Những chặng đường vẻ vang của lực lượng CAND (bài 7)
- An ninh miền Nam và những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Lực lượng Công an bảo vệ miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam
- Đập tan âm mưu gây bạo loạn của các tổ chức phản động
- Lực lượng Công an đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp
- Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân
- Lực lượng Công an với những đóng góp quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Miền Bắc trải qua 20 năm tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, đạt được một số thành tựu có ý nghĩa, đặt nền móng để cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song đất nước ta lúc này cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn chồng chất...
Ba mươi năm chiến tranh để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta bằng kế hoạch bao vây, cấm vận về kinh tế, tiến hành các hoạt động gián điệp, chiến tranh tâm lý, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp bàn công tác bảo vệ Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, ngày 17-4-1976. |
Ở miền Nam, ngụy quân, ngụy quyền cùng các loại tình báo, gián điệp, cảnh sát, phản động tay sai của đế quốc còn lại rất nhiều, chỉ chờ có cơ hội là nổi lên chống phá chính quyền cách mạng. Nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, mất cân đối nghiêm trọng.
Các tệ nạn xã hội như: gái điếm, nghiện hút, văn hóa đồi trụy, thất nghiệp, lang thang cơ nhỡ rất nặng nề...; vì vậy, yêu cầu ổn định an ninh, trật tự (ANTT) ở các vùng mới giải phóng là nhiệm vụ khó khăn cấp bách của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (9-1975) và Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng (12-1976), CAND đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng và triển khai các mặt công tác giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Trong phiên họp thứ nhất, Quốc hội khoá 5 (6-1975) đã quyết nghị hợp nhất Bộ Công an với Bộ Nội vụ, lấy tên là Bộ Nội vụ. Để kịp thời chỉ đạo các mặt công tác bảo vệ ANTT các vùng mới giải phóng, ngày 16-2-1976, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số 596/NV-QĐ lập cơ quan đại diện tại miền Nam gồm 5 đồng chí, do Thứ trưởng Trần Quyết làm Trưởng đại diện. Lãnh đạo Bộ chỉ đạo khẩn trương tuyển chọn cán bộ và tăng cường chi viện cho lực lượng an ninh miền Nam.
Ngay sau khi giành được chính quyền, lực lượng an ninh đã tham gia các Ban quân quản, yêu cầu hàng vạn đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát, tình báo, phản động ra trình diện, khai báo để tiến hành phân loại, cải tạo, giáo dục. Tính đến tháng 7-1975, lực lượng an ninh đã tổ chức cho hơn 1 triệu đối tượng, chủ yếu là ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát ngụy đăng ký trình diện; tập trung giáo dục dài hạn, ngắn hạn và giáo dục tại xã, phường.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, được nhân dân giúp đỡ, lực lượng an ninh đã khẩn trương truy quét tàn quân địch, trấn áp bọn phá hoại. Trong năm 1975, ta đã bắt giữ 30.409 đối tượng lẩn trốn, trong đó có 4 nhân viên CIA, 667 nhân viên Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, 4.545 cảnh sát đặc biệt, 1.209 tướng tá ngụy, 1179 ngụy quyền cao cấp và cầm đầu đảng phái phản động, 86 tuyên úy Thiên chúa giáo, 50 tuyên úy Phật giáo, 18 tuyên úy Tin lành.
Lực lượng an ninh phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội truy quét mạnh các ổ nhóm vũ trang, khám phá các tổ chức phản động, kịp thời đập tan âm mưu vũ trang gây bạo loạn của chúng. Đến cuối năm 1976 đầu năm 1977, hơn 500 toán, cụm vũ trang bị ta tiêu diệt. Hàng chục tổ chức phản động bị trấn áp, trong đó có những tổ chức đã hình thành bộ khung chính quyền ở 17 tỉnh, thành phố với hàng chục ngàn người tham gia.
Đội săn bắt cướp, Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu |
Đáng chú ý, từ ngày 10-2 đến 28-2-1976, được sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Công an Sài Gòn cùng với Công an các tỉnh phía Nam đã mở đợt truy quét, phá tổ chức phản động mang tên “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam”, bắt các đối tượng cầm đầu như: Nguyễn Văn Viên, Hà Tùng Linh, Nguyễn Văn Vàng, Vũ Ngọc Bảo và hàng ngàn đối tượng cốt cán nguy hiểm ở 12 tỉnh, thu nhiều vũ khí và tài liệu phản động.
Ở các tỉnh Long Châu Tiền, Trà Vinh, Sóc Trăng, ta đã tích cực đấu tranh trấn áp bọn phản động, khám phá vụ chôn giấu vũ khí tại Thánh địa Hòa Hảo, kịp thời đập tan âm mưu gây bạo loạn trong vùng dân tộc Khơme ở Cửu Long, trừng trị những tên ngoan cố, chống đối.
Đối với bọn FULRO hoạt động ở các tỉnh Tây Nguyên, khu VI, lực lượng an ninh đã đề xuất với Đảng biện pháp đấu tranh, đồng thời phối hợp với lực lượng quân sự truy quét, làm tan rã một bộ phận của chúng. Trong những ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng như mít tinh mừng chiến thắng giải phóng miền Nam; kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9, Hội nghị chính trị hiệp thương... ta đã bố trí lực lượng bảo vệ an toàn, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch.
Trong thời kỳ quân quản, lực lượng an ninh bám sát nhiệm vụ quản lý vùng mới giải phóng, kịp thời nghiêm trị những băng nhóm cướp có vũ khí, bọn tội phạm hình sự nguy hiểm. Trong năm 1975, lực lượng an ninh Sài Gòn - Gia Định điều tra, làm rõ 5.305/6.959 vụ hình sự; truy quét, phá nhiều băng, ổ trộm cướp chuyên nghiệp khét tiếng như băng cướp do Đoàn Đình Hùng (tức Hai Sang) cầm đầu, chúng đã gây ra 94 vụ giết người, cướp của.
An ninh các tỉnh từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Phú Khánh khám phá gần 8.000 vụ. Ở các tỉnh khu VI cũ, lực lượng an ninh đã truy quét 6.319 tên tội phạm hình sự. Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 18-6-1975, Ty An ninh điều tra, phá vụ án giết người, cướp của tại hiệu buôn tạp hoá Tân Lập, đường Phan Bội Châu, bắt khẩn cấp 3 tên gây án đưa ra truy tố trước pháp luật.
Để nhanh chóng giải quyết những tàn dư của chế độ cũ, lực lượng an ninh các địa phương phối hợp với ngành văn hoá phát động quần chúng thu hồi, thiêu hủy những văn hóa phẩm phản động, đồi trụy; đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành những văn bản về xây dựng nếp sống văn hóa phù hợp với chế độ mới; thành lập các trường phục hồi nhân phẩm, chữa bệnh, cai nghiện cho đối tượng là nạn nhân của các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để tại và tổ chức cho họ lao động, học nghề, sống có ích cho xã hội. Công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, bảo vệ trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy được an ninh các cấp quan tâm chăm lo và đạt nhiều kết quả.
Trong lúc ta đang tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định ANTT thì từ tháng 5-1975 bọn phản động Pol Pot-Iengsari liên tục cho quân khiêu khích, lấn chiếm nhiều nơi ở biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên. Năm 1978, ở tuyến biên giới phía Bắc tình hình ANTT cũng trở nên phức tạp.
Lực lượng CAND ở các tỉnh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã sát cánh cùng quân và dân ta kiên cường đấu tranh chống địch lấn chiếm, khiêu khích; dũng cảm chiến đấu bẻ gãy nhiều cuộc tiến công của bọn phản động, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Công an các tỉnh phía Nam đã điều tra bóc gỡ hầu hết các vụ nội gián do địch cài cắm, làm phá sản các kế hoạch: “Hải Yến”, “Hoàng Mai”, “Âm Thanh”, làm thất bại “kế hoạch hậu chiến” về tình báo, gián điệp của đế quốc Mỹ, bảo vệ Đảng, bảo vệ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang.
Thông qua phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và bằng các biện pháp nghiệp vụ, CAND đã khám phá hàng chục chuyên án gián điệp, phản động. Đáng chú ý, Công an TP Hồ Chí Minh đã điều tra và bắt quả tang tên Risacoaitơ, quốc tịch Anh, là chuyên viên kiểm toán cơ quan phát triển Liên hợp quốc cư trú bất hợp pháp tại thành phố, làm gián điệp cho CIA.
Từ tháng 7-1977 đến 7-1980, Công an các tỉnh liên tục khám phá các tổ chức phản động “Lực lượng dân quân miền Kiệm Tân” và “Đặc khu rừng Sác” ở Đồng Nai; “Mặt trận quốc gia liên kết” ở Bến Tre; “Mặt trận phục quốc Trị Thiên”, “Việt Nam dân tộc cách mạng đảng” ở Quảng Nam, Đà Nẵng. “Tam quốc phục quốc liên minh Đông A” ở Phú Khánh...
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TW ngày 2-2-1977 của Ban Bí thư về việc tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, lực lượng Công an các tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, đồng thời tranh thủ các già làng, trưởng bản, trí thức có uy tín để họ kêu gọi những người theo FULRO trở về.
Lực lượng Công an điều tra, nghiên cứu, xác lập chuyên án đấu tranh với tổ chức FULRO, bắt bọn chỉ huy, cầm đầu, trong đó có chuyên án F101 lôi kéo được số tay chân cốt cán trong “Quân khu IV” FULRO ở Lâm Đồng. Qua đấu tranh ta đã bắt nhiều toán FULRO và hầu hết số cốt cán của chúng ở Lâm Đồng.
Trên lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm kinh tế, lực lượng Công an đã tích cực tham gia công tác cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh; điều tra khám phá hàng ngàn vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa như vụ Đặng Thanh, Trưởng ga xe lửa Hà Nội cùng đồng bọn lợi dụng phân phối tích kê mua vé tàu Thống nhất để bớt lại bán đầu cơ thu lợi cá nhân; Công an Đồng Nai phá vụ án Ngô Trung Quốc, Chủ nhiệm Công ty Bách hóa tổng hợp thành phố Biên Hoà vi phạm quy định về quản lý kinh tế...
Trong công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự, CAND đã nhanh chóng điều tra khám phá nhiều băng, nhóm trộm cướp, giết người, tống tiền nguy hiểm, như: Vụ án giết hai vợ chồng nữ nghệ sỹ Thanh Nga ở TP Hồ Chí Minh do Nguyễn Thanh Tân cầm đầu; Công an Thuận Hải phá vụ án ném lựu đạn giết người, mang đi một số lớn tài sản và tiền ở Trạm thu thuế huyện Bắc Bình...
Trong công tác xây dựng lực lượng, nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 25-6-1980 về Cuộc vận động xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, CAND đã được củng cố một bước.
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phát triển rộng khắp, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, xung yếu. Lực lượng Công an xã, phường, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức quần chúng làm công tác an ninh, trật tự được củng cố, kiện toàn, góp phần ổn định an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong mọi tình hình.
(Còn nữa)