Những viên ngọc chờ chế tác của Sao Mai 2017

Chủ Nhật, 24/09/2017, 16:01
Đêm chung kết toàn quốc theo phong cách nhạc nhẹ Sao Mai 2017 vừa khép lại đêm 23-9 với chiến thắng của 4 thí sinh nữ: Trần Thị Nhật Linh, Lâm Bảo Ngọc, Trần Thị Yến Nhi, Nguyễn Thị Thu Thuỷ. Tuy nhiên, 4 gương mặt nữ này vẫn giống như các viên ngọc còn thô, vẫn chờ đợi nhiều bàn tay chế tác mới trở nên tinh xảo.

Năm 2017, đêm thi phong cách nhạc nhẹ giải Sao Mai 2017 có sự thay đổi lớn khi ban tổ chức cho phép các thí sinh được trình diễn các ca khúc nước ngoài (viết lời Việt). 

Đây cũng là lần đầu tiên, các thí sinh được phép mix 2 bài hát với nhau tạo thành bản mashup cho phần thi của mình. Quy định này giúp các thí sinh có cơ hội lớn để trình diễn các ca khúc hay, những bản hit được nhiều người yêu thích, tạo sự mới lạ, phù hợp với xu hướng hội nhập âm nhạc đương đại. Tuy nhiên, đây cũng là quy định bị cho là khá mạo hiểm trong một cuộc thi mang nặng tính chuyên môn.

Những động tác như rập khuôn của thí sinh Sao Mai 

Thực tế, 10 thí sinh tham gia tranh tài đều ít nhiều được đào tạo bài bản, trong đó thí sinh Nguyễn Thị Thu Thuỷ số báo danh 27, đến từ Hải Dương, đang là sinh viên trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội; Bùi Chính Hưng số báo danh 21, ca sĩ đoàn văn công quân khu VII; Lâm Bảo Ngọc số báo danh 29, đến từ Nam Định, đang là sinh viên trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Lê Thuý Anh số báo danh 22, đang là sinh viên trường nghệ thuật và du lịch Thanh Hóa. 

Những bộ trang phục cầu kỳ đến rườm rà 

Các phần thi của Trần Thị Nhật Linh số báo danh 28, đến từ Thái Nguyên; Ngô Thị Huyền Trang số báo danh 24; Lê Huyền Anh (Lê Thị Huyền), số báo danh 25; Trần Thị Yến Nhi số báo danh 26; Nguyễn Minh Chi số báo danh 30; Phạm Thị Thuỳ Linh số báo danh 23 – sinh viên kinh tế tại Nga và là thí sinh duy nhất không theo học chính thức tại một trường nghệ thuật nào cũng đều được đánh giá là có phần thi khá tốt.

Động tác quen thuộc của nhiều thí sinh trong cùng 1 đêm thi

Với sự tư vấn chuyên môn của Giám đốc Âm nhạc, nhạc sĩ Dương Cầm, các thí sinh đã có những màn trình diễn mới mẻ, hấp dẫn hơn trong cách chọn bài, phối khí, cách thức thể hiện.

Trong vai trò của một khán giả xem chương trình, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cũng nhận định: “Trong 3 đêm nhạc thì phần hấp dẫn nhất bao giờ cũng là đêm thi phong cách nhạc nhẹ. Thật ra không phải bản thân nhạc nhẹ mang tính hấp dẫn đâu, mà do chính bản thân các bạn thí sinh đã tạo nên sự hấp dẫn của đêm thi vì đã cập nhật được tiết tấu, hơi thở của thời đại. Các bạn rất trẻ, nội lực tốt, tôi hy vọng các bạn sẽ thành công. Do việc lựa chọn đi tiếp vào chung kết xếp hạng thì chỉ có số lượng giới hạn thôi nên tôi cho rằng bạn thí sinh nào chọn được ca khúc phù hợp với sở trường của mình sẽ giành chiến thắng.”


Một động tác được cho là rất giống nhau nhưng nhiều thí sinh chọn thể hiện

Tuy nhiên, với dòng nhạc mà khán giả rất quan tâm đến phần nhìn như nhạc trẻ thì việc đào tạo bài bản nhưng chưa “tiêu hóa” được kiến thức được trang bị từ nhà trường dễ khiến thí sinh đơn điệu trên sân khấu.

 Nhiều thí sinh chọn trang phục cầu kỳ đến mức rườm rà nhưng vẫn kém sang. Những động tác hình thể giống nhau của các thí sinh trên sân khấu, từ động tác biểu diễn của cánh tay đến khuôn mặt, khuôn miệng lúc lấy hơi, nhả chữ khiến thí sinh “mất điểm” trong mắt khán giả theo dõi chương trình. 

Khoảnh khắc biểu diễn sinh động trên sân khấu của thí sinh Sao Mai 

Nói theo cách nhận định của nhạc sĩ Anh Quân thì  các thí sinh của giải Sao Mai được đánh giá cao vì đều có học thuật. 

Khi nghe những người tương đối chuyên nghiệp hát thì rất “lọt tai”. Tiết mục biểu diễn của các thí sinh trong đêm thi phong cách nhạc nhẹ đã có sự tìm tòi mới lạ, thú vị, đặc biệt là trong phương thức thể hiện. Khi người biểu diễn tìm được phương cách hợp lý thì mọi người cũng sẽ chấp nhận rất nhanh. Nhưng, thành công của các thí sinh trong đêm thi chỉ như khúc dạo đầu tốt đẹp. 

Các tài năng trẻ được phát hiện từ chung kết Sao Mai vẫn cần có thêm thời gian rèn luyện, cọ xát thực tế

Để thành danh và thành công trong con đường hoạt động âm nhạc, 4 thí sinh lọt vào chung kết xếp hạng còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. 

Ngoài sự rèn luyện của bản thân thì việc họ có may mắn tìm được một  ê kip phù hợp, vạch cho họ một con đường phát triển đúng đắn, cách tiếp cận thị trường âm nhạc hiệu quả hay không sẽ góp phần quyết định mức độ thành công của các tài năng trẻ này.

N.H
.
.
.