Xe khách đâm xe cứu hỏa trên cao tốc có dấu hiệu vi phạm

Thứ Hai, 19/03/2018, 17:34
Xe khách đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.

Đó là đánh giá của luật sư Lê Văn Quý, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Bình An (Hà Nội) về vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) số 12, Cảnh sát PC&CC Hà Nội và xe khách đi ngược chiều trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ vào khoảng 16h30 ngày 18-3.

Trước đó, chiếc xe cứu hỏa này đang đi làm nhiệm vụ cứu nạn một vụ tai nạn trên tuyến cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ và đi ngược chiều theo hướng Hà Nội - Ninh Bình. Khi đi đến Km 192 thì bất ngờ bị một chiếc xe khách 45 chỗ chạy theo hướng ngược lại đâm trực diện. Hậu quả làm nhiều người bị thương nặng trong đó một chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã tử nạn.

Liên quan đến sự việc trên, theo luật sư Lê Văn Quý, căn cứ theo quy định tại Điều 22, Luật giao thông đường bộ thì xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ là xe được quyền ưu tiên (khoản 1) và không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều (khoản 2) với điều kiện phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định và chỉ phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Căn cứ quy định trên đây, đối với vụ tai nạn giao thông này thì xe cứu hỏa không vi phạm luật giao thông đường bộ.

Về trách nhiệm hình sự, xe khách đã có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đồng thời, phát sinh nghĩa vụ dân sự về phần bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.

Tuy nhiên, trong vụ tai nạn này cần xem xét toàn diện nguyên nhân gây ra vụ tai nạn. Ngoài việc căn cứ theo quy định pháp luật cần đánh giá tổng thể các yếu tố tác động gây tai nạn từ tài xế xe khách. 

Trường hợp, xe khách đi đúng làn đường, trong giới hạn tốc độ tối đa cho phép nhưng do xe cứu hỏa lưu thông ngược chiều vào cao tốc bất ngờ khiến cho tài xế không xử lý kịp trong tình huống này dẫn đến tai nạn thì cần xem xét dưới góc độ này để xác định trách nhiệm pháp lý của tài xế xe khách, liệu có thuộc trường hợp tình thế cấp thiết và bất khả kháng hay không, luật sư Lê Văn Quý phân tích thêm.

Điều 22. Quyền ưu tiên của một số loại xe

1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;

c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Đoàn xe tang.

2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

                                                (Luật Giao thông đường bộ)


Nguyễn Hương
.
.
.