Xử lý thế nào với việc chó nuôi cắn chết người?

Thứ Năm, 04/04/2019, 13:51
Vào khoảng 18h ngày hôm qua (3-4), khi đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ (ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), bé trai 7 tuổi đã bị một đàn chó hàng chục con tấn công. Phát hiện sự việc, người dân đã đánh đuổi đàn chó và nhanh chóng đưa cháu bé đi cấp cứu.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên xác nhận, cháu bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được ép tim và truyền máu tim cháu bé đã đập trở lại. Lúc này gia đình cháu bé xin chuyển cháu lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tuy nhiên cháu đã không qua khỏi.

Vụ việc thương tâm này lại dấy lên làn sóng phản đối việc nuôi chó mà không có các biện pháp quản lý. Đã có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra do bị chó nuôi cắn, thậm chí là bị chó nhà cắn chết.

Ảnh minh họa: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến chó.

Hồi đầu năm 2019, trong lúc chơi đùa ở ngoài sân một bé gái 6 tuổi (ở Nam Định) đã bị chó nhà nặng 30kg hung hăng lao vào cắn xé, gây đa chấn thương vùng mặt, lóc da mảng lớn. Trước đó, tháng 7-2018, một cháu bé 8 tháng tuổi (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn tử vong.

Để phòng ngừa và ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, người dân khi nuôi chó phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật như: Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã, phường, thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó, phải có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng... Đặc biệt là tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng như chó, mèo để phòng ngừa nguy cơ gây hại cho người dân khi bị chó dại cắn.

Đặc biệt, đối với các loài chó “khủng”, hung dữ có nguy cơ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người cao như chó Becgie, chó Ngao, chó Pitbull,… thì phải được nuôi nhốt đặc biệt và không nên đưa ra nơi công cộng.

QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ VIỆC BÉ TRAI 7 TUỔI BỊ ĐÀN CHÓ CẮN TỬ VONG

Vật nuôi là tài sản được sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu theo quy định về tài sản. Khi sở hữu một tài sản nói chung, chủ sở hữu có toàn quyền theo quy định của pháp luật bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu nêu trên đối với tài sản cũng phải có giới hạn, phải đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, tôn trọng lợi ích cộng đồng.

Người chủ có quyền sở hữu vật nuôi (trong trường hợp này là những chú chó) hợp pháp, có quyền sử dụng, khai thác công dụng của vật nuôi (để giải trí, để chơi đùa,…) hoặc chuyển giao cho người khác (bán, tặng cho, cho mượn,…). Tuy nhiên, khi thực hiện tất cả những quyền nêu trên, chủ sở hữu vật nuôi phải có nghĩa vụ, biện pháp quản lý, trông coi vật nuôi an toàn, không để vật nuôi xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác.

Trong vụ việc cháu bé bị đàn chó cắn dẫn đến tử vong này, do chưa có thông tin chi tiết, giả sử vật nuôi vẫn thuộc sự quản lý hợp pháp của chủ (không cho người khác mượn, không bị trộm cắp, chiếm đoạt, không có sự kiện bất khả kháng khác,…) mà để xảy ra vụ việc vật nuôi cắn chết người thì người chủ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự, trong vụ việc này, để biết người chủ vật nuôi đã phạm tội nào, cần phải xem xét dấu hiệu lỗi của họ. Do người chủ vật nuôi không hề có ý định, mục đích gây thương tích hay tước đoạt mạng sống của người khác nên lỗi của họ không phải lỗi cố ý trực tiếp theo theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;”.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, lỗi của người chủ vật nuôi có thể là lỗi Cố ý gián tiếp “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” hoặc là lỗi Vô ý do quá tự tin “Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được”.

Vụ việc này, nếu người chủ vật nuôi đã có trang bị những công cụ như rọ mõm, dây xích,… để phòng ngừa nhưng vật nuôi vẫn chạy thoát ra để cắn cháu bé thì lỗi của người chủ là lỗi vô ý do quá tự tin ngược lại nếu không hề có các công cụ hay biện pháp phòng ngừa tương tự thì sẽ thuộc về lỗi cố ý gián tiếp.

Trường hợp lỗi cố ý gián tiếp, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” hoặc “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” lần lượt quy định tại Điều 123 và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc phân định giữa hai tội này, Cơ quan điều tra cần thu thập nhiều thông tin hơn.

Trường hợp lỗi vô ý do quá tự tin, người chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” hoặc “Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” lần lượt quy định tại Điều 128 và Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Về trách nhiệm dân sự, khoản 1, khoản 3 của Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, người chủ vật nuôi do có lỗi trong việc quản lý, sử dụng tài sản, vật nuôi của mình dẫn đến gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác thì họ phải có trách nhiệm bồi thường.

Vấn đề xác định thiệt hại bồi thường được căn cứ vào quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”.

Ths-Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy

V.Cường (thực hiện)
.
.
.