Những chặng đường vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân

Đập tan âm mưu gây bạo loạn của các tổ chức phản động (bài 3)

Thứ Bảy, 25/07/2020, 08:52
Ra đời trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, Công an nhân dân (CAND) là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lãnh đạo, tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được Nhân dân tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, CAND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang của CAND Việt Nam.

Từ năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn chuẩn bị cho tổng phản công. Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề của cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT trong giai đoạn mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05 –CT/TW ngày 12-5-1951 về nhiệm vụ và tổ chức Công an. Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an thuộc Bộ Nội vụ thành Thứ Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Trong phiên họp từ ngày 27 đến 29-8-1953, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Đây là một bước phát triển mới về tổ chức và xây dựng lực lượng của ngành Công an để đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Lực lượng Công an tham gia tiếp quản Thị xã Hòn Gai – Quảng Ninh, năm 1954. Ảnh tư liệu

Lực lượng Công an không ngừng được củng cố, phát triển ngày một lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc tổng phản công của quân và dân ta. Tại các vùng hậu phương, căn cứ của ta, CAND đã bố trí lại lực lượng trinh sát, bảo vệ vũ trang, tổ chức Công an xã. Trong công tác bảo vệ hậu phương căn cứ và vùng tự do, mạng lưới cơ sở của Công an được kiện toàn, dần dần đã trở thành lực lượng đông đảo, có tổ chức. Các hình thức tổ chức “Ngũ gia liên bảo” ở Nam Bộ, phong trào “Ba không” ở Bắc Bộ được phát triển sâu rộng.

Thông qua phong trào quần chúng, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CAND đã làm tốt công tác bảo vệ các chiến dịch, nhất là chiến dịch Biên giới, bảo vệ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), bảo vệ nội bộ các cơ quan, đơn vị; khám phá nhiều vụ gián điệp nguy hiểm như vụ Đào Thị Bái ở Thừa Thiên; vụ nội gián Nguyễn Cao Phan - Trần Nghiễm ở Ninh Thuận. Công an Quảng Nam phá tổ chức phản động Quốc dân đảng ở vùng tự do Liên khu V. Công an Thanh Hóa khám phá tổ chức gián điệp Hòn Mê câu kết với bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở huyện Tĩnh Gia và các huyện phía Bắc tỉnh Nghệ An. Công an Quảng Ngãi phá vụ bạo loạn Sơn Hà do Chánh Ênh, Chánh Lãi cầm đầu. Công an Nghệ An dập tắt vụ bạo loạn ở Tràng Nứa, huyện Hưng Nguyên do linh mục phản động Võ Viết Hiền cầm đầu.

Lực lượng Công an Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn - Chợ Lớn đã xây dựng được nhiều cơ sở, nắm được nhiều tin tức quan trọng phục vụ tốt cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và phục vụ công tác đánh địch.

Tháng 2-1951, được sự hỗ trợ của cơ sở điệp báo, Công an xung phong Chợ Lớn đột nhập vào Chợ Đệm, tiêu diệt tên Đội Đồng, Việt gian khét tiếng. Ngày 5-4-1951, nhờ có tài liệu của cơ sở, Đội Hành động Công an huyện An Dương, tỉnh Kiến An diệt tên Mai Trung Cung, một tên bang tá - mật thám gian ác giữa ban ngày, gây được tiếng vang lớn với nhân dân. Ngày 24-4, ba chiến sĩ Đội Công an số 6 Ty Công an Ninh Bình đặt mìn hẹn giờ đánh sập “Câu lạc bộ sĩ quan Pháp” tại Phát Diệm, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Tháng 5-1952, thông qua cơ sở, Công an Bình Thuận tổ chức trừ diệt tên Mai Tâm là Trưởng Ty mật thám, tay sai đắc lực cho Pháp.

Công tác bảo đảm giao thông, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến luôn được Bộ Công an quan tâm. Ngày 23-3-1953, Thứ Bộ Công an có Chỉ thị số 110/P4 về tăng cường công tác bảo vệ giao thông vận chuyển, yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ công tác kiểm soát công khai và công tác trinh sát bí mật để phát hiện âm mưu, hành động phá hoại của địch; chấn chỉnh các ban bảo vệ cơ quan, kho tàng có liên quan đến công tác vận chuyển ra tiền tuyến; tổ chức hỏi cung nhanh chóng những người bị bắt trên đường tuần tra, kiểm soát để phát hiện âm mưu của địch.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, lực lượng CAND đã đập tan âm mưu, hoạt động của bọn tình báo gián điệp và phản động tay sai, bảo vệ bí mật chiến dịch đến giờ phút nổ súng.

Trên khắp các chiến trường, lực lượng CAND phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân trong công tác nắm tình hình, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng “phòng gian bảo mật”, kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khám phá thành công nhiều vụ án gián điệp, bắt gọn nhiều toán biệt kích của địch; trấn áp nhiều tổ chức phản động, làm tan rã nhiều tổ chức phỉ ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc. Tháng 10-1953, Công an khu Tây Bắc và Công an Lai Châu đã mở chiến dịch tiễu phỉ ở Thuận Châu, bắt, diệt hàng ngàn tên địch, qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm quý cho những đợt tiễu phỉ sau này.

Tại Bình Định, cuối tháng 2-1953, phục vụ cho chiến dịch Át Lăng, địch tung 3 toán gián điệp, biệt kích GCMA gồm 93 tên xuống một số xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh và Bình Khê. Lực lượng Công an, bộ đội và nhân dân địa phương đã bao vây, gọi hàng và bắt sống 29 tên, số còn lại ngoan cố chống trả bị tiêu diệt. Trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, lực lượng Công an đã phối hợp với bộ đội tiến công vào Hội An chiếm nhà lao, giải phóng gần 1.000 dân, tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống 152 tên, trong đó có nhiều tên là mật thám. Trong chiến dịch Tây Nguyên, lực lượng Công an tham gia tiếp quản vùng giải phóng, bắt bọn ngụy quân, ngụy quyền, truy quét tàn quân địch. Tại chiến trường Nam Bộ, lực lượng Công an phối hợp với bộ đội chiến đấu, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân càn quét của địch, khám phá một số vụ gián điệp do Phòng Nhì Pháp tổ chức hoạt động ở vùng căn cứ kháng chiến.

Trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng Công an các tỉnh tranh thủ thời gian củng cố cơ sở nắm tình hình địch phục vụ cho công tác đánh địch, bảo vệ lực lượng kháng chiến. Ngày 31-1-1954, Công an Kiến An phối hợp với các lực lượng vũ trang tập kích vào sân bay Đồ Sơn phá hủy 5 máy bay, đốt cháy 5 triệu lít xăng. Tiếp đó, ngày 7-3, Công an Hải Phòng và Kiến An điều tra nắm tình hình cùng bộ đội chủ lực khu Tả Ngạn đột nhập vào sân bay Cát Bi phá hủy 60 máy bay của địch. Cùng thời gian này, Công an Liên khu 3 điều tra khám phá vụ 16 tên gián điệp ẩn nấp để phá hoại trên tuyến đường giao thông của ta từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Tại Sơn Tây, lực lượng Công an khám phá tổ chức phản động mang tên “Phong trào đại đoàn kết hòa bình” của bọn Quốc dân đảng, đập tan âm mưu gây bạo loạn của chúng.

Ngày 6-12-1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ những kinh nghiệm bảo vệ chiến dịch trước đây, CAND đã thành lập “Ban Công an tiền phương” bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ kho tàng, bảo vệ lực lượng vũ trang, đảm bảo vũ khí nằm trong tay những người tin cậy. Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, CAND đã làm tốt công tác nắm tình hình, bảo vệ các lực lượng ở tiền tuyến cũng như trung tuyến, bảo vệ bí mật các kế hoạch quân sự, vận chuyển.

Cùng với công tác bảo vệ, lực lượng CAND ở nhiều nơi đã bắt hầu hết các toán gián điệp do địch tung xuống để điều tra phá hoại kho tàng, cầu cống, nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông quan trọng từ Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình lên Điện Biên Phủ. Đặc biệt, lực lượng phản gián của ta đã phát hiện và lập chuyên án (bí số TN25) với toán gián điệp Pháp ở Thái Nguyên do tên Bôca điều khiển. Cán bộ Công an đã thuyết phục, cảm hoá các đối tượng gián điệp hoạt động cho ta, cung cấp những tin giả để đánh lạc hướng địch, nhằm đảm bảo an toàn kế hoạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi trên trận tuyến đấu tranh bảo vệ ANTT đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới.

(Còn nữa)
Anh Hiếu - Quỳnh Vinh
.
.