Cầu vượt không phát huy tác dụng, đường vẫn ùn tắc

Thứ Ba, 05/09/2017, 08:43
Hàng loạt cây cầu vượt được xây dựng trong vòng 5 năm trở lại đây với mục đích giải tỏa ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trọng điểm. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hằng ngày, chỉ một vài cây cầu vượt làm được nhiệm vụ giải tỏa ùn tắc giao thông, số còn lại chưa phát huy được tác dụng hoặc khiến cho tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hơn.


Khi cầu vượt Cây Gõ (quận 6, TP Hồ Chí Minh) được xây dựng, các dòng phương tiện từ đường Hồng Bàng và 3-2 lưu thông qua cầu này để về vòng xoay Phú Lâm đã làm giảm ùn ứ giao thông tại giao lộ này. 

Trước đây, đoạn giao lộ Cây Gõ thường xuyên bị ùn tắc bởi lượng phương tiện từ miền Tây đổ về và lượng người từ trong trung tâm TP lưu thông ra. Khi cây cầu được đưa vào sử dụng, cầu vượt Cây Gõ ít khi bị nhắc đến chuyện bị ùn ứ, nếu có nhắc chẳng qua là do các vụ va chạm giao thông gây kẹt cầu, ùn ứ đường. 

Ngoài cầu vượt Cây Gõ, cầu vượt Nguyễn Tri Phương (quận 10), cầu vượt tỉnh lộ 10, cầu vượt tỉnh lộ 10B, cầu vượt Hương Lộ 2, cầu vượt Gò Mây (cả 4 cầu vượt trên QL1) đã góp phần kéo giảm tình trạng kẹt, ùn ứ xe tại các điểm này. 

Đây chỉ là số ít cây cầu vượt hoạt động đúng công năng của nó, số cầu vượt còn lại dường như chưa phát huy được tác dụng. Đặc biệt là những cây cầu vượt mới được đưa vào sử dụng nhưng tính hợp lý chưa cao.

Cầu vượt ít phương tiện lưu thông trong khi phía dưới các phương tiện kẹt cứng.

Cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) là một ví dụ. Là tuyến huyết mạch ra xa lộ Hà Nội, ra Bến xe Miền Đông (quốc lộ 13), phương tiện di chuyển qua khu vực này với mật độ lớn. Nơi đây có 16 tuyến xe buýt đi qua và hơn 200 chuyến xe khách liên tỉnh di chuyển qua cửa ngõ phía Đông nên cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra, nhất là vào giờ cao điểm. 

Cầu vượt Điện Biên Phủ được hình thành với mong mỏi khu vực này sẽ không còn bị ùn ứ. Dòng xe từ trung tâm ra xa lộ Hà Nội lưu thông qua cầu vượt sẽ không làm trở ngại dòng phương tiện hướng về Bến xe Miền Đông. 

Nhưng trên thực tế, xe buýt, xe khách được lưu thông qua cầu vượt nhưng dường như ít có bác tài nào chịu cho xe lên cầu vượt nên: “Trên cầu thì thông thoáng, dưới cầu thì xe cộ như nêm, hít khói thôi cũng đủ xỉu. Từ ngày có cây cầu này, các vụ ùn tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra”. Một bác tài xe ôm hành nghề tại khu vực cầu vượt này cho hay.

Khu vực kẹt xe trầm trọng nhất phải kể đến các tuyến đường đổ về sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ khoảng 30% phương tiện có nhu cầu vào sân bay Tân Sơn Nhất nhưng dường như tất cả các con đường vào sân bay vào giờ cao điểm bị kẹt dù khu vực này có hàng loạt cầu vượt Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám và cây cầu vượt mới được đưa vào sử dụng. 

Cầu vượt Hoàng Hoa Thám được xây dựng năm 2013 nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông tại giao lộ Cộng Hòa-Hoàng Hoa Thám (Tân Bình). Tuy nhiên cầu vượt xây dựng “choán hết” phần đường Cộng Hòa, trong khi đó lượng phương tiện qua cầu vượt hướng về quận 12 cũng đông, lượng phương tiện quay đầu vào đường Hoàng Hoa Thám cũng không ít khiến khu vực này vẫn ùn ứ dù có cầu vượt.

Các tuyến đường đổ về sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm, nhất là khi có sự cố giao thông xảy ra trên đường là hàng chục ngàn phương tiện bị dồn ứ. Ùn tắc nghiêm trọng nhất là đường Cộng Hòa, Trường Sơn, Phan Thúc Duyệt, Hồng Hà, Bạch Đằng. Các dòng phương tiện dường như nhích từng mét một, có khi giậm chân tại chỗ. 

Thời điểm mà dòng phương tiện không lối thoát là vào đầu giờ sáng và giờ tan tầm, các phương tiện từ đường Bạch Đằng dồn về đường Trường Sơn, “mượn đường” Trường Sơn để lên cầu vượt thép vừa mới khánh thành. 

Tại khu vực cầu vượt Lăng Cha Cả, trong khi đường Cộng Hòa rộng lớn thì dưới cầu vượt Lăng Cha Cả khúc đường này bị bó hẹp lại như nút thắt cổ chai, vì thế khi dòng phương tiện từ đường Cộng Hòa đổ dồn về trung tâm TP tới điểm thắt này gây ùn ứ. Lượng phương tiện từ cầu vượt đổ xuống khu vực kẹt xe này khiến ùn ứ giao thông càng thêm trầm trọng.

Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) vừa thông xe nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn với mục đích giảm ùn tắc giao thông khi đi qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. 

Tuy nhiên nhánh cầu này chủ yếu phục vụ lượng phương tiện từ đường Phổ Quang, Hoàng Minh Giám về quận 12, Gò Vấp, lượng người có nhu cầu lưu thông qua đây thấp nên nhánh cầu vượt này dường như không phát huy tác dụng. Bởi vậy phía trên cầu vượt rất ít phương tiện di chuyển, trong khi đó bên dưới cầu, dòng xe nối đuôi nhau nhích từng mét một.

Trong cuộc họp định kỳ kinh tế-văn hóa- xã hội do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 7, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh từng thừa nhận cầu vượt thép ở cổng sân bay Tân Sơn Nhất và nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám-Nguyễn Thái Sơn mới chỉ làm giảm ùn ứ giao thông ở cửa ngõ ra vào sân bay, vấn đề ùn ứ giao thông tại đây vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cầu vượt thép, cầu vượt tại những nút giao thông thường xuyên bị ùn ứ giao thông chỉ là biện pháp tạm thời để giải quyết vấn đề kẹt xe, ùn ứ giao thông. Vấn đề căn cơ để giải bài toán ùn tắc giao thông không chỉ là xây dựng cầu vượt. Nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ùn ứ giao thông như lượng phương tiện cá nhân chiếm tỷ lệ cao, mặt đường nhỏ hẹp, việc xây cầu vượt cũng đã chiếm mất một diện tích lớn mặt đường, các công trình cao tầng được xây dựng dày đặc, lượng người sinh sống và làm việc nơi này quá lớn, chỉ cần đến giờ tan tầm, lượng người từ các tòa nhà này “đổ” ra đường thì kẹt xe là tất yếu.

Không phủ nhận một số mặt tích cực của cầu vượt tại TP Hồ Chí Minh, nhất là các cầu vượt làm tốt giải pháp ùn ứ kẹt xe trên các khu vực trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần phải làm để giải bài toán ùn ứ giao thông chứ không chỉ chăm chăm vào xây dựng hàng loạt cầu vượt, nhất là các khu vực xây dựng cầu vượt nhưng tính khả thi, giảm thiểu ùn ứ giao thông không cao.

Anh Thư
.
.
.