Chủ đầu tư cố tình chây ì quỹ bảo trì chung cư: Cư dân có thể làm đơn gửi cơ quan điều tra

Thứ Bảy, 22/09/2018, 06:31
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện có đến 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, và nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư, lên tới 36% tổng số vụ. Thực tế, đây là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua tại nhiều dự án ở Hà Nội.


Vấn đề này không mới và cũng đã có những quy định về việc chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho Ban Quản trị chung cư, thế nhưng tại sao vẫn kéo dài. Phải chăng cần thiết phải có những chế tài mạnh như liều thuốc “đặc trị” để giải quyết dứt điểm.

Tranh chấp nhiều nơi, nhiều năm

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về khoản phí bảo trì đã kéo dài nhiều năm nay, tuy nhiên hàng loạt các điều chỉnh về mặt chính sách dường như không giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân rất dễ hiểu là có những dự án, khoản phí bảo trì 2% này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chính vì thế mà chủ đầu tư mới chây ì trong việc bàn giao khi khu nhà đó thành lập được Ban Quản trị.

Câu chuyện về tranh chấp phí bảo trì giữa cư dân và chủ đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội có thể kể đến rất nhiều như: Tranh chấp tại dự án Star City (81 Lê Văn Lương do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư). Dự án được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014.

Tính tới thời điểm này, cư dân đã vào ở được một thời gian rất dài, nhưng chủ đầu tư vẫn nhùng nhằng trong việc bàn giao khoản phí bảo trì 2%. Theo phản ánh của cư dân khu nhà, phí bảo trì của khu nhà này lên tới 30 tỷ đồng. Sau rất nhiều lần yêu cầu, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao 2,4 tỷ đồng.

Tranh chấp phí bảo trì chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn chưa có lời giải.

Điều đáng nói là do chưa nhận được khoản phí bảo trì này mà cư dân chưa thể sửa chữa, bảo trì một số hạng mục đã bị xuống cấp. Một trong những dự án khá “nổi tiếng” khác về việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua là dự án Thăng Long Garden (250 Minh Khai, do Công ty cổ phần May Thăng Long làm chủ đầu tư).

Ban Quản trị cho biết, từ cuối tháng 8-2016 đến giữa năm 2017, Ban Quản trị đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì mà theo ước tính của cư dân vào khoảng 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này phớt lờ những kiến nghị đó.

Một trong những dự án mà Sở Xây dựng Hà Nội vừa có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả phí bảo trì cho Ban Quản trị là dự án nhà chung cư CT3-ĐN1&ĐN3, KĐT Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Trước đó, Ban Quản trị toà nhà sau nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư bàn giao không được đã phải kiến nghị lên Sở Xây dựng "tố" chủ đầu tư - Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng mới chỉ bàn giao 1,5 tỷ đồng/5,7 tỷ đồng quỹ bảo trì cho cư dân.

Trong công văn gửi TP Hà Nội, Sở Xây dựng nêu rõ kinh phí bảo trì còn lại chủ đầu tư chưa bàn giao cho Ban Quản trị hơn 4,2 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, vận hành chung cư đối với nhà chung cư CT3-ĐN1&ĐN3. Đồng thời Sở đã yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban Quản trị, phân định diện tích sử dụng chung và bàn giao cho Ban Quản trị, đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Trung Văn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng lại tiếp tục có một cuộc làm việc với chủ đầu tư về vấn đề trên, nhưng suốt một thời gian dài, Ban Quản trị khu nhà vẫn chưa đòi được số tiền trên từ chủ đầu tư.

Có thể xử lý hình sự

Doanh nghiệp đưa ra rất nhiều lý do để cố tình găm giữ khoản phí này. Điều này thể hiện rất rõ qua ý kiến của một số doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về chủ đề trên do Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, không nên giao quỹ bảo trì chung cư về cho Ban Quản trị, mà nên để chủ đầu tư nắm giữ. Bởi chủ đầu tư dù sao cũng là "người có tóc”, có tài sản lớn ở chung cư là các tầng hầm giữ xe ôtô, trung tâm thương mại.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn có tay nghề trong việc sửa chữa, bảo trì, vận hành nhà chung cư. Có chung cư, lúc mua căn hộ chỉ giá dưới 1 tỷ đồng. Trong khi số tiền quỹ bảo trì chung cư 2% lên tới vài chục tỷ đồng. Ban Quản trị 2 người, chỉ cần thông đồng với nhau rút ruột, ôm hàng chục tỷ đồng bỏ trốn, thì ai chịu trách nhiệm? Vì giá trị căn hộ của họ rất nhỏ không đủ bồi thường… Chính vì những lý do này mà chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư BQH và Cộng sự khẳng định, đối với những trường hợp chủ đầu tư cố tình không trả thì có thể khởi tố hình sự. Luật sư Bùi Quang Hưng phân tích, tiền phí bảo trì này không phải là tiền của chủ đầu tư mà đây là khoản tiền cư dân giao cho chủ đầu tư giữ hộ, sau này trả lại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư không trả lại mà tiêu hết, đòi không trả thì rõ ràng đây là hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. “Ví dụ trên địa bàn Hà Nội, người dân đã từng gửi đơn lên Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội. Các cơ quan chức năng đã có công văn chỉ đạo là hoàn trả tiền đó cho Ban Quản trị mà chủ đầu tư vẫn không trả, rõ ràng là hành vi chiếm đoạt tài sản.

Người dân phải làm đơn lên cơ quan Công an. Công an sẽ tiến hành điều tra. Nếu như chủ đầu tư có tiền hoàn trả thì không sao, nhưng nếu như chủ đầu tư đã tiêu hết số tiền này thì rõ ràng chủ đầu tư đã phạm tội và buộc phải khởi tố hình sự”, Luật sư Bùi Quang Hưng cho biết.

Cùng quan điểm, Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, có thể khởi tố hình sự nếu cơ quan điều tra chứng minh được các dấu hiệu cấu thành hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

“Người dân tố cáo gửi cơ quan công an. Cơ quan Công an sẽ điều tra và trong khoảng thời gian theo quy định sẽ trả lời có dấu hiệu hình sự hay dân sự. Nếu là kiện dân sự thì cơ quan Công an sẽ hướng dẫn, còn nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ khởi tố vụ án. Nếu chủ đầu tư mang tiền đi sử dụng sai mục đích thì có thể xử lý được”, Luật sư Bùi Sinh Quyền cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.