Lực lượng Công an đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp (bài 2)

Thứ Sáu, 24/07/2020, 06:55
Ra đời trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng Công an nhân dân (CAND) dưới sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quan trọng vào thành công chung của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lực lượng Công an được tôi luyện, thử thách, không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công vang dội.

Xâm lược nước ta lần thứ hai, thực dân Pháp âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” chiếm ngay các thành phố lớn rồi đánh rộng ra những khu vực khác, đặt ách thống trị lâu dài trên toàn Đông Dương. Tại Hà Nội, ngày 17-12-1946, chúng cho xe quân sự phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và chiếm một số trụ sở của chính quyền cách mạng. Chúng chiếm Sở Tài chính, tước vũ khí của lực lượng tự vệ, yêu cầu ta bỏ các chướng ngại vật trên đường phố và ngừng hoạt động chuẩn bị kháng chiến.

Tổ điệp báo A13 trực tiếp đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Inville của thực dân Pháp tại vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), ngày 27-9-1950.

Ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp ra tối hậu thư yêu cầu ta phải giải tán lực lượng tự vệ và giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, Nhân dân ta không còn con đường nào khác là đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trong đó Người khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, nhiệm vụ của lực lượng Công an là nhanh chóng di chuyển hồ sơ tài liệu, di chuyển trại giam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ cơ quan, kho tàng, tính mạng và tài sản của Nhân dân; theo dõi và đuổi các đối tượng có nguy hại cho an ninh ra khỏi khu vực chiến sự có thể xảy ra, bắt đưa đi an trí những đối tượng xét thấy nguy hại cho cuộc kháng chiến; bảo vệ bí mật quân sự, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình địch; giữ gìn ANTT ở những vùng nông thôn hậu phương.

Tại Hà Nội, lực lượng Cảnh sát xung phong, Công an các quận kết hợp với quân và dân Thủ đô kiên cường chiến đấu với quân Pháp ở phố Hàng Trống, Hàng Đậu, Khâm Thiên, diệt hàng trăm tên, giam chân địch, tạo điều kiện cho các cơ quan chuyển về căn cứ… Ở Hải Dương, lực lượng Công an đã chủ động ngăn chặn địch đưa quân từ Hải Phòng đánh lên Hà Nội, đồng thời cùng Vệ quốc đoàn vây hãm và tiến công quân Pháp ở nhiều nơi như Trường Con Gái, Máy Chai, Nông Phố, cầu Phú Lương... gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Tại Hải Phòng, sau khi đánh chiếm thành phố, quân Pháp mở nhiều cuộc tiến công vào thị xã Kiến An. Cảnh sát xung phong thị xã Kiến An và Hải Phòng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương kiên cường bám trụ, đánh trả nhiều đợt tiến công của quân Pháp và bọn tay sai của chúng, tiêu diệt 300 tên địch. Trong hoàn cảnh Sở chỉ huy ở núi Cột Cờ bị địch bao vây, tiến công với lực lượng đông và hỏa lực mạnh, đồng chí Trần Thành Ngọ, Cảnh sát trưởng TP Hải Phòng cùng đồng đội đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để phá thế bao vây của địch. Sự hy sinh dũng cảm của các đồng chí đã khích lệ ý chí chiến đấu của quân và dân Hải Phòng trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ở TP Vinh (Nghệ An), lực lượng Công an phối hợp với Trung đoàn 57 và tự vệ bao vây, tiến công trụ sở phái bộ Pháp, diệt và bắt sống toàn bộ sĩ quan, binh lính Pháp, thu nhiều vũ khí, tài liệu của chúng. Ở Huế, nhiều nơi cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, Công an đã cùng lực lượng quân sự phá cầu Tràng Tiền cản bước tiến của quân đội Pháp từ Nam sông Hương đánh vào Thành nội. Tại Đà Nẵng, Công an các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên trấn áp bọn phản động. Một tiểu đội Cảnh sát gồm 10 đồng chí dũng cảm, kiên cường chiến đấu bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch vào Ty Công an đã anh dũng hy sinh.

Từ năm 1947, thực dân Pháp thực hiện âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt”, thành lập chính phủ bù nhìn do Bảo Đại làm quốc trưởng. Chúng ráo riết xây dựng hệ thống hội tề, củng cố, tăng cường các cơ quan tình báo, gián điệp, mật thám chỉ điểm, các tổ chức phản động, không ngừng tung gián điệp, biệt kích ra vùng tự do, khu căn cứ của ta để gây cơ sở thu thập tin tức, gây phỉ và tiến hành các hoạt động phá hoại… Trước những âm mưu và hoạt động của địch, Đảng ta chủ trương giữ vững, đẩy mạnh cuộc đấu tranh sau lưng địch, xây dựng, củng cố, phát triển cơ sở, dựa vào Nhân dân vùng tự do và vùng bị tạm chiếm, vận động, tổ chức Nhân dân đấu tranh chống phá các hoạt động của địch.

Ngày 7-10-1947, địch tập trung 2 vạn quân mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm đánh phá vùng căn cứ kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Cùng với quân và dân Việt Bắc, lực lượng CAND đấu tranh chống bọn do thám phản động, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan Đảng, Chính phủ. Công an các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn bố trí trinh sát theo dõi các hoạt động của địch, bắt một số tên gián điệp xâm nhập vào vùng căn cứ thu thập tin tức. Công an Cao Bằng tập kích vào thị xã gây cho địch nhiều thiệt hại. Công an xung phong các tỉnh thuộc vùng căn cứ địa cùng với lực lượng quân sự chiến đấu chặn bước tiến của địch. Phối hợp với chiến dịch Việt Bắc, Công an Hà Nội diệt tên Trương Đình Tri, Chủ tịch “Hội đồng an dân Bắc Việt”, Công an Sài Gòn diệt tên Nguyễn Văn Sâm, Thủ tướng Chính phủ bù nhìn “Nam kỳ quốc”. Những hành động đó đã gây hoang mang, dao động lớn trong hàng ngũ bọn Việt gian.

Ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII hoan nghênh sự cố gắng của lực lượng Công an. Trong thư, Người đã nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an phải "nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc"; đồng thời phải rèn luyện “Tư cách người Công an cách mệnh”. Lực lượng Công an từ Nha Công an đến Công an các địa phương trong toàn quốc đã phát động phong trào học tập và làm theo lời Bác dạy. Sáu điều Bác Hồ dạy đã trở thành phương hướng, mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của mọi CBCS Công an.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an các khu, tỉnh, quận đã căn cứ tình hình thực tế ở địa phương mình để xác định chương trình công tác cụ thể, trong đó coi trọng công tác phá tề, trừ gian. Ở những vùng địch tạm chiếm, lực lượng Công an bố trí CBCS luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở, hình thành mạng lưới điệp báo để điều tra nắm tình hình, phục vụ công tác trừ gian, phá tề.

Công an xưởng Nam Bộ chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến, năm 1949.

Công an Hà Nội đã xâm nhập vào tổ chức tình báo Pháp, một số cơ quan ngụy quyền; đồng thời đưa Đội quân báo thiếu niên Bát Sắt vào nội thành hoạt động. Công an Thừa Thiên đưa người thuộc hoàng tộc vào bộ máy ngụy quyền, được chúng giao giữ chức Trưởng ty Công an ngụy. Công an Quảng Nam đưa người vào chính quyền địch hoạt động, được Pháp tin tưởng cho làm Phó Tỉnh trưởng. Công an Sài Gòn - Chợ Lớn xây dựng được nhiều cơ sở hoạt động trong Sở Mật thám, Phòng Nhì, thu được nhiều tin tức quan trọng, lên danh sách bọn tay sai bù nhìn, những tên mật thám nguy hiểm để có kế hoạch trừ diệt. Tháng 3-1950, Công an Sài Gòn - Chợ Lớn trừng trị tên Đỗ Văn Năng, thủ lĩnh tổ chức thanh niên “Bảo quốc đoàn”; ngày 28-4-1950, Đội hành động Công an Sài Gòn - Chợ Lớn trừ diệt tên Bazin, Phó Giám đốc Sở Mật thám liên bang Đông Dương, Chánh Sở Mật thám Pháp ở Nam Kỳ.

Những tin tức do cơ sở của ta thu được đã phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đồng thời phục vụ cho công tác trừ gian, phá tề, trấn áp phản cách mạng, bảo vệ lực lượng kháng chiến. Đáng chú ý, trong thời kỳ này, Ty điệp báo Nha Công an Trung ương đã thực hiện kế hoạch đưa Tổ Điệp báo A13 vào hàng ngũ địch dưới vỏ bọc “Lực lượng quốc gia trong vùng kháng chiến bất hợp tác với Việt Minh”. Nhiệm vụ của Tổ là tiếp xúc với một số nhân vật quan trọng trong cơ quan tình báo chiến lược Pháp và các đối tượng bù nhìn tay sai cho Pháp như Bảo Đại, Bửu Lộc, Nguyễn Hữu Trí, Phan Văn Giáo... từ đó nắm được nhiều tin tức quan trọng có tính chiến lược, gây mâu thuẫn trong nội bộ địch địch. Tổ Điệp báo đã dụ được 3 tên phản động là Đinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hướng (Trung ương Đại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hoá để bắt, trừng trị.

Ngày 27-9-1950, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Tổ Điệp báo đã tổ chức đánh đắm Thông báo hạm Amiô Đanhvin (Amyot d'Inville), diệt gần 200 sĩ quan và binh lính Pháp ở vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Đồng chí Nguyễn Thị Lợi, chiến sĩ điệp báo của Công an Hà Nội mang vali có chứa 30kg thuốc nổ lên Thông báo hạm, sau 30 phút chạy trên biển, Thông báo hạm của Pháp bị nổ tung. Đồng chí Nguyễn Thị Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và anh dũng hy sinh.

Chiến công đó đã đập tan âm mưu của Pháp đánh chiếm vùng tự do Khu IV, là một đòn đánh mạnh vào cơ quan tình báo, phản gián của Pháp. Cùng với chiến dịch Biên giới, thắng lợi này của ta đã khiến cho thực dân Pháp choáng váng, bất ngờ. Sau trận đánh này, tên thiếu tá tình báo Duypơra, Chỉ huy cơ quan tình báo chiến lược Pháp (SEH) ở Bắc Đông Dương bị triệu hồi về nước.

Nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến, Đảng ta chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch lập tề của địch. Lực lượng Công an đã tích cực tham gia phong trào phá tề trừ gian, làm tan rã hàng ngàn hội tề phản động, bắt hàng nghìn tên, biến hàng trăm hội tề do địch lập ra hoạt động theo sự chỉ đạo của ta. Tiêu biểu là Đội danh dự trừ gian thuộc Ty Công an Bắc Ninh lập nhiều thành tích trong công tác trừ gian phá tề, đột nhập vào sân bay Gia Lâm lấy tài liệu và vũ khí của địch. Các đội hành động Công an liên tỉnh Hải Kiến, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn Tây, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị, Thừa Thiên, các tỉnh ở Tây Nguyên và Nam Bộ đã mưu trí dũng cảm đi sâu vào vùng địch để diệt tề, trừ gian, lập được nhiều thành tích, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Uỷ ban kháng chiến khen thưởng, tuyên dương.

Nhiều CBCS CAND đã nêu cao chí khí cách mạng, kiên cường dũng cảm và mưu trí lập được nhiều chiến công xuất sắc, như: Võ Thị Sáu, Công an quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa; Bửu Đoá, Công an tỉnh Khánh Hoà; Nguyễn Xuân Thưởng, Công an xung phong Thừa Thiên - Huế; Cao Kỳ Vân, Công an tỉnh Bắc Giang. Trong đó, tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của đồng chí Bùi Thị Cúc, Công an tỉnh Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 77-SL ngày 15-1-1952,  truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và tặng 6 chữ vàng “sống anh dũng, chết vẻ vang cho đồng chí.

Trong công tác và chiến đấu, CAND ở nhiều địa phương đã vượt qua những khó khăn, thử thách nêu cao tinh thần tự lực, tự cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Công an Nam Bộ trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về vũ khí, phương tiện đã sáng kiến lập “Công an xưởng” để sửa chữa và sản xuất vũ khí trang bị cho CBCS. Điển hình là Công an xưởng tỉnh Sa Đéc đã nghiên cứu sản xuất được các loại vũ khí gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện hoạt động trong lòng địch, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi.

Lực lượng Công an đã dựa vào quần chúng phát động phong trào “Ba không”, “Phòng gian bảo mật”, “Rèn cán bộ, lập chiến công”, làm tốt nhiệm vụ phòng gian, trừ gian, bảo vệ các khu du kích, căn cứ địa cách mạng, các cơ quan của Đảng và Chính phủ. Nhiều tổ chức phản động như “Tôn giáo liên hiệp”, “Thanh niên diệt cộng” ở Xuân Hà, Tang Điền (Nam Định); “Mặt trận dân tộc giải phóng” ở Thanh Hoá, đảng “Pảo Mương”, “Mặt trận dân chúng liên hiệp” ở Nghệ An, “Mặt trận quốc gia bài cộng” ở Bình Định... đã bị Công an phát hiện và trừng trị, góp phần đẩy nhanh tiến trình cuộc kháng chiến.

(Còn nữa)

Nhóm PVTS
.
.