An toàn, an ninh hàng không luôn phải là số một

Thứ Sáu, 29/12/2017, 08:45
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ tại buổi tọa đàm “Cách nào giảm chậm huỷ chuyến bay trong dịp cao điểm Tết”. Với hàng không, an toàn, an ninh luôn phải là số một. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt nhất cho hành khách. Kế đó mới là lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh.


Hãng hàng không mất khoảng 100USD chi phí cho mỗi phút chậm chuyến bay

Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu như năm 2016, lượng khách qua cảng hàng không, sân bay trên cả nước đạt 81 triệu khách thì hết năm 2017, con số này dự kiến lên tới 94 triệu khách, tăng 17% so với 2016.  

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân do hạ tầng, nguyên nhân do kỹ thuật máy bay, lý do khai thác, ý thức của chính những hành khách đi máy bay, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến, nhất là trong mùa cao điểm vẫn diễn ra khá thường xuyên. Phó trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không VN) Bùi Minh Đăng thông tin thêm: năm 2017, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng cao, ở mức 19-20%.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay Nội Bài.

Tổng thị trường đạt khoảng 62 triệu khách, tăng 19% so với năm 2016. Trong bối cảnh lượng khách tăng, điều kiện khai thác của các cảng hàng không tổ chức khai thác của các doanh nghiệp dịch vụ còn những bất cập nhưng tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 87,7%. Thực tế, không hãng hàng không nào muốn chuyến bay của mình bị hoãn, hủy bởi chính các hãng sẽ bị thiệt hại nhất khi chậm chuyến bởi mỗi phút chậm, hãng hàng không sẽ bị mất khoảng 100USD chi phí.

Nhắc đến nỗi lo chậm, huỷ chuyến bay, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành chia sẻ: Việc quá tải tại các sân bay của Việt Nam, đặc biệt là Tân Sơn Nhất là thách thức của toàn ngành Hàng không. Tất cả các cơ quan đơn vị liên quan phải tìm cách giải quyết, khắc phục.

Như đường bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, VNA phải tính toán lại thời gian bay thực tế của các chuyến bay theo từng múi giờ. Thấp điểm là 2 tiếng 2 phút, cao điểm là 2 tiếng 15 phút dù hiệu suất sử dụng máy bay giảm, chi phí giá thành cao. Để chuẩn bị cho Tết âm lịch sắp tới, toàn bộ chương trình bảo dưỡng tàu bay được VNA tập trung làm trong mùa thấp điểm vào khoảng tháng 9, 10 và 11 hàng năm. Riêng giai đoạn cao điểm, VNA tăng cường vật tư, khí tài dự bị thay thế.

Ông Vũ Phạm Nguyên An - Phó ban Khai thác cảng, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cũng khẳng định:  Đến thời điểm này, hạ tầng hàng không có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Về công tác chuẩn bị Tết, từ đầu tháng 11, trước nữa là khi làm lịch bay mùa/Tết, cảng đã tăng chuyến tại Tân Sơn Nhất lên 44 chuyến/giờ. Một số sân bay địa phương sẽ có mật độ cao dịp Tết sẽ được mở rộng thời gian khai thác đến 24 giờ đêm để giảm tải cho các cảng hàng không chính.

Không được trả giá bằng an ninh, an toàn để đạt mục tiêu đúng giờ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, các hãng và doanh nghiệp hàng không phải xác định, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là an toàn, an ninh. Điểm quan trọng nữa là phải nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhất hành khách.

Khi một chuyến bay cất cánh, rất nhiều đơn vị chức năng, từ dịch vụ mặt đất, cảng hàng không, hãng hàng không đều có trách nhiệm liên quan. So với các năm trước đây, chất lượng dịch vụ hàng không năm 2017 có sự cải thiện đáng kể, từ khâu bán vé, đưa đón, vận tải hàng không. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng không, không thể tránh khỏi việc chậm, hủy chuyến, bởi có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, thậm chí là bất khả kháng.

Ông Thọ yêu cầu các hãng hàng không và các đơn vị làm dịch vụ phải nghiêm túc khắc phục việc chậm huỷ chuyến do nguyên nhân chủ quan, bởi điều này liên quan đến khâu tổ chức, điều hành bay, lỗi kỹ thuật không đáng có, bố trí nguồn nhân lực,... Khi chậm chuyến, huỷ chuyến xảy ra mà không có động thái gì với hành khách, đây rõ ràng là lỗi của các cơ quan, đơn vị chức năng, không thể đổ lỗi cho khách quan.

Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này. Một trong những giải pháp rất quan trọng là tăng cường 5000 chuyến bay. Cùng đó, là nâng cao chất lượng, đảm bảo điều hành bay hợp lý. Những khâu này nếu được tổ chức tốt, sẽ nâng cao năng lực khai thác và kéo giảm được tình trạng chậm, hủy chuyến.

Theo quy định về việc bồi thường chậm hủy chuyến, nếu chuyến bay chậm 2 tiếng, hành khách được phục vụ nước; chậm 3 tiếng hành khách được phục vụ ăn; chậm 4 tiếng trở lên hãng phải đền bù tiền; từ 6 tiếng trở lên ngoài việc chi trả đền bù hãng phải lo chỗ nghỉ cho khách, ngược lại về phía khách hoàn toàn có quyền hoàn trả vé cho hãng.
Đặng Nhật
.
.
.