Nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng

Thứ Sáu, 18/10/2019, 10:12
Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia


Luật An ninh mạng được Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua với tỷ lệ 86,86%. Luật gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định những nội dung cơ bản về an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt đọng bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể:

Chương I- Những quy định chung gồm 9 Điều. Đó là các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (an ninh mạng; bảo vệ an ninh mạng; không gian mạng; không gian mạng quốc gia; cơ sở không gian mạng quốc gia; cổng kết nối quốc tế; tội phạm mạng; tấn công mạng; khủng bố mạng; gián điệp mạng; tài khoản số; nguy cơ đe dọa an ninh mạng; sự cố an ninh mạng; tình huống nguy hiểm về an ninh mạng), chính sách của Nhà nước an ninh mạng, nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ không gian mạng quốc gia, hợp tác quốc tế về an ninh mạng; các hành vi nghiêm cấm về an ninh mạng, xử lý vi phạm pháp luật an ninh mạng.

Chương II - Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chương này gồm 5 Điều, quy định chi tiết về: Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra an ninh mạng đối với thông thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thông thông tin quan trọng an ninh quốc gia.

Chương III - Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng gồm 7 Điều quy định về: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.

Chương IV- Hoạt động bảo vệ an ninh mạng gồm 7 Điều, quy định về: Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của có quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Chương V- Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng gồm 6 Điều, quy định cụ thể: Lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng; Kinh phí bảo vệ an ninh mạng. 

Chương VI – Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm 7 Điều, quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu chính phủ và trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng cùng cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng. Chương VII – Điều khoản thi hành, gồm Điều 43 quy định hiệu lực thi hành. Cụ thể, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Ban KT-PL
.
.
.