Chặn ngay nhà thầu yếu vào cao tốc Bắc – Nam

Thứ Bảy, 24/08/2019, 07:05
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để rà soát lại các thủ tục triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn.


Phát biểu tại cuộc họp, ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, đơn vị đang triển khai 5 dự án gồm: 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh (La Sơn - Túy Loan; tuyến tránh Eadrăng huyện Eahleo, tỉnh Đắk Lắk), 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm) và dự án QL12B đoạn Tam Điệp - Nho Quan. 

Cụ thể, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phấn đấu trong năm 2019 bàn giao xong mặt bằng địa phận tỉnh Quảng Trị, cơ bản bàn giao mặt bằng địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng tiến độ thi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn và hoàn thành các thủ tục để bàn giao mặt bằng địa phận tỉnh Khánh Hòa (dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm). 
Đầu tháng 9-2019, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công một số gói thầu đầu tiên.

Ban sẽ cơ bản hoàn thành đấu thầu xây lắp toàn bộ các gói thầu của dự án Cam Lộ - La Sơn và chỉ đạo các nhà thầu được lựa chọn chuẩn bị cơ bản đủ các điều kiện để thi công đồng loạt các gói thầu dự án Cam Lộ - La Sơn vào cuối năm 2019, đầu năm 2020; hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán dự án Nha Trang - Cam Lâm trong năm 2019,…

Đi thẳng vào vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, đầu tháng 9-2019, dự án sẽ khởi công một số gói thầu đầu tiên. Trong năm nay, phải khởi công toàn bộ các gói thầu còn lại của dự án. 

“Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cần lưu ý đến công tác đấu thầu, phải làm chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai xét thầu phải căn cứ vào hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đó là cơ sở pháp lý về những cam kết của nhà thầu với chủ đầu tư. Chúng ta phải rà soát kỹ lưỡng số lượng máy móc, nhân sự,… của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu để chặn ngay những nhà thầu yếu, không đủ năng lực tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng nói. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phải khẩn trương chỉ đạo các nhà đầu tư BOT, nhà thầu sửa chữa, khắc phục kịp thời các hư hỏng của một số công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Dự án QL1 qua Bình Định, dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc sớm triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và có cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình. 

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52 ngày 22-11-2017 gồm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP). 

Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án thành phần (Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây), được triển khai theo hình thức PPP. 

Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; hoàn tất việc bàn giao mặt bằng và chuyển nguồn vốn đến Kho bạc Nhà nước để địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. 

Đồng thời, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và khẩn trương triển khai công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2019.

Về cơ chế giám sát và đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT trước đây, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20 ngày 28-3-2018 để triển khai đầu tư dự án đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư với 5 nội dung cơ bản. 

Đầu tiên là thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư. 

Thứ hai, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. 

Thứ ba, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành xây dựng công trình. Cơ quan Nhà nước tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở để tính toán phương án tài chính, lập hồ sơ mời thầu. 

Thứ tư, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng, trong đó sẽ quy định chặt chẽ các tiêu chí và có đủ chế tài xử lý khi nhà đầu tư có vi phạm về chất lượng, tiến độ. 

Thứ năm, khắc phục bất cập về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc áp dụng hình thức thu phí kín (mức phí tính theo chiều dài quãng đường sử dụng) sẽ đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. 

Đồng thời, sẽ áp dụng công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng và có hệ thống giám sát trực tuyến để chống thất thu; thực hiện công khai các số liệu thu phí (mức phí, thời gian thu phí, tổng vốn đầu tư...) để đảm bảo tính minh bạch.

Phạm Huyền
.
.
.