ATGT cuối năm: Nhiều bất cập cần sớm khắc phục
- Tước bằng lái, phạt tài xế Quê Lụa vì đi xe ngược chiều trên cầu vượt
- Hiệp hội vận tải Hà Nội phản bác đề xuất “tước bằng vĩnh viễn lái xe gây tai nạn”
- Hà Nội còn gần 3,5 triệu bằng lái xe chất liệu giấy chưa đổi
Hàng triệu lái xe bị tước bằng
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, tính riêng tháng 11 năm 2016, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản hơn 3,6 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, phạt tiền 2.377,95 tỷ đồng; tạm giữ 32.073 xe ô tô và hơn 500.000 xe môtô; tước tới gần 400.000 giấy phép lái xe.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, hiện nay, số lượng tước bằng lái xe rất nhiều, lên tới hàng triệu chiếc do chế tài nặng nhưng người vi phạm quay lại để giải quyết thì rất ít.
Trước Tết, CSGT sẽ mở đợt tổng kiểm tra các xe khách, bến xe khách. |
Tuy nhiên, có các trường hợp, giấy phép lái xe bị tước đang tạm giữ ở phía CSGT nhưng các Sở GTVT đã lại cấp lại, do người vi phạm báo mất và chỉ cần về địa phương xác nhận và làm các thủ tục cấp lại, nên có người có tới 2 bằng lái. Vì thế, lãnh đạo Cục CSGT đề nghị có quy chế liên thông giữa liên Bộ Công an và Giao thông Vận tải để kiểm tra chặt chẽ.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, câu chuyện xử lý vi phạm bằng lái xe vẫn còn tồn tại cơ chế “một ông thu, một ông cấp”. Người vi phạm thường xuyên sẽ “coi nhàm” hết mọi chuyện, vì thế nên đưa vào Thông tư hay Nghị định thì các đơn vị cần lưu ý và nghiên cứu.
Về vấn đề này, trao đổi với một cán bộ làm việc lâu năm trong công tác cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội cho hay, trên thực tế, mỗi lần nhận hồ sơ cấp lại, bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT phải làm thủ tục tra cứu 60 ngày, nếu không thấy các bên như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông phản hồi thì sẽ làm thủ tục cấp lại.
Vị này cũng cho biết, tại Sở GTVT Hà Nội cũng từng xảy ra trường hợp, người vi phạm từ hai năm trước bị thu bằng, sau đó đã đến nộp phạt, nhưng lực lượng CSGT không thông báo về Sở, nên sau một thời gian khi người này bị mất bằng, đến Sở xin cấp lại, thì lại bị vướng vì thông tin bị giữ bằng từ 2 năm trước chưa được cập nhật lại, sau phải xin xác nhận các bên rất mất thời gian.
Để thuận lợi cho cả cơ quan quản lý và người dân, tránh các trường hợp lợi dụng “kẽ hở” để coi thường luật, CSGT sau khi xử lý lỗi vi phạm tước GPLX nên cập nhật thông tin đó lên hệ thống, hoặc chủ động thông báo về các sở GTVT.
Mở chiến dịch tổng kiểm soát hoạt động xe khách tại 5 thành phố lớn
Tại buổi họp ban thường trực Ủy ban ATGT, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tính từ ngày 16-12-2015 đến 15-11-2016), toàn quốc xảy ra 19.429 vụ, làm chết 7.907 người, làm bị thương 17.184 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.426 vụ (-6,84%), giảm 119 người chết (-1,48%), giảm 1.990 người bị thương (-10,38%).
Chỉ tính tháng 11 vừa qua, cả nước xảy ra 2.180 vụ, làm chết 787 người, làm bị thương 1.965 người. So với tháng 10-2016 tăng 342 vụ (tăng 18,6%), tăng 107 người chết (tăng 15,7%), tăng 219 người bị thương (tăng 12,5%).
Khẳng định sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông trong 11 tháng của năm tiếp tục được kiềm chế, cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm, tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, tình hình trật tự an toàn giao thông trong tháng 11 có chiều hướng diễn biến phức tạp.
“TNGT lại tăng một số tiêu chí về đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải. Đặc biệt, xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người liên quan đến môtô, xe máy, xe ôtô dưới 9 chỗ, phương tiện thuỷ dân sinh gây bức xúc trong dư luận xã hội”, ông Hùng nói.
Nói về việc gia tăng tai nạn, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) tỏ ra băn khoăn: xe điện gắn động cơ xăng chạy trong khu vực hạn chế nhưng nhiều người nhập xe thì kết cấu khung, gầm, động cơ khác so với thiết kế ban đầu; không có mui xe, dây bảo hiểm, chở trên chục người nên rất dễ gây tai nạn giao thông. Thậm chí, loại xe này còn “vươn ra” khỏi vùng quy định hoạt động. Tuy nhiên, Chính phủ cho vào thí điểm và các tỉnh đều đồng loạt thực hiện nên Cục CSGT kiến nghị cần xem lại về việc cấp phép và phát triển số lượng của loại phương tiện này.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, cuối năm cần kiểm soát tốt hoạt động của xe khách vì hiện nay, xe khách đã len lỏi vào bắt khách ở tận ngõ, tận làng nhưng đi rất ẩu, nếu tai nạn xảy ra sẽ rất khó lường. Tới đây, Cục CSGT sẽ mở chiến dịch vào 5 thành phố lớn, tổng kiểm soát các loại xe khách.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay: Dịp Tết, tình trạng một số nhà xe chở quá số người quy định, chặt chém giá có thể sẽ tái diễn. Vì thực tế, xe dù bến cóc vẫn còn tồn tại 1 số tỉnh, thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Do đó, rất cần sự vào cuộc của UBND các tỉnh và các sở GTVT kiểm soát tốt hoạt động này.