Chỉ đạo “rắn” xử lý xe quá tải, quá khổ ở Phú Thọ

Thứ Sáu, 09/09/2016, 09:56
Do Công an tỉnh Phú Thọ triển khai quyết liệt các giải pháp nên tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh đã được ngăn chặn có hiệu quả, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.


Là một trong những địa phương triển khai việc kiểm tra, xử lý xe ô tô vi phạm tải trọng sớm nhất cả nước, ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an và Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải. Đến nay, tình trạng xe ôtô vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã giảm rõ rệt.

Tham gia cùng tổ tuần tra, kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm tải trọng thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Phú Thọ với thành phần tham gia gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ. 

Lực lượng CSGT Công an thành phố Việt Trì kiểm tra, xử lý xe ôtô vi phạm tải trọng.

Địa điểm mà tổ tuần tra tiến hành lắp đặt trạm cân, kiểm tra tải trọng là km 114+500 trên tuyến quốc lộ 2, thuộc địa phận thôn Phượng Hùng 1, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đây là tuyến quốc lộ nối liền tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang nên mật độ người và phương tiện tham gia giao thông khá đông. 

Sau gần 3 giờ đồng hồ triển khai, tổ tuần tra đã tiến hành dừng 15 phương tiện vận chuyển hàng hoá để kiểm tra, nhưng tất cả các phương tiện trên đều chấp hành đúng các quy định về tải trọng. 

Trao đổi với chúng tôi, thượng uý Nguyễn Chí Cường, Đội phó Đội tuần tra, kiểm soát số 1, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: 

Hiện nay ngoài việc thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở thì do mức phạt đối với lỗi vi vi phạm chở hàng hoá quá tải trọng rất cao nên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều trang bị cân điện tử và kiểm tra tải trọng trước khi cho phương tiện lưu thông. 

Hiện chỉ còn một số ít phương tiện vi phạm, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường liên xã, liên thôn, các phương tiện này chủ yếu vận chuyển các loại vật liệu xây dựng như đất nền, cát phục vụ san lấp mặt bằng. 

Thượng uý Nguyễn Chí Cường cũng cho biết thêm, quan điểm chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đó là kiên quyết và xử lý nghiêm các trường hợp xe ôtô vi phạm tải trọng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đồng thời góp phần đưa hoạt động kinh doanh vận tải trở nên lành mạnh. 

Là lái xe tải đã trên 10 năm, anh Trương Công Trường, lái xe công ty Phú Thịnh, thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ cho biết, lãnh đạo công ty luôn nhắc nhở cánh lái xe các anh phải chấp hành nghiêm các quy định về tải trọng, bởi theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ thì việc vi phạm tải trọng không những mức xử phạt cao, ảnh hưởng tới doanh thu và uy tín của doanh nghiệp mà còn bị tước giấy phép lái xe, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới "miếng cơm, manh áo" và thu nhập của lái xe.

Theo số liệu thống kê của cơ quan Công an, từ ngày 1-4-2014 đến 1-8-2016, lực lượng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, lập biên bản 9.234 trường hợp vi phạm, xử lý nộp Kho bạc Nhà nước hơn 26 tỷ đồng, tạm giữ 79 xe ôtô, tước giấy phép lái xe 5.772 trường hợp. Tất cả các trường hợp chở quá tải trọng đều buộc phải hạ tải, đảm bảo đủ tải trọng theo thiết kế của xe và của cầu đường mới tiếp tục cho lưu hành.

Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu tất cả từ lãnh đạo cho đến CBCS các đơn vị nghiêm cấm tác động, can thiệp và có thái độ không đúng mực với lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ. 

Địa bàn nào để xảy ra tình trạng xe ôtô quá khổ, quá tải hoạt động gây bức xúc trong nhân dân thì chỉ huy đội CSGT, Phó trưởng Phòng CSGT phụ trách tuần tra kiểm soát, Phó trưởng Công an huyện phụ trách CSGT, Trưởng Công an huyện, Trưởng phòng CSGT và đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách lĩnh vực đảm bảo trật tự ATGT phải kiểm điểm và nhận hình thức xử lý. 

Tất cả CBCS Công an tham gia hoặc góp vốn tham gia các hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai. Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu CBCS trong lực lượng Công an tỉnh nói chung, lực lượng CSGT nói riêng phải gương mẫu, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về trật tự ATGT, có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở người thân trong gia đình và các mối quan hệ ngoài xã hội chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Do triển khai quyết liệt các giải pháp nên tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được ngăn chặn có hiệu quả, tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Điều quan trọng hơn cả là thông qua việc tuyên truyền, nhắc nhở đã làm thay đổi nhận thức của chủ các doanh nghiệp và đội ngũ lái xe trong việc tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. 

Đến nay hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều trang bị hệ thống cân điện tử và tiến hành kiểm tra tải trọng xe và hàng hóa trước khi tham gia giao thông.

Nguyễn Chung
.
.
.