Mức án nào cho chủ hành hạ dã man người làm thuê

Thứ Ba, 24/07/2018, 15:44
Vụ hành hạ, tra tấn người làm thuê ở Gia Lai mới đây gây phẫn nộ dư luận. Đây không phải là “chuyện xảy ra lần đầu” bởi khi tra cứu với từ khóa này, công cụ tìm kiếm Google trả về tới 21.300.000 kết quả trong thời gian 0,44 giây – một con số kinh hoàng.


Google trả về tới 21.300.000 kết quả trong thời gian 0,44 giây đối với từ khóa "hành hạ người làm thuê".

Người phụ nữ đáng thương đó là chị Y Nhiêu (người dân tộc Giẻ Triêng, 23 tuổi, trú tại làng Pêng Siêl, xã Đak Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tháng 9-2014, chị Y Nh. theo bạn bè sang tỉnh Gia Lai làm thuê cho người tổ chức đám cưới tại địa bàn tổ 3, phường Thống Nhất, TP Pleiku.

Sau một thời gian, Y Nhiêu được một người tên Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga, tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP Pleiku) gọi về làm việc nhà, dọn dẹp, nấu cơm, mỗi tháng trả 3,5 triệu đồng.

Theo tố cáo của chị Y Nhiêu, ban đầu, hai vợ chồng bà Hà đối xử với chị cũng tử tế  nhưng càng về sau, cuộc sống của chị giống như trong địa ngục bởi mỗi lần bà Hà phê ma túy là lại bạo hành chị rất khủng khiếp. Đỉnh điểm những trận đòn roi xảy ra khoảng đầu tháng 6-2018 vừa qua, khi bà Hà kêu mất hơn 1 tỉ đồng trong nhà.

Mặc dù khẳng định không lấy và liên tục kêu oan, song chị Y Nhiêu vẫn bị bà này sử dụng nhiều cách thức man rợ như: lấy cây sắt, kiếm đập lên đầu, lên người; lấy bàn ủi ủi lên người; lấy dao lam rạch mặt; lấy búa đập vào ngón tay; đóng đinh vào cây đập lên người...

Bà Nguyễn Thị Hà - người bị tố cáo hành hạ, tra tấn người làm thuê (ảnh trái) và nạn nhân Y Nhiêu.

Sau khi trốn thoát khỏi nhà bà Hà, chị Y Nhiêu đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai với di chứng bị bỏng và bạo hành bằng hung khí, để lại chi chít những vết sẹo trên toàn thân.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh (thuộc VPLS Hoàng Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết: Đối với việc sử dụng ma túy, bà Hà sẽ bị buộc đi cai nghiện bắt buộc và xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Về hành vi đánh đập chị Y Nhiêu, các cơ quan chức năng cần xem xét khởi tố bà Hà về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;

b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;

c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;

đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;

h) Có tổ chức;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;

m) Có tính chất côn đồ;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.

4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Cũng liên quan đến vụ việc gây bức xúc dư luận này, trong buổi làm việc với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và Kon Tum phối hợp điều tra, xử lý nghiêm minh vụ hành hung dã man người làm công, xảy ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai theo quy định pháp luật.

Việt Cường
.
.
.