Được nổ súng vào đối tượng đang đột nhập mục tiêu cảnh vệ sau khi cảnh báo

Thứ Ba, 11/07/2017, 08:44
“Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả”, quy định được nêu trong Luật Cảnh vệ đã được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Luật này thay thế Pháp lệnh Cảnh vệ số 25/2005/PL-UBTVQH 11.

Đối tượng cảnh vệ và khu vực cảnh vệ         

Cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu, sự kiện đặc biệt quan trọng được áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.

Lực lượng Cảnh vệ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có chức năng thực hiện công tác cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Luật Cảnh vệ quy định, đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Lực lượng Cảnh vệ được nổ súng vào đối tượng đang đột nhập mục tiêu cảnh vệ sau khi cảnh báo. Ảnh minh hoạ.

Đối với khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; khách mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngoài các cá nhân có chức danh cụ thể như trên, Luật quy định các khu vực trọng yếu thuộc diện đối tượng cảnh vệ gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng, khu vực làm việc của Chủ tịch nước, khu vực làm việc của Quốc hội, khu vực làm việc của Chính phủ; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại đường Bắc Sơn, quận Ba Đình. 

“Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội; Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam thuộc diện đối tượng cảnh vệ” là các sự kiện quan trọng thuộc diện đối tượng cảnh vệ được nêu trong Luật này.

Biện pháp, chế độ cảnh vệ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ được bảo vệ tiếp cận; tuần tra, canh gác thường xuyên tại nơi ở và nơi làm việc; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại để phát hiện cháy nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hoá học, chất phóng xạ và vật nguy hiểm khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống khi sử dụng; khi đi công tác bằng ôtô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hoả được bố trí toa riêng; đi bằng máy bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thuỷ được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ và được bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình, khảo sát để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.

Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ được bảo vệ tiếp cận, canh gác thường xuyên tại nơi ở.

Ủy viên Bộ Chính trị được bảo vệ tiếp cận, canh gác thường xuyên tại nơi ở, khi đi công tác trong nước bằng ôtô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ được bảo vệ tiếp cận, khi đi công tác trong nước bằng ôtô được bố trí xe Cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết. 

Ngoài ra, Luật cũng quy định biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu; biện pháp cảnh vệ đối với sự kiện đặc biệt quan trọng; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

“Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ được nổ súng để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả; vô hiệu hoá đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ; các trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, Điều 21 của Luật Cảnh vệ quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ. 

Luật Cảnh vệ cũng quy định cụ thể về huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ.

Nguyễn Hưng
.
.
.