Đấu thầu cao tốc Bắc- Nam: Nhà đầu tư ngoại “áp đảo”

Thứ Tư, 17/07/2019, 08:41
Đại dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông tính đến nay đã thu hút 60 nhà thầu và liên danh các nhà thầu tham gia nộp hồ sơ đấu thầu. Điều đáng chú ý đa phần là các nhà đầu tư ngoại tham gia nộp hồ sơ, còn các nhà đầu tư Việt vắng bóng…

Cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây là dự án cuối cùng trong 8 dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông được đầu tư theo hình thức đối tác công tư- PPP mở thầu vào ngày 15/7.Theo đó, Ban QLDA Thăng Long thông tin, trong thời gian 60 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển (từ 15-5 đến 9h ngày 15-7-2019), đơn vị đã bán được 25 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tại dự án này, không có nhà đầu tư nào của Việt Nam đứng độc lập tham gia dự án. Cụ thể, đến thời điểm mở thầu, có 9 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nộp dự tuyển, gồm: 3 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, 1 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, 1 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Philippines, 1 nhà đầu tư Trung Quốc độc lập, 2 nhà đầu tư Hàn Quốc độc lập và 1 nhà đầu tư đến từ Pháp.

Một tuyến đường cao tốc trên trục Bắc Nam.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 14.359 tỷ đồng, gồm 11.879 tỷ đồng vốn BOT và hơn 2.479 tỷ đồng vốn Nhà nước.Dự án có chiều dài 99km, điểm đầu tại nút giao với đường nối QL1 đi Mỹ Thạnh thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận; điểm cuối kết nối với dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng Km43+125.

Trong 8 dự án cao tốc Bắc Nam thực hiện theo hình thức PPP thì dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn không có bất cứ nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nào của Việt Nam nộp hồ sơ dự tuyển, mà toàn bộ là các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, 7 dự án khác gồm: Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã mở thầu và nhận được tổng cộng 51 bộ hồ sơ dự tuyển. Như vậy, toàn bộ 8 dự án cao tốc Bắc Nam đã được mở thầu, thu hút 60 nhà đầu tư và liên danh các nhà đầu tư tham gia.

Đáng nói, tại hầu hết các dự án, nhà đầu tư Trung Quốc đang áp đảo về số lượng. Cụ thể, có, 15 nhà đầu tư Việt Nam, 31 nhà đầu tư nước ngoài và 12 liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, ngoài ra còn có liên danh nhà đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam- Philippines.

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây là dự án không có nhà đầu tư Việt Nam đứng độc lập tham gia và cũng là dự án thu hút nhiều liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ nhất, gồm 5 liên danh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines.

Kế đến là dự án Nha Trang- Cam Lâm, trong 8 nhà đầu tư nộp hồ sơ có 4 nhà đầu tư trong nước và 2 liên danh nhà đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc. Dự án cao tốc có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự tuyển nhất là Mai Sơn - QL45 (11 nhà đầu tư).

Được biết, sau khi mở thầu bước sơ tuyển nhà đầu tư, các Ban QLDA sẽ chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu.Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.

Liên quan đến chuyện nhà đầu tư nội và ngoại, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP)-Bộ GTVT cho biết: điều kiện mời thầu ở đây không phải Bộ GTVT nghĩ ra mà nó được thực hiện dựa trên quy định của Bộ Kế hoạch và đầu tư. 

Doanh nghiệp trong nước vẫn có “cửa sáng” nếu biết liên kết lại. Vị này cũng thẳng thắn: “Không có chuyện bơ doanh nghiệp trong nước. Quốc Hội đã ban hành luật, trong đó quy định rõ việc ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt chủ yếu là nhà thầu, còn nhà đầu tư không có nhiều. Trong quy định đấu thầu chúng tôi cũng đã nói rõ các điều kiện để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp , cho các nhà thầu trong nước thực hiện dự án. Cụ thể như khi trúng thầu, hoặc là doanh nghiệp trong nước thực hiện hoặc nhà đầu tư tư nước ngoài trúng thầu phải liên doanh với nhà thầu trong nước để cùng thực hiện”.

Đặng Nhật
.
.
.