát hạch nội dung thực hành lái xe để được cấp giấy phép lái xe hạng B1. Đối với hạng B1 cấp cho người sử dụng ôtô chở người đến 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn, không hành nghề lái xe (kể cả số sàn và số tự động).

Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam. Nếu người thi sát hạch trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam, giấy phép lái xe hạng B1 sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Trong trường hợp tài xế để bằng lái quá hạn sẽ phải chịu các mức phạt giấy phép lái xe quá hạn quy định tại Điều 25, Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT. 

Đối với hạng B2 cấp cho người lái các loại xe quy định trong hạng B1 nhưng hành nghề lái xe. Bằng B2 có thời hạn 10 năm. Một quy định mới cần lưu ý, người đang học bằng lái ôtô hạng B2 bắt buộc phải học bổ sung và thi thực hành trên xe số tự động, từ ngày 1-4-2016. Thời gian thực hiện kỹ thuật này là hai phút. 

Trước ý kiến lo ngại học viên có thể sẽ phải “đi vòng” để qua bài thi số 11, ông Nguyễn Thắng Quân khẳng định, toàn bộ công tác sát hạch trong hình đã được chấm điểm tự động bằng xe gắn chíp. Học viên thi không tốt hoặc vi phạm ở bài thi nào, máy sẽ tự báo, tự chấm điểm, giám khảo không thể can thiệp nên sẽ không có chuyện học viên phải chi tiền “đi vòng” để qua bài.

Ít học viên đăng ký học xe số tự động

Cũng liên quan đến vấn đề sát hạch lái xe ôtô, theo quy định mới của Bộ Giao thông Vận tải, người dự thi lấy bằng B1, B2 có thể lựa chọn chương trình sát hạch chỉ riêng với xe số tự động. Thậm chí, chương trình đào tạo, sát hạch bằng lái xe số tự động đơn giản hơn, thời gian ngắn hơn và chi phí thấp hơn so với xe số sàn. Tuy nhiên, kể từ khi có hiệu lực đến nay, tại Hà Nội chưa khai giảng được lớp nào. 

Việc thi sát hạch lái xe sẽ khó khăn hơn kể từ ngày 1-4.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) thông tin, 3 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn Hà Nội chỉ có khoảng 10 học viên đăng ký học lái xe số tự động. Trong khi đó, để đáp ứng điều kiện của Thông tư 58, các trung tâm sát hạch đã phải đầu tư trang thiết bị, tập huấn cho giáo viên chương trình đào tạo xe số tự động từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Ông Nghĩa cũng cho rằng, nếu mất công học, nhiều người sẽ chọn học số sàn để sau này bằng lái sử dụng được nhiều việc hơn. 

Thừa nhận thực tế trên, ông Nguyễn Thắng Quân nhìn nhận, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà ở hầu khắp các địa phương trên cả nước. “Thực ra, việc cấp bằng lái xe số tự động chỉ nhằm làm đa dạng sự lựa chọn cho người dân, ai có nhu cầu lái xe số tự động thì học. Song, có thể do tâm lý người dân đằng nào cũng mất công học thì học luôn số sàn để được điều khiển cả xe số sàn và xe số tự động nên tỷ lệ học viên thấp”, ông Nguyễn Thắng Quân nói.   

Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghề, Công ty CP Vận tải ôtô số 2 cho biết, việc bổ sung bài thi số 11 vào chương trình sát hạch lái xe ôtô hạng B nhằm nâng cao kỹ năng cho người lái xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Ngoài ra, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đường phố khá hẹp và phần lớn xe phải đỗ ghép ngang nên việc bổ sung bài thi số 11 cũng là phù hợp thực tiễn. Trong bài thi số 11, nếu học viên để bánh xe chèn vạch sẽ bị trừ 5 điểm, quá thời gian thi 3 phút mà chưa hoàn thành thì không đạt. Ngoài ra, từ ngày 1-7 tới đây, toàn bộ xe sát hạch đường trường cũng sẽ được gắn chíp tự động chấm điểm, thay cho việc có giám khảo ngồi cạnh như hiện nay. 

Ông Lê Văn Đại nhìn nhận, thời gian đầu, tỷ lệ thí sinh qua được vòng sát hạch có thể giảm khoảng 5% so với hiện nay vì rõ ràng độ khó đã tăng thêm. Hiện nay, tỷ lệ đạt trung bình trong sát hạch lái xe trên địa bàn Hà Nội khoảng 60-65%.

Việc thi sát hạch lái xe sẽ khó khăn hơn kể từ ngày 1-4.
Đặng Nhật
.
.
.