Luật sư nói gì về vụ nhân viên rạp CGV phát tán hình ảnh “nóng” của khán giả lên mạng

Thứ Sáu, 03/08/2018, 09:23
Đôi nam nữ bị phát tán hình ảnh "nóng" trong rạp chiếu phim có quyền yêu cầu rạp xác minh, xử lý trách nhiệm cá nhân và bồi thường thiệt hại về danh dự, quyền nhân thân đối với hình ảnh, bí mật đời tư của mình. 

Liên quan đến vụ việc nhân viên của rạp chiếu phim thuộc hệ thống phát hành của CGV phát tán hình ảnh cặp đôi nam nữ đang “hành sự” trong rạp chiếu phim lên mạng internet, đơn vị này khẳng định đã xử lý kỷ luật nhân viên. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện này vẫn đang nhận được dư luận nhiều chiều.

Trước đó, hình ảnh một đôi nam nữ đang quan hệ thân mật quá đà trong rạp chiếu phim bị lan truyền với tốc độ “chóng mặt” trong cộng đồng mạng. 

Hình ảnh được CGV thừa nhận là từ camera an ninh nội bộ bị nhân viên trong công ty tự ý phát tán.

Hành vi phản văn hóa, thậm chí là gây “ô nhiễm” môi trường văn hóa giữa một không gian dành cho hoạt động văn hóa khiến số đông phẫn nộ. Nơi cặp đôi “hành sự” là một rạp chiếu thuộc hệ thống phát hành của CGV. 

Sau đó, CGV đã lên tiếng thừa nhận đây là hình ảnh do camera nội bộ của đơn vị này ghi lại và cho rằng việc đặt camera là hoạt động nhằm kiểm soát an ninh, ghi nhận những sự cố xảy ra ngoài ý muốn tại rạp chiếu. Đơn vị này cũng đã xử lý kỷ luật, đình chỉ công việc đối với nhân viên phát tán hình ảnh.

Nhưng ngay sau thông tin từ CGV, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về việc lắp camera kiểm soát an ninh của đơn vị này và cho rằng, việc thực hiện trang bị hệ thống ghế đôi, đặc biệt là kiểu ghế giống như giường nằm trong hệ thống rạp chiếu đang tạo môi trường cho hành động phi văn hóa trong rạp. Trường hợp khán giả có hành vi thiếu văn hóa, họ phải bị xử lý và ra khỏi rạp chiếu ngay.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho hay, hành vi của cặp nam nữ nói trên là vi phạm về khía cạnh văn hóa, đạo đức, cần có thêm những chế tài đủ sức răn đe hơn. Nhưng, việc ai đó phát tán hình ảnh của họ lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền nhân thân của họ. 

Theo quy định của pháp luật, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Chỉ có một số trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ và không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hậu cũng phân tích: Điều 34 Bộ luật Dân sự  quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp này, đôi nam nữ bị phát tán hình ảnh có quyền yêu cầu rạp xác minh, xử lý trách nhiệm cá nhân và bồi thường thiệt hại về danh dự, quyền nhân thân đối với hình ảnh, bí mật đời tư của mình. 

Cũng phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm khẳng định: Ở Việt Nam, “quan hệ” nơi công cộng là hành vi không phù hợp với văn hóa và thuần phong, mỹ tục người Việt. Nhưng thời gian vừa qua, nhiều vụ việc các cặp đôi vô tư thực hiện những hành vi tình dục nơi công cộng rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận xã hội song rất khó xử lý. 

Trước năm 2013, theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ, vi phạm quy định về nếp sống văn minh bị xử phạt: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng khi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước.

Sau đó, Nghị định 73/2010 đã bị thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội… 

Hành vi “vi phạm quy định về nếp sống văn minh” đã bị loại ra ngoài sự điều chỉnh của Nghị định. Những hành vi “quan hệ” nếu xảy ra trong rạp chiếu phim, sẽ bị điều chỉnh theo nội quy ban hành của rạp chiếu và nội quy này được ban hành không trái quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Thơm, Việt Nam nghiêm cấm công dân đưa các thông tin trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục lên không gian mạng gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ và hậu quả vi phạm gây ra có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Về phía khán giả, khi mua vé vào xem phim được coi là việc xác lập hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong quá trình thực hiện hợp đồng, về nguyên tắc, CGV không được tiết lộ thông tin bí mật cá nhân của khách.

Nếu hình ảnh cá nhân “nhạy cảm” bị tung lên mạng xã hôi trong quá trình thực hiện hợp đồng gây thiệt hại đến quyền nhân thân của khách hàng thì trước tiên khách có quyền làm đơn tố cáo đến các cơ quan pháp luật để xử lý người đưa các hình ảnh đó lên không gian mạng theo quy định của pháp luật. 

Nếu có căn cứ xác định người có lỗi gây ra thiệt hại về quyền nhân thân thì có quyền yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Trong trường hợp này, CGV phải có trách nhiệm liên đới bồi thường theo quy định tại Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015.

N.H.
.
.
.