Những nội dung cơ bản của Luật Chứng khoán

Thứ Bảy, 28/12/2019, 10:13
Luật Chứng khoán 2019 được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật gồm 10 chương, 135 điều với những nội dung nổi bật sau:

1. Phạm vi điều chỉnh: Phạm vi điều chỉnh của Luật đã được mở rộng, bảo đảm bao quát toàn diện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật; quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức TTCK và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.

2. Quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán (TTCK): Luật quy định các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK như giám sát an ninh, an toàn TTCK; tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.. Việc quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý TTCK trong việc thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa, kịp thời khắc phục, xử lý các sự cố, biến động bất thường của TTCK làm ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường của thị trường giao dịch chứng khoán.

3. Về quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK: Luật đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng. Với các quy định tại Luật, UBCKNN đã có đầy đủ thẩm quyền để quản lý, giám sát toàn diện hoạt động về chứng khoán và TTCK; đảm bảo tính độc lập của UBCKNN trong hoạt động quản lý, điều hành, xử lý các vấn đề của thị trường; phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán.

4. Về chào bán chứng khoán ra công chúng: Luật đã chuẩn hóa điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phù hợp cho từng loại chứng khoán; sửa đổi, tách quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Luật Chứng khoán hiện hành thành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để phù hợp với tính chất của từng đợt chào bán; đồng thời quy định điều kiện chặt chẽ hơn trong trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chứng, phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định nhằm gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK).

5. Về công ty đại chúng: Luật đã nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng, luật hóa các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng, phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD/G20 năm 2015, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp đại chúng. Đồng thời giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp quy mô của các công ty đại chúng.

6. Về thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán: Luật quy định SGDCK Việt Nam, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, giải thể, mô hình hoạt động, hình thức sở hữu, chức năng, quyền và nghĩa vụ của SGDCK Việt Nam và việc thành lập công ty con của SGDCK Việt Nam theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cơ cấu tổ chức quản lý, Điều lệ của SGDCK Việt Nam được sửa đổi cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp, có tính đến các yếu tố đặc thù của SGDCK Việt Nam. Luật quy định rõ trách nhiệm của SGDCK Việt Nam trong việc giám sát giao dịch, giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của các thành biên giao dịch; bổ sung quy định Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung.

7. Về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán: Luật đã sửa đổi quy định cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo hướng tách thành 2 hoạt động: UBCKNN cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, sau đó công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, Luật đã bổ sung, quy định rõ các dịch vụ được cung cấp khi công ty chứng khoán được cấp phép các nghiệp vụ kinh doanh, quy định trách nhiệm của công ty chứng khoán trong thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán, xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu dự phòng…

8. Về thanh tra, xử lý vi phạm: Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Luật đã bổ sung thẩm quyền của UBCKNN trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin có liên quan để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm; quy định cơ chế phối hợp giám sát giữa UBCKNN với các cơ quan khác, với các cơ quan quản lý TTCK các nước; nâng mức phạt tiền hành chính tối đa.

Ban KT-PL
.
.
.